Thiếu vốn chăm sóc, bảo vệ rừng khiến nhiều chủ rừng bối rối. Ảnh: Song Việt
Tỉnh nợ chủ rừng, chủ rừng nợ hộ dân, hộ dân nợ các tổ chức tín dụng. Một vòng xoáy nợ nần mang tính đồng lần đang diễn ra trong quá trình đầu tư chăm sóc bảo vệ và trồng rừng. Suốt 2 năm nay, việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng ở Hà Tĩnh đang gặp khá nhiều khó khăn khi không có bất cứ một chương trình dự án nào kích thích hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu An – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố huyện Hương Sơn cho biết: đơn vị của ông hiện vẫn còn khoảng 1500 ha diện tích đất trống đồi núi trọc. Thế nhưng việc phủ xanh gần như là nhiệm vụ bất khả thi bởi các chương trình trồng rừng của nhà nước đã dừng lại, trong khi khả năng huy động nguồn vốn từ cộng đồng lại phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất và hiệu quả kinh tế trên từng địa bàn cụ thể. Theo ông An người dân thường chỉ mạnh dạn bỏ vốn trồng mới sau khi đã thu hoạch cây rừng nguyên liệu. Trong khi một chu kỳ thu hoạch rừng ít nhất cũng phải kéo dài từ 7 đến 10 măm hoặc lâu hơn nữa. Thêm vào đó tại các địa bàn có điều kiện khắc nghiệt, tính chất rừng cực đoan như đất rừng cằn cỗi, xa nguồn nước, xa trục đường giao thông thì hầu như không thể kêu gọi được nguồn lực đầu tư từ xã hội.
Năm 2012 kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ phát triển rừng bền vững giành cho Hà Tĩnh chỉ được duyệt 25 tỉ đồng, bằng 25% kế hoạch, trong đó Chi cục lâm nghiệp phải trả nợ năm trước 8 tỉ, phân bổ cho đơn vị quản lý rừng đặc dụng là Vườn quốc gia Vũ Quang 10 tỉ. 7 tỉ còn lại chỉ mới đáp ứng được một nửa nhu cầu chăm sóc bảo vệ của 11 đơn vị chứ đừng nói đến việc trồng mới. Trong bối cảnh đó, các chủ rừng phải nợ hộ dân, hộ dân thì hoặc là lấy công làm lãi hoặc là tự vay mượn để bảo vệ chăm sóc phần rừng chuyển tiếp theo hợp đồng là điều hiển nhiên.
Ông Nguyễn Kim Hùng – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu huyện Hương Khê dẫn chứng: định mức bảo vệ rừng theo quy định của nhà nước là 200.000 đồng/1ha thế nhưng kinh phí cấp về hiện nay chỉ là 80.000 đồng/1ha, sau khi đơn vị cân đối các khoản chi phí, tiền trực tiếp đến tay hộ nhận khoán chỉ là 57000 đồng/1ha. Không bảo vệ thì không hoàn thành nhiệm vụ mà bảo vệ thì người trực tiếp bảo vệ rừng phải ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’. Cũng theo ông Hùng định mức bảo vệ 200.000 đồng/1 ha mỗi năm đã là không phù hợp với chi phí thực tế, thế mà nay lại phải cắt giảm xuống còn 57000 đồng thì …không còn gì để nói.
Chi cục trưởng chi cục lâm nghiệp Hán Duy Anh khẳng định: hiện tại Hà Tĩnh vẫn còn khoảng 35000 ha đất rừng cần được trồng mới, hàng ngàn ha rừng phòng hộ có nhu cầu cải tạo và nâng cấp. Thế nhưng tiến độ trồng rừng lại đang diễn ra chậm chạp vì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn xã hội. Nếu như những năm trước đây nhà nước bỏ ra một đồng từ vốn 661 có thể kích thích nguồn lực xã hội đầu tư lên đến 10 đồng. Còn hiện tại không có bất cứ sự kích thích nào từ nhà nước, lại gặp thời điểm kinh tế khó khăn nên cái gọi là ‘lâm nghiệp cộng đồng’ đang có nguy cơ chững xuống.
Thiếu kinh phí đầu tư chăm sóc bảo vệ và trồng rừng kéo theo hàng loạt khó khăn cho các chủ rừng và các hộ dân nhận giao khoán. Một số biểu hiện phức tạp nảy sinh gần đây như việc hình thành các đường dây chạy vốn trồng rừng, thế chấp sổ đỏ vay vốn cho một số tổ chức cá nhân không minh bạch…được nhìn nhận là ít nhiều có liên quan đến những khó khăn về chăm sóc bảo vệ và trồng mới rừng.
TRẦN LONG
Nguồn:baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;