Học tập đạo đức HCM

Đám cưới "siêu tiết kiệm"

Thứ ba - 19/03/2013 23:06
Hàng trăm đôi uyên ương tại xã biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã thoát khỏi cảnh nợ nần sau ngày cưới với mô hình đám cưới “siêu tiết kiệm”.

Đám cưới 870 nghìn đồng

Bước ra khỏi hội trường Nhà văn hóa trung tâm xã sau lễ cưới ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng và đầm ấm, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, vợ chồng anh Vũ Văn Quang (31 tuổi, xã Ngư Lộc) chia sẻ, sau khi học xong THPT, anh vào Vũng Tàu làm ăn. Anh Quang gặp cô bạn gái đồng hương, sau một thời gian tìm hiểu, thấy tâm đầu ý hợp nên hai người quyết định đi đến hôn nhân. Dịp tết Quý Tỵ vừa qua, hai bạn dự định về quê tổ chức đám cưới, nhưng cũng lo lắng cho khoản kinh phí phông rạp, loa đài, hàng trăm mâm cỗ quê mời bà con, làng xóm…

Được bạn bè giới thiệu Đoàn Thanh niên xã có dịch vụ cưới trọn gói mà giá rẻ bất ngờ, chỉ 870.000 đồng, anh Quang vội đi đăng ký và nộp tiền. Hai vợ chồng trẻ thở phào như trút được gánh nặng. Từ phông rạp, trang trí hội trường, chương trình âm nhạc, người dẫn chương trình đến chè nước, bánh kẹo, hoa tươi..., đoàn xã lo tất tần tật.

“Đám cưới đơn giản, tiết kiệm nhưng cũng không kém phần ấm cúng và ý nghĩa. Sau ngày cưới, vợ chồng mình tiết kiệm được vài chục triệu đồng tiền chi phí, tiền mừng đám cưới để “dắt lưng” làm vốn và lo cho con cái sau này”, anh Quang tâm sự.

Hai bạn Hoàng Văn Dũng và Nguyễn Thị Thủy (thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc) cũng có hoàn cảnh tương tự. Cả hai cùng đi học rồi ở lại Hà Nội làm việc. Tình cảm nảy sinh, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Cận tết cả hai về quê, tranh thủ những ngày nghỉ để lo thủ tục cưới hỏi.

Đang lo vì mấy năm đi làm, gom góp không biết có đủ cho việc cưới xin. Hơn nữa, nhà cửa ở quê vùng ven biển này lại chật chội, sẽ xoay xở ra sao? Đang loay hoay thì được bạn bè rỉ tai đến Phòng cưới văn hóa của Đoàn Thanh niên xã. Vậy là cũng với 870.000 đồng, anh Dũng, chị Thủy đã nên duyên chồng vợ.


Những gương mặt rạng ngời hạnh phúc với đám cưới tiết kiệm nhưng đầm ấm, vui tươi

Ba tiết kiệm

Đây là tên mà bà con diêm dân nơi đây đặt tên cho đám cưới theo nếp sống văn hóa được Đoàn Thanh niên xã Ngư Lộc đảm trách. Ba tiết kiệm, theo giải thích của anh Đặng Văn Hải, Bí thư Đoàn xã Ngư Lộc, là tiết kiệm thời gian, tiền bạc và không gian tổ chức.

Anh Hải cho biết thêm: Các thủ tục tổ chức đám cưới ở đây rất đơn giản, gọn nhẹ. Sau khi đến ủy ban xã làm thủ tục đăng kí kết hôn, cô dâu chú rể tương lai chỉ cần đăng kí ngày giờ dự định tổ chức đám cưới, sau đó nộp 870.000 đồng. Những phần việc còn lại từ công tác tổ chức, phông rạp, bánh kẹo, nước chè… đều do ban tổ chức lo liệu.

Sở dĩ ban tổ chức tiết kiệm được kinh phí là do toàn bộ trang thiết bị được đầu tư đồng bộ một lần và phải mất hàng chục năm mới khấu hao hết. Người tổ chức do đoàn thanh niên đảm nhiệm. Các tiết mục văn nghệ đều do anh em bạn bè của cô dâu chú rể chuẩn bị theo kiểu “cây nhà lá vườn” nên giảm thiểu được nguồn tiền lớn so với phải thuê ca sĩ.

