Cũng như bao làng quê ở vùng Đông huyện Triệu Phong, Triệu Long nằm ở vùng thấp trũng, hàng năm thường xuyên bị ngập lụt, do vậy, việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do cuộc sống gian truân vất vả, những năm 1990, nhiều hộ phải rời quê hương đi làm ăn tận các tỉnh miền Nam hoặc đi làm kinh tế mới ở các xã vùng núi huyện Hướng Hóa. Số bà con còn lại không cam chịu cảnh nghèo khó đã bám đất bám làng, tích cực khai hoang, phát triển kinh tế gia đình. Cái khó ló cái khôn, đến nay cuộc sống của nhân dân xã Triệu Long đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo.
Đặc biệt, một số hộ đã biết tận dụng đồng đất của mình để lập trang trại tổng hợp chăn nuôi - trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình phải kể đến mô hình mang tính đột phá của nhóm hộ gồm 5 nông dân: Đỗ Thanh Dũng, Đỗ Thanh Châu, Đỗ Thanh Cửu, Đỗ Thanh Tam và Đỗ Xuân Định ở thôn Bích Khê.
Trao đổi với phóng viên, anh Đỗ Thanh Dũng tâm sự: “Trước đây, chúng tôi cũng làm nhiều nghề, đi làm thuê ở nhiều nơi để kiếm sống, nhưng mãi mà không khá lên được. Sau khi thấy mô hình kinh tế trang trại ở các xã lân cận phát triển tốt, chúng tôi làm đơn xin UBND xã cho thuê 2,5ha vùng đất thấp trũng để làm trang trại. Ban đầu chỉ làm thử nghiệm, nhưng nay lại cho hiệu quả kinh tế cao nên anh em tui mừng lắm, đang tiếp tục đầu tư mở rộng hơn nữa...”.
Dù mới hình thành hơn 1 năm nhưng đến nay, mô hình trang trại VAC của nhóm hộ này đã có 9 hồ nuôi cá, 20 lợn nái, 800 lợn thịt, 500 vịt thịt, 20 con bò vỗ béo... Chỉ tính riêng doanh thu năm đầu tiên, trang trại đã đạt gần 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi hơn 400 triệu đồng.
Anh Dũng cho biết: “Hiện, 5 anh em đang vay thêm vốn để đầu tư tiếp. Năm nay chưa có nhiều sản phẩm thu hoạch nhưng cũng có nhiều tiến triển hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi cũng trăn trở vì trang trại có 5 hộ cùng tham gia, nhưng diện tích chỉ có 2,5ha nên nhiều việc muốn làm mà chưa triển khai được. Do đó, rất mong UBND xã cho thuê thêm đất để chúng tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập”.
Cũng theo anh Dũng, để phát triển mô hình thành công, các anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc đàn vật nuôi do huyện, xã tổ chức; chịu khó tìm hiểu thông tin qua sách, báo; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi cũng như phòng trừ dịch bệnh kịp thời nên đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm của nhóm hộ luôn khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, được thương lái ưa chuộng. Một ưu điểm lớn của trang trại này là nằm xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó cũng là yếu tố quan trọng, đảm bảo cho trang trại phát triển lâu dài và bền vững.
Ông Phạm Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Triệu Long khẳng định: “Trên địa bàn xã hiện có nhiều gia trại, trang trại phát triển chăn nuôi đa ngành, đa nghề, trong đó trang trại của nhóm anh Dũng khá nổi bật vì cho hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường do nằm biệt lập giữa cánh đồng. Chúng tôi cũng coi đây là mô hình điểm để nhân rộng cho bà con, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới”.
Gia Thi (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;