Học tập đạo đức HCM

Không để hộ thoát nghèo tái nghèo

Thứ sáu - 13/11/2020 02:32
Ngoài đảm bảo sinh kế trước mắt, Hà Tĩnh kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, tái thiết sản xuất, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống hậu lũ.
Bộ NN-PTNT chung tay kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho bà con vùng lũ Hà Tĩnh tái thiết sản xuất, ổn định sinh kế. Ảnh: Thanh Nga.

Bộ NN-PTNT chung tay kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho bà con vùng lũ Hà Tĩnh tái thiết sản xuất, ổn định sinh kế. Ảnh: Thanh Nga.

Triệu trái tim hướng về miền Trung

Thời tiết Hà Tĩnh những ngày cuối thu mưa dầm, gió bấc và se lạnh. Trên khuôn mặt khắc khổ của người dân huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh vẫn ngân ngấn giọt lệ khi nhớ về trận lũ lịch sử cách đây gần một tháng.

Dấu tích của lũ lụt bây giờ chỉ còn lại ngấn nước hằn sâu trên tường nhà, cây cối còn sót lại, tuyệt nhiên, môi trường sau lũ được bà con và chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể vệ sinh sạch sẽ như chưa hề bị “Hà Bá” quét qua.

Trong “cơn bĩ cực”, tình người ấm áp lạ thường. Những chiếc bánh chưng, những nắm cơm nóng hổi nấu vội, từng mẩu lương khô, chai nước uống… được người dân trong và ngoài tỉnh chèo thuyền, đội mưa chuyển đến cho bà con vùng lũ đang chới với trên nóc nhà.

Lũ rút, những chiến sỹ bộ đội, công an, tổ chức đoàn thể phân công nhau đến các hộ dân thiệt hại giúp họ sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa.

Từ xa, hàng trăm, hàng nghìn lượt xe tiền, hàng “Hướng về miền Trung” của các nhà hảo tâm ùn ùn chuyển đến Ban cứu trợ để hỗ trợ nhân dân vùng lũ Hà Tĩnh. Theo thống kê, đến ngày 9/11, có 3.160 tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ người dân vùng lũ Hà Tĩnh, với tổng số tiền, hiện vật đạt gần 184 tỷ đồng.

Trong 2 ngày (10 – 11/11), cán bộ, công nhân viên Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) CN Hà Tĩnh II gần như gác hết mọi việc, tập trung chuyển 35 con bò giống, với tổng giá trị 525 triệu đồng mà cán bộ, nhân viên đơn vị đóng góp, mua tặng 35 hộ dân ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề do đợt lũ vừa qua gây ra.

Ông Võ Văn Nhất, Giám đốc Agribank CN Hà Tĩnh II bày tỏ, 35 con bò mà doanh nghiệp trao tặng sẽ tạo sinh kế giúp người nghèo, người bị thiệt hại nặng nề sau lũ lụt trên địa bàn khôi phục sản xuất bền vững, sớm ổn định cuộc sống.

“Chúng tôi muốn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc về sự sẻ chia cộng đồng và trách nhiệm của Agribank Hà Tĩnh II trong việc chung tay chăm sóc cuộc sống cho người nghèo, để “không ai bị bỏ lại phía sau””, ông Nhất nói.

Chị Hà Thị Quý hứa rằng sẽ nỗ lực phát triển chăn nuôi tăng thu nhập, không để tái nghèo trở lại. Ảnh: Thanh Nga.

Chị Hà Thị Quý hứa rằng sẽ nỗ lực phát triển chăn nuôi tăng thu nhập, không để tái nghèo trở lại. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng thời thông tin thêm, ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp trên, Agribank Hà Tĩnh II cũng kịp thời ban hành gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất với quy mô 300 tỷ đồng, áp dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Lãi suất ưu đãi áp dụng là 5%/năm, trong 3 tháng đầu kể từ ngày giải ngân, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ.

Chị Hà Thị Quý, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên năm nay chớm tuổi 44 nhưng đã góa chồng đến 13 năm. Người đàn bà “chân yếu tay mềm” một mình nuôi 2 người con ăn học trong chật vật nhiều năm.
 

Theo chị Quý, năm 2007, sau khi chồng bị điện giật tử vong, cuộc sống của 3 mẹ con chị trông chờ vào 4 sào ruộng và tiền công chị làm thuê tại Nhà máy gạch ngói Cầu Họ. Kể từ đó, gia đình xếp vào diện hộ nghèo bền vững.