Cùng có mặt tại đám cưới của đôi bạn trẻ Hoàng Văn Dũng và Nguyễn Thị Thủy, ông Nguyễn Văn Tình chia sẻ, ông đã từng chứng kiến nhiều đôi vợ chồng sau ngày cưới phải bỏ quê đi làm ăn xa kiếm tiền trả nợ. Còn nhiều đôi sau khi lấy nhau nảy sinh mâu thuẫn cũng bởi gánh nặng nợ nần. Cách đây hai mươi năm, ông cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau ngày cưới. Bởi vậy, ông thấm thía nỗi lo toan của các đôi vợ chồng trẻ.

Từ ngày Đoàn Thanh niên xã sáng kiến tổ chức đám cưới “siêu tiết kiệm”, ông cũng vui lây với niềm vui của các bạn trẻ. Hiện hầu hết thanh niên trong xã khi kết hôn đã thực hiện việc cưới theo nếp sống mới. Việc này được bà con diêm dân nhiệt tình hưởng ứng.

Mấy năm nay, không còn cảnh các bạn trẻ sau đám cưới lại gồng gánh đi xa kiếm tiền trả nợ. Hiện tượng thanh niên uống rượu rồi gây gổ, đánh nhau, phóng xe máy bạt mạng như trước kia đã không còn.

Khi ý tưởng đám cưới tiết kiệm theo tinh thần nếp sống văn hóa mới ra đời đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thay đổi quan niệm, cách nghĩ đã ăn sâu bén rễ trong đại bộ phận nhân dân. Phần lớn người dân quan niệm, hôn nhân vốn là việc hệ trọng trong đời người, gia đình nào cũng muốn tổ chức thật to, thật linh đình cho con cái.

Không ít người còn lý luận: Cưới xin là việc gia đình, sao có thể giao cho chính quyền, đoàn thể đứng ra tổ chức được? Lại còn vấn đề “nợ miệng” nữa, tổ chức như vậy thật khó coi…

Ngư Lộc là xã biển rất đặc biệt, có mật độ dân số đông nhất Việt Nam hiện nay. Chỉ với 0,46km2 diện tích nhưng Ngư Lộc có hơn hơn 18 nghìn dân, mật độ dân số hơn 50 nghìn người/km2, gấp 150 lần so với mức trung bình ở Việt Nam và thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Hầu hết người dân ở đây sinh sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, cũng do phụ thuộc vào biển cả nên đời sống nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn.

Vậy là cán bộ đoàn phải gương mẫu tiên phong, tích cực tuyên truyền, vận động trong gia đình, họ hàng rồi đến bạn bè mình thực hiện. Dần dà, khi thấy đám cưới của chính các cán bộ đoàn xã, thôn diễn ra tại Phòng cưới văn hóa gọn nhẹ, vui tươi, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa và mang đậm tính truyền thống, bà con diêm dân thay đổi quan niệm và làm theo.

Chỉ tính riêng trong năm 2012, Đoàn Thanh niên xã Ngư Lộc đã tổ chức được cho 93 đôi uyên ương. Có ngày được cho là “ngày lành tháng tốt”, Đoàn xã phải tổ chức tới 13 đám cưới. Từ đầu năm 2013 đến nay, Đoàn xã cũng đã tổ chức được hơn 30 đám cưới cho các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ ở các xã lân cận như Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc… cũng đến Ngư Lộc nhờ đoàn xã tổ chức đám cưới.

Nhận thấy ý nghĩa và lợi ích thiết thực mà đám cưới “ba tiết kiệm” mang lại, chính quyền địa phương đã thống nhất dành khu nhà văn hóa trung tâm cho xã đoàn Ngư Lộc làm hội trường tổ chức lễ cưới chung cho thanh niên địa phương.

Được biết, mô hình đám cưới theo nếp sống văn hóa này đã và đang được nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện Hậu Lộc.
 

Theo nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập354
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm349
  • Hôm nay29,410
  • Tháng hiện tại207,977
  • Tổng lượt truy cập90,271,370
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây