Lãnh đạo Sở LĐTB&XH kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn tập trung quy mô 1.200 con của gia đình ông Lê Viết Hường, thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm |
Kỳ Lâm là xã miền núi có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại chăn nuôi, trồng rừng để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, người dân chưa biết phát huy những tiềm năng, lợi thế nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 21%. Đặc biệt, trong thời gian đầu bắt tay triển khai, thực hiện các tiêu chí NTM, từ cán bộ chính quyền đến người dân còn rất lúng túng, chưa biết bắt đầu từ đâu, làm những việc cụ thể như thế nào. Trước những khó khăn của địa phương và với trách nhiệm là đơn vị đỡ đầu, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã đề ra chương trình hành động cụ thể, thiết thực, giúp địa phương triển khai thực hiện từng tiêu chí.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Mai Hoa cho biết: Muốn dân tin, dân làm theo thì trước hết mình phải chỉ cho dân thấy cái hay, hiệu quả của mô hình. Đặc biệt là làm thế nào để thay đổi được tư duy của người dân từ sản xuất, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ sang chăn nuôi lớn, hiện đại. Vì vậy, ngay sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như cái khó trong triển khai đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của địa phương, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn xóm và một số hộ sản xuất tiêu biểu trong xã tham quan, học tập các mô hình chăn nuôi, trang trại lớn tại Hương Minh (Vũ Quang) và Sơn Kim (Hương Sơn).
Ông Lê Viết Hường (thôn Đông Hà) - người mở đầu phong trào chăn nuôi lớn với mô hình chăn nuôi lợn liên kết với Công ty CP, quy mô 1.200 con/lứa, chia sẻ: "Qua chuyến đi, được tận mắt nhìn thấy những trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết với doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, những ông chủ “trang trại nhỏ” Kỳ Lâm chợt “bừng tỉnh”. Riêng tôi, nhiều đêm trằn trọc không ngủ, bởi vùng đất Kỳ Lâm cũng có điều kiện tự nhiên như họ, thậm chí, đầu ra sản phẩm còn thuận lợi hơn, thế nhưng, cả xã chưa có một mô hình chăn nuôi tập trung nào”.
Bản thân ông Hường dù đã có kinh nghiệm làm kinh tế trang trại hơn chục năm nhưng chỉ dám đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ các vật nuôi như: gà, trâu, bò, lợn rừng. Vì vậy, mặc dù trang trại khá lớn, nhưng hàng năm thu nhập cũng chỉ ở mức 70-80 triệu đồng.
Theo ông Hường, ngoài việc được hỗ trợ gần 200 triệu đồng từ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, huyện, điều quan trọng nhất là được tiếp cận với công nghệ chăn nuôi tiên tiến mà người làm trang trại thâm niên như ông và nhiều người khác trong vùng đang cần.
Mô hình chăn nuôi gà quy mô 1.000 con/lứa của gia đình bà Hồ Thị Nga (thôn Kim Hà, xã Kỳ Lâm) được khởi nguồn từ 150 con gà giống “thoát nghèo” do Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ. |
Cùng với giúp người dân tiếp cận mô hình chăn nuôi lớn, Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ các đối tượng nghèo, cận nghèo xây dựng mô hình chăn nuôi nhỏ. Năm 2013, đơn vị phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng và chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng 50 mô hình chăn nuôi gà cho các hộ nghèo, cận nghèo. Mỗi hộ được hỗ trợ 150 con gà giống và được tập huấn kỹ thuật. Từ những lứa gà “thoát nghèo” đầu tiên, đến nay, toàn xã Kỳ Lâm đã nhân rộng thêm hàng chục hộ nuôi gà quy mô 200-300 con/lứa, có hộ nuôi đến 1.000 con/lứa.
Bên cạnh hỗ trợ người dân Kỳ Lâm phát triển sản xuất, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập, Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chính quyền bám sát từng tiêu chí liên quan theo lĩnh vực ngành phụ trách, như: tập huấn phổ biến các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM, lao động - việc làm, xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công cho đội ngũ cán bộ cấp xã đến thôn xóm; tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân trong xã… Thông qua việc tổ chức các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức và người dân về ý thức xây dựng NTM.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Mai Hoa cho biết thêm, sau hơn 2 năm nhận nhiệm vụ đỡ đầu xã Kỳ Lâm xây dựng NTM, Sở LĐ-TB&XH đã thông qua các nguồn hỗ trợ cho địa phương hơn 700 triệu đồng để phát triển mô hình sản xuất và nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nghĩa trang. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa nhất đó là đã giúp đội ngũ cán bộ nắm rõ hơn công tác chuyên môn và đặc biệt là giúp người dân tiếp cận các mô hình sản xuất mới và thụ hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước.
Hành trình xây dựng NTM của Kỳ Lâm còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Kỳ Lâm và sự chung tay, góp sức hiệu quả của Sở LĐ-TB&XH, tin tưởng mục tiêu về đích trước 2 năm (năm 2018) của địa phương sẽ thành hiện thực.
Thanh Hoài
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;