Học tập đạo đức HCM

Biến "đá" thành "vàng" trên núi Cấm

Chủ nhật - 01/03/2015 20:08
Anh Nguyễn Thiện Chí ở ấp Rau Tần, trên Núi Cấm, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, An Giang) đã tận dụng những vách đá trồng 1.500 cây quýt hồng. Cứ mỗi vụ tết anh thu hoạch trên 10 tấn trái, đạt doanh thu từ 200 - 250 triệu đồng.
Tuy mới gặp lần đầu nhưng anh Chí rất vui vẻ, dẫn chúng tôi men theo triền núi để tham quan vườn quýt.
Thật sự tôi không thể tưởng tượng được, mình vừa đi, vừa bò theo vách núi thôi cũng đã khó khăn rồi, trong khi đó, anh Chí cứ nhảy thoăn thoắt từ vách đá này sang vách đá kia. Trông anh hơi gầy nhưng rất khỏe và nhanh nhẹn.
Điều mà tôi ngạc nhiên là vì sao những cây quýt sai oằn trái lại có sức sống mãnh liệt như thế. Hầu như cây nào cũng bám trên vách đá. Làm thế nào mà cây cho nhiều trái và trái bóng đẹp? Nhìn dưới gốc mỗi cây quýt, tôi thấy có ít đất và lá cây mục, vội thắc mắc hỏi: "Ở trên này toàn là vách đá núi, sao lại có đất và lá cây khác ngoài lá quýt?".
Anh tươi cười trả lời: "Sở dĩ có được vườn quýt như ngày hôm nay là do bỏ công đi bứng từng cục đất đem về. Nơi vách đá cheo leo như thế này thì làm gì có đất. Nhờ gần đây có khe suối chảy từ trên cao xuống, mang theo cát, lá cây mục và tích tụ lâu ngày trở thành đất mà thôi".
Ngoài ra, anh còn thường xuyên thu gom lá cây rừng mang về ủ mục để bón cho cây. Với bao nhiêu dinh dưỡng đó cũng chưa đủ, anh còn phải lặn lội xuống núi để mua thêm phân bò, bổ sung thêm lượng hữu cơ giúp cây có đủ chất và bám rễ tốt trên vách đá để phát triển.
Khi hỏi sâu hơn về kỹ thuật trồng quýt hồng trên vách đá núi, anh Chí bật mí thêm: "Ở đây có lợi thế là trên núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ cao nhất chỉ từ 27 - 28 độ C. Mùa mưa thì kéo dài khoảng 8 tháng từ tháng 4 đến tháng 11 âm lịch. Còn mùa nắng rất ngắn khoảng 4 tháng nhưng bù lại có hơi sương về đêm. Chính vì vậy mà trong đất lúc nào cũng có độ ẩm cao, cây mới sống được".
Khai thác thêm về khía cạnh kỹ thuật xử lý để cây cho nhiều trái vào dịp tết, anh Chí không giấu nghề: "Phải xử lý cây ngay từ tháng 2 âm lịch. Hai tháng đầu, mình tỉa cành, tạo tán và bón thêm phân để cây hồi phục sau đợt mang trái dài ngày vụ tết và giúp cây phát triển tốt. Sau khi cây đâm chồi mạnh và đến lúc đọt lá chuyển từ màu xanh lợt sang xanh đậm thì phải xử lý, kích thích ra hoa.
Thông thường phải xử lý cho cây ra bông từ đầu tháng 4 âm lịch thì mới kịp bán vụ tết, bởi vì cây quýt hồng từ lúc ra bông cho đến lúc thu hoạch trái phải mất 9 tháng".
Anh còn cho biết thêm, bón thêm phân hóa học, phân vi lượng cho cây thì phải ngâm phân cho tan hết rồi pha với nước tưới vào gốc và chỉ tưới vào lúc trời không mưa.
Bởi vì, cây trồng toàn theo vách đá và triền dốc, không thể bón phân bằng cách rải hạt trên gốc, nếu phun nước tưới hoặc có mưa thì phân bị trôi đi hết. Chính vì những kinh nghiệm đó mà anh đã thành công với cây quýt hồng trên vùng đất này.
Dân Núi Cấm là vậy. Họ sống rất lạc quan, yêu đời và mến khách. Qua bài viết này, chúng tôi liên tưởng tới việc phát triển tiềm năng du lịch sinh thái cho cả vùng Núi Cấm trong tương lai, trong đó có sự hợp tác với các nhà vườn như hộ gia đình của anh Chí để phục vụ ăn, nghỉ cho khách qua đêm.
Theo lời kể của anh Chí thì khu trồng quýt hồng của gia đình anh có từ thời Pháp thuộc do ông nội ở Long Xuyên về đây khai phá. Sau đó, cha và bác, chú của anh tiếp tục định cư.
Do thời kỳ chống Mỹ, núi Cấm bị bom, đạn tàn phá nên người dân không ở được, gia đình anh phải sơ tán trở về Long Xuyên sinh sống. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh cùng gia đình trở lại đây an cư, lập nghiệp.
Cách đây khoảng 6-7 năm, giá dâu bị tụt giảm mạnh nên mấy trăm gốc dâu của gia đình anh Chí thu nhập chẳng được bao nhiêu. Còn xoài và sầu riêng trồng trên đá lại không phát triển được phải cưa bán củi.
Nhờ người quen giới thiệu, anh lặn lội đến miệt vườn Cái Mơn, tỉnh Bến Tre để đặt cây giống quýt hồng. Lần đầu, anh trồng thử nghiệm khoảng 1.000 cây giống các loại, trong đó có 500 cây quýt hồng.
Vừa trồng, anh vừa học hỏi kinh nghiệm. Năm sau, thấy cây quýt hồng phát triển tươi tốt và có triển vọng, anh tiếp tục đặt thêm 500 cây nữa về trồng xen trong vườn dâu. Đến năm thứ 3, khi những cây quýt hồng trồng đợt đầu đã cho trái và có thu nhập nên anh quyết định đặt mua thêm 500 cây nữa về trồng.
Chỗ vách đá nào còn khoảng trống thì anh bứng đất kê lên trồng quýt. Cứ thế, mỗi năm anh lại bổ sung vài trăm cây quýt hồng để trồng dặm lại những cây hao hụt và phủ tiếp ở những khoảng trống trong vườn.
Chúng tôi tạm biệt anh Chí để kịp xuống núi trước khi trời tối. Anh nói: "Khi nào có dịp lên đây chơi, các anh, em phải ở lại đây qua đêm để mình còn lai rai, hưởng cái thú lạnh lạnh về đêm trên núi giống như ở Đà Lạt vậy. Ở đây chúng tôi chỉ cần có bạn bè, anh, em, lối xóm khi tối lửa tắt đèn có nhau...".
Theo: nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập516
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm515
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại839,018
  • Tổng lượt truy cập92,012,747
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây