Hương Khê có 9 xã (chiếm trên 50% diện tích tự nhiên toàn huyện) thuộc vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất tỉnh; trong đó, có 3 bản dân tộc thiểu số với trên 100 người. Theo đoàn cán bộ tín dụng Ngân hàng No&PTNT huyện Hương Khê về kiểm tra kết quả sử dụng vốn vay của bà con, chúng tôi được cán bộ ngân hàng cung cấp khá chi tiết về tình hình phát triển kinh tế, đặc điểm và tập quán sinh hoạt của bà con, về chiều hướng và khả năng phát triển của từng địa phương ở vùng thượng. Tôi không mấy ngạc nhiên bởi sự am hiểu địa bàn một cách tường tận này, bởi theo Giám đốc Ngân hàng No&PTNT huyện Hương Khê - Nguyễn Công Lợi thì làm ngân hàng ngày nay, cán bộ phải sâu sát bà con, không chỉ có trách nhiệm giải ngân, đưa đồng vốn đến với đồng bào, mà còn phải thấu hiểu rành rẽ tâm tư, nguyện vọng của họ, biết trăn trở, tìm tòi và sát cánh với bà con trong quá trình tìm hướng đi lên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và các đại biểu tham quan mô hình vườn mẫu tại thôn Nam Trà, Hương Trà, Hương Khê. (Ảnh tư liệu) |
Hương Lâm và Hương Liên hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Những cánh rừng thâm u, hoang dã, những triền bãi đất trống, đồi núi trọc ngày nào đã được thay bằng điệp trùng màu xanh của keo lá tràm và dó trầm. Khi Nhà nước có chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế các xã vùng sâu, vùng xa, trong đó mở rộng khuyến khích phát triển phong trào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo mô hình kinh tế hộ, một thách thức mới đặt ra cho bà con là với trên 70% số hộ thuộc diện đói nghèo, làm thế nào để vay được vốn đầu tư cho khát vọng thoát nghèo.
Trò chuyện với giám đốc ngân hàng, chúng tôi được biết, ngày đó, để đưa vốn đến tay bà con, đơn vị đứng trước không ít đắn đo, cân nhắc. Sau nhiều trăn trở, ngân hàng cũng đã có hướng giải quyết với tất cả tình cảm và trách nhiệm của mình. Đơn vị phân công ban lãnh đạo và cán bộ tín dụng trực tiếp bám từng địa bàn, tổ chức họp nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của dân; đồng thời tuyên truyền cơ chế, chính sách cho vay; hướng dẫn phương pháp sử dụng vốn cho bà con. Sau những tháng ngày miệt mài bám rừng, bám bản, mặc dù hết sức vất vả, nhưng niềm phấn khởi đã được nhen nhóm trong mỗi cán bộ ngân hàng. Từ điểm khởi đầu nhiều gian khó, đến nay, dư nợ đầu tư cho 8 xã vùng thượng đạt hơn 130 tỷ đồng, trong đó Hương Lâm và Hương Liên có tổng dư nợ gần 14 tỷ đồng.
Ở một địa bàn rộng và chia cắt, với nỗ lực của tập thể cán bộ ngân hàng nông nghiệp huyện cùng mạng lưới gần 2.800 tổ vay vốn, dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp Hương Khê đến thời điểm cuối tháng 8/2014 đã lên tới trên 800 tỷ đồng - là một trong những đơn vị có dư nợ cao nhất trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh. Kinh tế vườn rừng với các loại cây: keo lá tràm, cam và bưởi Phúc Trạch được chọn làm hướng đầu tư và hứa hẹn những nguồn thu lớn. Từ chỗ chỉ vận động bà con trồng rải rác, đến nay, cây keo và dó trầm đã trở thành màu xanh đặc trưng của đất rừng nơi đây. Các khu trang trại trồng cam và bưởi Phúc Trạch cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/mô hình/năm.
Những chuyến xe ngược ngàn đưa nguồn vốn Ngân hàng No&PTNT đến với vùng thượng Hương Khê. |
Ông Bùi Quang Giao (Gia Phố), từ nguồn vốn vay 250 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp đã gây dựng vườn bưởi Phúc Trạch với 500 gốc. Ông là một trong những khách hàng gắn bó gần chục năm nay và được ngân hàng nông nghiệp nhiều lần hỗ trợ bằng những chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ trong những giai đoạn gia đình gặp khó khăn vì lũ lụt, mất mùa.
Bằng tình cảm và trách nhiệm, ngân hàng đã giúp ông Giao vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư, chăm sóc vườn bưởi. Vụ bưởi năm nay, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh về xây dựng dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để khôi phục và phát triển bền vững cây bưởi Phúc Trạch…”, vườn bưởi của ông đã cho thu hoạch trên 8.000 quả, với khoản thu nhập không dưới 500 triệu đồng. “Mùa bưởi trước, tôi đã trả được gần một nửa vốn vay, mùa này thu hoạch xong là cơ bản trả hết nợ cho ngân hàng. Nếu không có sự tiếp sức của nguồn vốn dành cho nông dân thì chúng tôi không thể gây dựng được cơ nghiệp trên vùng đất nhiều khó khăn” - ông Giao bày tỏ.
Ngoài trồng rừng, phong trào chăn nuôi gia súc cũng là một hướng đi nhiều triển vọng của huyện Hương Khê. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.200 mô hình phát triển theo hướng trang trại, gia trại, kinh tế vườn, bình quân diện tích 6 ha/mô hình; giá trị sản xuất hàng hóa bình quân hàng năm đạt gần 400 tỷ đồng. Toàn huyện có 12 mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô 500-1.200 con/lứa, hơn 400 mô hình quy mô 30-100 con/lứa; 159 hộ nuôi hươu quy mô trên 5 con; 6 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô trên 1.000 con; hơn 600 hộ phát triển kinh tế vườn rừng mang lại hiệu quả cao. Tổng thu nhập từ kinh tế vườn rừng hàng năm của huyện đạt trên 80 tỷ đồng.
Hầu hết các mô hình này đều đang có dư nợ của Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh. Hiện nay, huyện miền núi Hương Khê đang cùng cả tỉnh phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng vốn của Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh đang trở thành người bạn đồng hành thủy chung trên bước đường phát triển mới để Hương Khê đi những bước vững chắc trên hành trình xóa đói giảm nghèo.
Vũ Dũng
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã