Học tập đạo đức HCM

Thu hút FDI và ODA cho phát triển "tam nông" ở Việt Nam

Thứ tư - 03/10/2012 20:45
Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã đóng góp một phần quan trọng vào những kết quả tích cực của quá trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

 


Thu hút FDI và ODA cho phát triển

Thực trạng đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phát triển chính thức vào nông nghiệp, nông thôn

Tỷ trọng FDI trong lĩnh vực nông nghiệp giảm mạnh

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2012, lũy kế các dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vừa tròn 500 dự án trong tổng số gần 14.000 dự án FDI (chiếm 3,6% tổng số dự án) với tổng số vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD (chiếm 1,6% tổng vốn đầu tư đăng ký), trong đó vốn điều lệ đạt trên 1,6 tỷ USD (chiếm 2,3% tổng vốn điều lệ).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhà đầu tư nước ngoài chưa thật sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ trọng FDI trong lĩnh vực nông nghiệp liên tục giảm sút. Nếu như năm 2001 tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm khoảng 8% tổng vốn đăng ký đầu tư thì những năm tiếp theo, tỷ lệ này liên tục giảm: đến năm 2006 còn 6%, năm 2007 tiếp tục giảm còn 5,2% và đến 2008 giảm mạnh còn 3,3%, sau đó còn 1% vào năm 2009 và năm 2010.

Các dự án FDI trong nông nghiệp nhỏ về quy mô

Không chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ về dự án và tổng vốn đầu tư mà các dự án FDI trong nông nghiệp còn nhỏ về quy mô. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 6,6 triệu USD, thấp xa so với quy mô bình quân một dự án kinh doanh bất động sản (130 triệu USD) hoặc dự án trong lĩnh vực điện, khí (92,6 triệu USD) hay dự án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (17,6 triệu USD).

Trong giai đoạn 2000-2012, bình quân một dự án cấp mới trong lĩnh vực nông nghiệp có số vốn đăng ký là 2,64 triệu USD và đối với dự án tăng vốn trong cùng lĩnh vực có số vốn đăng ký bình quân là 2,56 triệu USD/dự án.

Chưa thu hút được các nhà đầu tư đến từ các nước có nền nông nghiệp phát triển

Trong số hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam thì có tới trên 1/3 tổng vốn đăng ký đến từ Đài Loan v à Hồng Kông. Nếu tính cả các nhà đầu tư đến từ các nước trong khu vực châu Á thì chiếm tới 70% tổng vốn đăng ký, trong khi các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Úc, Pháp, Canada lại ít đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Về hình thức đầu tư, có thể thấy FDI trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện chủ yếu dưới hai hình thức 100% v ốn đầu tư nước ngoài (chiếm 75,6%) và liên doanh (chiếm 21,2%), chỉ có một số rất ít được thực hiện dưới các hình thức khác (3%). Trong đó, nhà đầu tư đến từ các nước có nền nông nghiệp phát triển thường có xu hướng chọn hình thức liên doanh, các nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á lại có xu hướng chọn hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Các dự án FDI trong nông nghiệp phân bổ không đều

Các dự án FDI trong nông nghiệp chủ yếu tập trung tại những địa phương có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái thuận lợi đồng thời là vùng năng động trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ thu hút tới 42,4% tổng số dự án FDI trong nông nghiệp. Các tỉnh thuộc các vùng tuy có nhiều lợi thế về đất đai cho phát triển nông, lâm nghiệp như vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên nhưng tỷ lệ thu hút các dự án đầu tư FDI còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng 2,4%, 8,6% và 16% tổng số dự án FDI trong nông nghiệp.

Các dự án ODA tập trung cho vùng nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn ODA ký kết giai đoạn 2006-2010 trong nông nghiệp, nông thôn chiếm 16,21% tổng vốn ODA vào Việt Nam (3,34 tỷ USD) – thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 21%. Năm 2011, ODA ký kết cho nông nghiệp, nông thôn đạt 493 triệu USD, chiếm 12,86% tổng vốn ODA năm 2011. Về giải ngân vốn ODA giai đoạn 2006-2010 đạt 2,65 tỷ USD, khoảng 79,34% vốn ODA ký kết cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chiếm 21,76% vốn giải ngân ODA cho toàn bộ nền kinh tế.

Nguồn vốn ODA trong nông nghiệp, nông thôn tập trung vào:

- Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ: lưới điện nông thôn, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, bệnh viện, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường;

- Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp , thủy sản, xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, chuyển giao công nghệ trồng trọt và chăn nuôi, cung cấp tín dụng quy mô nhỏ, hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, áp dụng công nghệ sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân của những khó khăn trong thu hút FDI vào nông nghiệp

- Còn lúng túng trong việc xây dựng chiến lược thu hút FDI, nhất là thu hút FDI vào nông nghiệp, nông thôn. Việc chậm chạp trong đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ngành và địa phương trong đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp làm cho nhà đầu tư thờ ơ với lĩnh vực nông nghiệp.

- Thiếu thông tin trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp hoặc các thông tin không đến được với nhà đầu tư tiềm năng, nhất là nhà đầu tư tại các nước có nền nông nghiệp phát triển.

- Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém và thủ tục hành chính rườm rà cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chưa mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Do sản xuất nông nghiệp diễn ra trên địa bàn nông thôn rộng lớn, thậm chí địa hình rất chia cắt tại khu vực miền núi, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn nhất là về giao thông, thông tin liên lạc đã làm tăng chi phí giao dịch của các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư về nông thôn lại chưa tạo ra được đột phá, các ưu đãi theo Nghị định 61/2010/ NĐ-CP chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước).

- Sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp so với các ngành công nghiệp; phụ thuộc quá nhiều vào

CÁC DỰ ÁN ODA ĐANG TRIỂN KHAI

Nhà tài trợ

Thời gian

Cơ quan chủ quản

Tổng số (triệu USD)

Vốn vay (triệu USD)

Viện trợ (triệu USD)

ADB

2011-2014

Bộ NN&PTNT

60

60

ADB(*)

2011-2017

Bộ NN&PTNT

108

108

WB(**)

2011-2017

Bộ NN&PTNT

160

160

WB

2011-2013

Ủy ban Dân tộc

50

50

Quỹ KUWAIT

2011-2014

UBND tỉnh Hà Tĩnh

14,6

14,6

IFAD

2011-2015

UBND tỉnh Tuyên Quang, Gia Lai và Ninh Thuận

48,35

48,35

Nhật Bản

2011

Ngân hàng Nhà nước

42,89

42,89

Canada

2011-2017

UBND tỉnh Hà Tĩnh

9,2

9,2

                   

 

Ghi chú: (*) Dành cho 15 tỉnh nghèo miền núi phía Bắc: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biện, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang và Lạng Sơn. (**) Dành cho 7 tỉnh phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ

điều kiện tự nhiên, với tính thời vụ và tính mùa vụ cao, sản phẩm dễ bị hư hỏng, nếu không được bảo quản và chế biến kịp thời nên đòi hỏi phải có hệ thống chế biến, bảo quản đồng bộ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản đang đòi hỏi nhà đầu tư phải tăng chi phí cho xử lý chất thải và chống ô nhiễm.

Một số kiến nghị

Định hướng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian tới cần hướng vào những dự án sử dụng ít tài nguyên, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng thay cho chỉ tăng về số lượng.

- Tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong khuôn khổ phù hợp với các quy định của WTO. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ thuộc hộp “xanh lá cây” như cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ công nghiệp chế biến; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.

- Mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong trường hợp thiên tai, mất mùa, rủi ro do biến động giá cả, thay đổi chính sách…; Mở rộng tiếp cận tín dụng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trước những biến động bất lợi.

- Đối với các dự án đầu tư gắn với vùng nguyên liệu, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với nông dân theo quy định của Luật Đất đai hiện hành về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp.

- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để tạo tiền đề thu hút FDI, dự án ODA giải quyết các khó khăn về cơ sở hạ tầng và những khó khăn sơ cấp nảy sinh trong quá trình sản xuất, qua đó giúp nhà đầu tư FDI hạn chế được các chi phí giao dịch và tập trung nguồn vốn cho đầu tư kinh doanh.

Tăng cường thu hút FDI và ODA là một giải pháp quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Cần quán triệt trong cả cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực tiễn. Trong những năm tới, để nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đóng vai trò của mình trong phát triển kinh tế, rất cần có những đột phá hơn nữa về những vấn đề có liên quan, nhất là vấn đề FDI và ODA.

 Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Tình hình đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày 23/02/2012;

2. Chu Tiến Quang và Hà Huy Ngọc: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp thực trạng và chính sách”. Tạp chí Cộng sản ngày 11/5/2011.

Theo:tapchitaichinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập693
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm692
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại797,391
  • Tổng lượt truy cập93,175,055
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây