Theo chân anh Huỳnh Thanh Vân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Thới An, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Chiến ở ấp An Hoà 2. Trong căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, anh Chiến cho biết, năm 2007, được tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 2 con bò sữa từ dự án nâng cao đời sống nông thôn, gia đình đã tích cực chăm sóc bò. Sau một thời gian, anh Chiến nhận thấy nuôi bò sữa không mất quá nhiều vốn, chỉ tốn công chăm sóc, lại thu lời cao nên quyết định gắn bó với con vật này. Đến nay, gia đình anh có 8 con bò đang cho sữa, trung bình mỗi con cho 3,5 - 4 tấn sữa/năm. Với giá sữa tươi khoảng 11.500 đồng/kg, trừ chi phí, một con bò có thể cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng.
Mấy năm nay, nhờ có bò sữa nên gia đình anh Chiến mới dư tiền cất nhà và lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Thấy nuôi bò sữa cho thu nhập cao nên anh đã dùng 5 công ruộng để trồng cỏ nuôi bò.
Rời xã Thạnh Thới An, chúng tôi đến xã "bò sữa" Tham Đôn, nơi có đông đồng bào Khmer nhất huyện Mỹ Xuyên. Toàn xã hiện có khoảng 750 con bò sữa với trên 650 hộ nuôi, hầu hết đều là hộ khá - giàu. Điển hình như gia đình anh Trần Quốc Quang ở ấp Sô La 1, trước đây được xem là một trong những hộ nghèo nhất xóm, phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 2004, khi được hỗ trợ 1 con bò sữa từ dự án, anh tập trung chăm sóc nên chỉ sau 1 năm, bò đã cho sữa, năng suất đạt 20 - 35kg/ngày. Sau 5 năm nuôi bò sữa, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá, với 6 con bò đang cho sữa.
Trao đổi với chúng tôi, anh Quang cho biết: "Thấy bò cho sữa nhiều nên mới đây, nhiều bà con đã tìm đến gia đình mua bò cái về làm giống. Tôi đã bán 3 con bò sữa cho bà con nghèo trong ấp và một bò đực, trị giá trên 100 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi có nhà mới, xe mới, vui lắm".
Cũng ở ấp Sô La 1, gia đình anh Liêu Anh Tuấn là một trong những hộ nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa quy mô lớn. Hiện, gia đình anh đang sở hữu 16 con bò cái, trong đó có 14 con đang cho sữa. Đặc biệt, hộ anh Tuấn còn là gia đình đầu tiên của xã dùng máy vắt sữa theo kỹ thuật mới. Anh Tuấn chia sẻ: "Mua máy vắt sữa để tiết tiệm thời gian, tiền thuê nhân công mà sản phẩm sữa lại sạch hơn, chất lượng hơn. Trong nghề nuôi bò sữa, ngoài việc đảm bảo thức ăn thì khâu vệ sinh cũng rất quan trọng, chuồng phải luôn sạch sẽ, thoáng mát thì sữa bán mới được giá".
Hiện, gia đình anh Tuấn đang trồng 1ha cỏ làm thức ăn cho bò. Theo anh Tuấn, chỉ cần mỗi hộ có một con bò sữa là đã có thể thoát nghèo nhanh chóng, vì bò cho sữa hàng ngày. Riêng gia đình anh, với 14 con bò đang cho sữa, thu nhập đạt khoảng 700 triệu đồng/năm.
Phương Nghi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã