Bằng việc phát huy lợi thế của các thôn, lấy mô hình chăn nuôi gia súc tiêu biểu, có hiệu quả của các gia đình làm hạt nhân để nhân lên thành các khu, nhóm hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại và bán trang trại; sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ; tăng cường mở các lớp tập huấn về phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, chế biến và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông…, xã Thanh Vân đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá. Tính đến hết tháng 8/2012, Thanh Vân có 2.115 con trâu - bò, trong đó đàn trâu 436 con, đàn bò 1.679 con, tăng 185 con so với năm 2011; đàn dê, ngựa có trên 550 con, đàn lợn 3.867 con… Trong 8 tháng đầu năm 2012, xã trồng mới 94ha cỏ VA06 và Goatemala, nâng tổng diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi lên 586ha. Chính nhờ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá mà nhiều gia đình ở Thanh Vân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như gia đình anh Nùng Sèo Khón ở thôn Mã Hồng có thu nhập 90 - 110 triệu đồng/năm từ chăn nuôi trâu, bò hàng hoá. Anh Khón cho biết, trước kia gia đình chỉ trông chờ vào nương ngô và cấy lúa nên thường bị thiếu ăn khi giáp hạt. Từ năm 2006, được sự hỗ trợ về vốn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, gia đình chuyển 1,5ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ và mua thêm giống trâu, bò về nuôi. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo và có nguồn tích luỹ do chăn nuôi trâu, bò mang lại. Hộ các anh Vàng Hứa Sèng ở thôn Nùng Càng, Vàng Sèo Seng ở thôn Nùng Cúng cũng có thu nhập 70-80 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc.
Anh Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, chủ yếu là trâu - bò, theo hướng hàng hoá gắn với trồng cỏ mà nhiều gia đình ở Thanh Vân đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu. Xã đang có chủ trương mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc hàng hoá theo quy mô hộ và nhóm hộ gia đình ở các thôn có lợi thế về trồng cỏ”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, Thanh Vân cũng gặp một số khó khăn như nhiều gia đình còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi… “Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình chăn nuôi, thời gian tới xã tiếp tục đầu tư có trọng điểm, làm tốt việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc; quy hoạch khu và cụm chăn nuôi theo chủ trương của huyện; tận dụng các nguồn vốn và các chương trình để hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa”, anh Tiến nói. Phạm Văn Phú
| ||||
(Kinhtenongthon.com.vn) | ||||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã