Đi lên cùng “làn gió đổi mới”
Sau hơn 5 năm biên chế trong quân ngũ, năm 1980, Phùng Văn Quang phục viên trở về quê lấy vợ. Cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng thuở ấy, gia đình ông Quang đã trải qua những năm tháng khốn khó. Và chính trong quãng thời gian đó, một điều trăn trở luôn hiện lên đầu ông, đó là, làm thế nào để gia đình thoát cảnh nghèo, giải phóng sức lao động, tiềm năng đất đai ở nông thôn. Thế rồi, “làn gió đổi mới”, trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp đến, đã tạo nên động lực cho những người như ông cơ hội thể hiện mình.
Ông Phùng Văn Quang (phải) giới thiệu với Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Bùi Văn Nam (thứ 2 đội mũ) về giống lúa thuần chất lượng cao QR1. |
Ông Quang nhớ lại: “Thời điểm những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, do người dân đã được tự chủ trên diện tích ruộng đất của mình, nên ai cũng ham tìm những giống, vật tư tốt để gieo trồng và chăm bón. Cũng từ ấy, nhu cầu về lúa giống, vật tư phân bón tăng theo. Đó chính là lý do để năm 1990, tôi thành lập Tổ hợp vật tư nông nghiệp”.
Với sự năng động, nhiệt tình và sức khoẻ, thời đó, ông Quang lao vào công việc tìm hiểu nhu cầu thiết yếu trong sản xuất của bà con nông dân, từ đó tìm kiếm, cung ứng những giống cây trồng và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thích hợp để cung ứng cho thị trường. Tới năm 1997, ông Quang chính thức bước với “giới doanh nhân” khi quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp và 4 năm sau đó đã phát triển trở thành Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang như ngày nay.
Trò chuyện với tôi, ông tâm sự: “Mình vốn có sở thích tìm tòi, cung ứng các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, trong đó chủ yếu là giống lúa cho bà con nông dân trong vùng. Dần dà, thấy bà con ngày càng có nhu cầu về giống, một mặt để tăng năng suất, mặt khác cũng để có những loại gạo ngon, thơm hơn, nên mình cũng suy nghĩ phải làm sao có được một hệ thống cung ứng chuyên nghiệp tới tận tay bà con nông dân, chứ không chỉ có cái gì, bán cái đó như cũ được. Đó là nguyên nhân chính mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp”.
Giám đốc… lội ruộng
Với ông Phùng Văn Quang, người dân trong và ngoài tỉnh Ninh Bình hay nói đến việc làm lúa giống. Niềm đam mê làm lúa giống đã thực sự “ngấm” vào trong huyết mạch của ông, khi đến năm 2004, ông bắt đầu thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, chuyển sang sưu tầm, tổ chức khảo nghiệm và chọn lọc ra các dòng lúa lai có năng suất cao. Nhưng dòng lúa lai năng suất cao chỉ hấp dẫn ông được 3 năm thì chấm dứt. Năm 2007, với sự nhạy bén, ông lại chuyển niềm đam mê sưu tầm, khảo nghiệm sang cho các giống lúa thuần.
Lý giải về điều này, ông Quang chia sẻ: “Từ năm 2007 đến nay ở vùng sản xuất giống lúa lai lớn Tứ Xuyên (Trung Quốc) bị động đất liên tục, nguồn cung không ổn định, khiến giá tăng liên tục. Hơn nữa, biến đổi khí hậu đã và đang tác động tới hoạt động canh tác lúa nước. Đặc biệt là, nhu cầu ăn cơm của người dân đã có sự thay đổi. Nếu trước đây, người dân chỉ lo ăn cho no bụng là được, thì nay họ có nhu cầu cần ăn ngon, tức phải có những giống lúa đáp ứng được nhu cầu ấy của họ. Lúa lai tuy cho năng suất cao, nhưng chất lượng không ngon. Đó là lý do tôi phải chuyển sang tìm tòi, khảo nghiệm các giống lúa thuần cho chất lượng gạo mềm, dẻo, thơm ngon”.
Tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học về giống và các cơ quan quản lý chuyên môn, sau khi khảo nghiệm rất nhiều loại giống. Đến nay, công ty của ông Quang đã chọn tạo được một bộ giống lúa thuần triển vọng cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon như QR1, QR2, QR3, QR4, QR5... Trong đó, triển vọng nhất hiện nay là giống lúa thuần QR1 với rất nhiều ưu điểm: Thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, khả năng khá trong chống chịu sâu bệnh và diễn biến xấu của thời tiết, phổ thích ứng rộng.
Giống QR1 của Bộ NNPTNT công nhận và đưa vào danh mục các giống lúa quốc gia từ năm 2011 và được gieo trồng nhiều tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đến các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, Công ty Hồng Quang đang thực hiện dự án sản xuất lúa giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng trên quy mô 500ha. Không chỉ phục vụ cho mục đích kinh doanh của mình, công ty này cũng đã “biến” huyện Yên Khánh, nơi công ty đặt trụ sở trở thành thủ phủ sản xuất lúa giống, cung ứng phần lớn giống lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từng bước mở rộng ra địa bàn các tỉnh thành từ Quảng Ngãi trở ra phía Bắc.
Để có được “cơ ngơi” là những bộ giống lúa chất lượng như ngày hôm nay, suốt hơn 10 năm qua, ông Quang đã phải lội không biết bao nhiêu xứ đồng, mảnh ruộng cùng chia ngọt, sẻ bùi với bà con nông dân để trực tiếp cùng họ chọn từng bông lúa, dảnh mạ. Sự “phất” lên của Công ty Hồng Quang, còn giúp cho những người nông dân tham gia sản xuất lúa giống có thu nhập cao gấp 1,5-2 lần so với cấy lúa thịt đơn thuần.
Về dự định trong tương lai, ông Quang nói: “Trong những năm tới, chúng tôi sẽ vẫn theo đuổi chương trình khảo nghiệm, sản xuất các giống lúa thuần có chất lượng gạo thơm, ngon, dẻo phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có như thế mới vừa giúp cho mình, vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;