Chị Lý Thị So (ở Tả Van) trồng 2 thửa hoa hồng đỏ, diện tích 700 m2, rất vui khi mỗi ngày cho thu nhập gần 500 ngàn đồng. Chị tâm sự: “Tôi trồng hoa đã 7 năm. Khí hậu mát mẻ nên hoa tốt tươi và rất đẹp. Mỗi tháng thu được 8 - 10 triệu đồng. Dịp Tết, người Trung Quốc sang mua nữa, còn được nhiều hơn…”. Gần nhà Lý Thị So, chị Lý A Hoàng cũng trồng hơn 1.000 m2 hoa hồng. Chị cho biết: “Nhà tôi theo cây này được 8 năm. “Nó” cho tiền xây nhà xi măng, mua xe máy, đài, tivi và nhiều thứ khác… Sang năm, tôi sẽ phát rẫy để trồng thêm…”.
Ngược thời gian, khoảng năm 2001, khi lác đác một vài hộ dân tộc Mông ở Lao Chải mang cây hoa hồng về trồng thử nghiệm, bà con chưa tin cây hoa sẽ có chỗ đứng, bởi bao đời nay, cây trồng truyền thống phải là ngô, sắn, lúa nương… Thế nhưng, chỉ sau vài năm, khi cây hoa cho thu nhập cao, lại không mấy vất vả nên nhiều bà con đã bắt chước trồng theo. Ban đầu, nguồn hoa tiêu thụ chậm do thương lái chưa vươn tới đây, số hoa thu hái được chủ yếu cung cấp cho nhu cầu thưởng ngoạn của người thị trấn và các nhà hàng, khách sạn. Về sau, hoa Sa Pa đẹp, nhiều lên và thương lái biết tới, bà con dân tộc Mông càng có cơ hội phát triển diện tích trồng ngày một nhiều hơn. Tới nay, toàn bộ diện tích trồng hoa của các xã quanh thị trấn lên tới hàng trăm héc ta.
Hôm tôi tới thăm gia đình ông Giàng A Mừng, ở Hầu Thào, đúng lúc thương lái tới thu mua hoa. Mỗi ngày, nhà ông Mừng thu hoạch được gần 1.000 bông hoa hồng, thu nhập bình quân trên dưới 600 ngàn đồng. Cuối năm, có tháng nhà ông thu đến 20-30 triệu đồng. Ông Mừng bảo: “Từ ngày làm bạn với cây hoa, nhà tôi không còn nghèo nữa. Không ít hộ mua một lúc mấy xe gắn máy, vài cái ti vi, rồi xây nhà xi măng 2 tầng…”.
Ngoài cây hoa hồng, hiện tại, bà con dân tộc Mông đang dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang đa chủng loại hoa để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số giống hoa khó tính như: Hồng Ý, Hà Lan; cúc Nhật, cúc Đà Lạt, lyly, cẩm chướng… đã bắt đầu bám rễ ở đây và cho kết quả khả quan. Là tỉnh có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc nên đà cất cánh cho đầu ra của cây hoa sẽ thêm thuận lợi.
Việc bà con dân tộc Mông Sa Pa đổi đời từ cây hoa hồng đã thôi thúc người dân quanh thành phố trẻ Lào Cai chuyển dần diện tích sang trồng hoa. Trong tương lai, nếu được đầu tư, cây hoa hồng không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là điểm đến du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. |