Đến năm 2019, sau nhiều nỗ lực, gia đình chị thoát nghèo vươn lên thành hộ cận nghèo. Đợt lũ lụt vừa qua, toàn bộ đàn gia cầm hơn 100 con của gia đình bị Hà Bá cướp mất. Đang trong lúc bế tắc, chị được Agribank CN Hà Tĩnh II hỗ trợ một con bò giống trị giá 15 triệu đồng để tái chăn nuôi.

Chị Quý phấn khởi: “Ngân hàng Agribank Hà Tĩnh II hỗ trợ bò cho chúng tôi lúc này là rất phù hợp và kịp thời. Chúng tôi đang lo sau lũ sẽ tái nghèo nhưng với sự hỗ trợ nhanh chóng của chính quyền các cấp và nhà hảo tâm, chúng tôi sẽ nỗ lực để vượt qua khó khăn”.

Ban hành chính sách kịp thời

Với mong muốn sớm giúp bà con ổn định cuộc sống, nỗ lực không để hộ thoát nghèo tái nghèo, không để hộ khá giả lâm cảnh khó khăn, mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định trích từ quỹ cứu trợ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Một con bê giống được Agribank Hà Tĩnh II hỗ trợ cho nông dân vùng lũ huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Thanh Nga.

Một con bê giống được Agribank Hà Tĩnh II hỗ trợ cho nông dân vùng lũ huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Thanh Nga.

Mức hỗ trợ cụ thể: Đối với gia đình có người chết là 15 triệu đồng/người; người bị thương nặng 5 triệu đồng/người; hỗ trợ nhà ở sập hoàn toàn 50 triệu đồng/hộ; nhà ở thiệt hại từ 80% trở lên 30 triệu đồng/hộ; nhà ở thiệt hại 50% đến dưới 80% hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; nhà ở thiệt hại 30% đến dưới 50% hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.

Đối với những hộ có nhà chính bị hư hỏng và các công trình phụ trợ khác dưới 30%, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác từ huyện đến thôn, xóm, cộng đồng dân cư, dòng họ giúp đỡ cùng gia đình khắc phục để sớm ổn định cuộc sống.

Với những hộ bị lũ cuốn trôi mất 100% hoặc hư hỏng toàn bộ lương thực, thiếu đói, hỗ trợ 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 3 tháng; những hộ bị trôi một phần lương thực, có nguy cơ thiếu đói thì UBND cấp xã đề xuất UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ mức 15kg gạo/nhân khẩu/tháng, trong thời gian 1-2 tháng, từ nguồn lương thực Trung ương và các tổ chức cá nhân khác hỗ trợ.

Quyết định này ra đời rất hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với những mất mát, đau thương mà người dân đã phải gánh chịu bởi thiên tai thời gian vừa qua.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ sau lũ kịp thời của tỉnh Hà Tĩnh đã làm ấm lòng nông dân vùng lũ, thúc đẩy bà con tăng gia sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ sau lũ kịp thời của tỉnh Hà Tĩnh đã làm ấm lòng nông dân vùng lũ, thúc đẩy bà con tăng gia sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với việc tái thiết sản xuất sau lũ, tỉnh Hà Tĩnh cũng kịp thời phân bổ 8.000 kg hạt giống ngô; 5.940 kg hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia cho các huyện, TP, thị xã triển khai sản xuất vụ Đông 2020. Hiện nguồn giống này đã được các địa phương chuyển đến tay người dân, động viên bà con tranh thủ thời tiết khô ráo tổ chức xuống giống, nhằm đảm bảo sinh kế trước dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay, sau khi tiếp nhận nguồn giống hỗ trợ, nông dân một số xã như Thạch Liên, Tượng Sơn, Thạch Văn… đã xuống đồng sản xuất rau vụ Đông. Hiện Thạch Hà đang chuẩn bị ban hành chính sách hỗ trợ 100 % giống, 50% phân bón cho các vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung; hỗ trợ giống gà 5.000đ/con; giống lợn 1 triệu đồng/con; giống trâu, bò 5 triệu đồng/con cho các hộ bị thiệt hại do lũ lụt, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

https://nongnghiep.vn/khong-de-ho-thoat-ngheo-tai-ngheo-d277647.html
Theo Thanh Nga - Võ Dũng/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập414
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại866,282
  • Tổng lượt truy cập92,040,011
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây