Học tập đạo đức HCM

Định giá đất phải minh bạch

Thứ tư - 19/09/2012 22:02
Ngày 17/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung được các đại biểu và người dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo lần này là giá đất.
 
Việc định giá đất trong dự thảo luật còn khá mơ hồ.

Nguyên tắc mơ hồ

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thảo luận tại UBTVQH nêu quy định nguyên tắc định giá đất “do Nhà nước quyết định, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”.

UBND cấp tỉnh xây dựng giá các loại đất 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ; nhưng trong trường hợp giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm 30% so với công bố thì phải xem xét điều chỉnh.

Mặc dù ban soạn thảo thuyết minh rằng nguyên tắc này sẽ khắc phục được các bất cập lâu nay song đa số các ý kiến “không thấy thuyết phục”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói thẳng: “Tôi thấy rất ái ngại khi ta chỉ sửa được “sát với giá thị trường” thành “phù hợp với giá thị trường”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là “nguyên tắc mơ hồ”. Chủ tịch chỉ rõ: “Phù hợp với giá thị trường là theo thị trường nào? Thị trường lúc quy hoạch đất hay quy hoạch dự án? Thị trường lúc định giá hay lúc trả tiền đền bù?”. Bởi theo tiến độ khác nhau của quy hoạch, giá đất lại có sự biến động.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, giả sử, giá đất khi mới bắt đầu có quy hoạch chung chỉ ở mức 1 triệu đồng/m2, thậm chí là đất rừng, núi. Nhưng khi bắt đầu bổ sung quy hoạch chi tiết xây thêm một con đường, làm một khu đô thị và đưa ra đấu giá thì đã nâng lên thành 5 triệu đồng, thậm chí lên gấp nhiều lần. Như vậy, giá thị trường nên tính ở thời điểm nào thì phù hợp và đảm bảo các quyền lợi cho người dân và Nhà nước? Phải chăng giá trúng thầu mới là giá thị trường. Vậy giải quyết số tiền chênh lệch như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, khi quy hoạch chung tổng thể Thủ đô Hà Nội, đất có giá khác, còn lúc công bố chi tiết phân khu chức năng và tiến hành thu hồi, giải tỏa lại hình thành giá khác. Vậy, Nhà nước dự kiến trả tiền đền bù cho dân dựa theo thị trường ở thời điểm quy hoạch cũ hay quy hoạch mới?

Nguyên tắc định giá đất phải được sửa rõ ràng, minh bạch, không thể cứ tiếp tục tù mù như lâu nay. “Người dân khó chịu và khiếu kiện nhiều vì anh nói một đường lại trả một đường khác, rồi bắt chẹt”, Chủ tịch lưu ý.

Tương tự, nguyên tắc thu hồi đất của dân cũng không thể nói “lơ mơ” là theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chung chung mà phải làm rõ đến thời điểm nào mới được thu hồi của dân, tránh tình trạng dự án treo. Đặc biệt, nhiều diện tích đất thu hồi của dân rồi bỏ trống, trong khi đó giá đất cứ “leo thang” hàng ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, cách tính như hiện nay vốn dĩ đã bất cập, theo nguyên tắc mới lại còn nới rộng hơn.

“Tôi sợ rằng không giải quyết được vấn đề hiện nay mà lại gây tranh cãi nhiều hơn. Nguyên tắc chỉ ghi chung chung và còn nêu là do Chính phủ quy định. Vậy cái chốt quan trọng nhất lại không được đưa vào luật mà lại để Chính phủ quy định. Vấn đề mà quốc dân đồng bào quan tâm nhất lại không được đưa vào luật”, ông Hiển nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng phàn nàn, dự án luật chưa đưa ra cơ chế quy định thế nào là giá thị trường, và như vậy cũng chưa giải quyết được vướng mắc hiện nay là Nhà nước thất thu, nông dân thiệt thòi, chỉ có nhà đầu tư hời. Đặc biệt là tình trạng lộn xộn nhiều loại giá gây bất ổn cho thị trường. Người dân vẫn không hiểu vì sao giá đất ở Hà Nội đắt ngang ngửa các thủ đô lớn trên thế giới.

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, dự luật có xu hướng “dồn quá nhiều trách nhiệm cho Thủ tướng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng”.

Chịu trách nhiệm thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị ban soạn thảo làm rõ phương pháp định giá đất, thời điểm định giá đất.

Minh bạch để phòng chống tham nhũng

Một số điểm mới khác cũng được bổ sung vào luật, như hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Dự thảo luật quy định, tối đa không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng và phù hợp với quy hoạch.

Hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn nếu người dân có nhu cầu sử dụng và phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước tiếp tục cho thuê đất.

UBTVQH cho rằng, minh bạch phải là nguyên tắc hàng đầu để định ra các điều khoản về thu hồi, đền bù, chuyển nhượng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Sự minh bạch của Luật Đất đai lần này phải góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả. Việc sửa đổi lần này phải là một khâu đột phá, giúp giải quyết được các bức xúc, nhất là trong khiếu nại tố cáo”.

Bà Nương nói, luật phải công bằng, dân chủ, công khai minh bạch và giải quyết được các bức xúc, vướng mắc rất lớn trong xã hội hiện nay.

Chốt phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự án luật để đưa ra bàn tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng sắp tới.

L.Nhung - P.V

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm188
  • Hôm nay21,157
  • Tháng hiện tại403,180
  • Tổng lượt truy cập90,466,573
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây