Học tập đạo đức HCM

Lão nông Sáu Xê và vườn bưởi thu lãi 10 tỷ đồng mỗi năm

Thứ bảy - 13/12/2014 05:04
Với 12ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, trang trại của ông Sáu Xê đạt khoảng 500 tấn quả/năm. Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, doanh thu hàng năm của gia đình ông đạt gần 14 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi gần 10 tỷ đồng.

“Với việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần một vài thao tác nhẹ nhàng là có thể tưới cho cả một diện tích hàng chục ha bất kể là ngày hay đêm và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn”. Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Xê (Sáu Xê) - Chủ Trang trại Phương Uyên, xã Hiếu Liêm huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương về hệ thống tưới tự động– chìa khóa giúp ông thành công lớn với cây bưởi da xanh. Ông Xê là 1 trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vình chọn, tôn vinh vào tháng 10 vừa qua. 

Những ngày đầu khó khăn

Tôi biết lão nông Sáu Xê từ lâu nhưng mỗi lần muốn liên hệ với ông cũng khá khó khăn. Không phải là ông khó tính, mà bởi “kỹ sư miệt vườn này” luôn tất bật với những vườn bưởi của mình. Ông có rất ít thời gian để tiếp khách. Phải đôi ba lần hẹn chúng tôi mới gặp được ông.

Tiếp chuyện chúng tôi trong khu trang trại xanh mát với những trái bưởi sai lúc lỉu, ông chia sẻ về quá trình gây dựng trang trại của mình. Năm 1999, từ Bến Tre, ông tìm đến vùng đất Hiếu Liêm của huyện Tân Uyên (nay là Bắc Tân Uyên) để tìm cơ hội xây dựng trang trại trồng cây ăn trái – những loại cây mà ông đã gắn bó từ nhỏ. Từ một người cán bộ làm trong ngành lương thực chuyển qua làm nông dân, ông gặp không ít khó khăn.

Lúc này vùng đất Hiếu Liêm còn khá hoang vu, nhiều khó khăn, đường sá đi lại chưa thuận tiện... Nhưng với con mắt “có nghề” của mình, ông thấy vùng đất ven sông Bé với dải đất phù sa cổ, đổ dốc kéo dài rất thích hợp cho các loại cây ăn trái. Ông quyết tâm bám trụ vùng đất này để xây dựng cơ ngơi mới. Biết vùng đất này rất thích hợp cho cây ăn trái nhưng ông vẫn chưa chọn ra được loại cây trồng cho thật phù hợp.


Vườn bưởi bạc tỷ của nhà nông xuất sắc 2014 Lê Văn Xê.

Để thử nghiệm, thời gian đầu ông tập trung trồng các loại cây ăn trái thịnh hành lúc này là chôm chôm, nhãn, bưởi, sầu riêng. Lúc này, do kinh nghiệm chưa nhiều cùng với trồng theo kiểu tự phát nên nguồn thu từ các loại trái cây này không ổn định. Ông nghĩ đến việc tìm hướng đi đột phá từ những loại cây trồng mới, mang tính ổn định và có giá trị kinh tế cao hơn.
 

Từ thực trạng của vườn cây ăn trái với nhiều loại cây xen canh, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ông quyết định cải tạo toàn bộ diện vườn cây đang sung sức của mình để trồng cây có múi.

Đưa cây chanh không hạt từ Mỹ về Việt Nam

 

Năm 1999, trong một chuyến đi Mỹ thăm người thân, được uống nước chanh làm từ trái chanh không hạt, ông thấy rằng đây là loại cây trồng đầy tiềm năng và quyết tâm mang về trồng tại Việt Nam. Nhưng không phải muốn là đưa về được ngay. Ông phải mất 3 tháng làm thủ tục, cuối cùng 100 cây chanh giấy không hạt cũng được mang về VN theo hình thức quà tặng. Khi đã có nguồn giống trong tay, ông bắt đầu thuần hóa cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam.

Ông Sáu Xê chia sẻ: Tôi bắt đầu bằng việc để chanh giống vào phòng lạnh, điều chỉnh nhiệt độ khoảng 25 độ C (tương đương nhiệt độ nơi xuất xứ và sinh trưởng của chúng ở Mỹ). Sau đó, tôi tăng dần nhiệt độ lên để cây dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Không ngờ, 100 cây chanh giống mang về đều sống và phát triển tốt”.

 Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg bưởi da xanh,  doanh thu năm 2013 của gia đình ông Sáu Xê đạt gần 14 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 10 tỷ đồng.
Từ những thành công bước đầu từ việc thuần hóa cây canh, ông quyết định phá bỏ mô hình trồng cây ăn quả tự phát để chuyển sang mô hình trồng chanh theo định hướng về loại cây trồng có múi. Đó là một quyết định rất khó khăn đối với ông. Ông đã phải đốn bỏ hết 1.000 cây sầu riêng, 1.500 cây nhãn, 700 cây chôm chôm Thái Lan đang cho trái.

Để có thể có đầu ra cho vườn chanh đang phát triển, ông đã phải lặn lội đi chào hàng trong người dân và trong các siêu thị.  Chỉ sau một thời gian ngắn, chanh giấy không hạt của ông mới được nhiều người chấp nhận vì có vị chua thanh, nước nhiều. Dần dần, các siêu thị lớn như Metro, Co.op Mart tìm đến trang trại của ông đặt hàng. Từ đó ông thành danh với cây chanh giấy không hạt. Nhiều người thường gọi vui ông là “vua chanh”.
 

Đột phá với cây bưởi da xanh

Từ thành công với cây chanh giấy không hạt, ông Sáu Xê tiếp tục  tìm trồng những loại cây có múi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ông chọn được cây bưởi da xanh ruột hồng chính là loại cây có giá trị kinh tế cao và duy trì ổn định lâu dài. Từ đó ông tập trung trồng loại cây trồng này và trở thành một trong những người tiên phong trồng cây bưởi da xanh ruột hồng tại vùng đất Bình Dương.

Quyết tâm đưa trái bưởi da xanh của Việt Nam ra thị trường thế giới, ông Lê Văn Xê đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời bỏ ra nhiều công sức xây dựng thương hiệu cho trái bưởi. Theo ông Xê,   cây bưởi da xanh có giá trị kinh tế cao hơn cả cây chanh không hạt mà ông đã trồng.

Vì vậy ông đã có một quyết định mới là chọn cây bưởi da xanh làm cây trồng chủ lực cho trang trại của mình. Ông Xê cho biết, bưởi danh xanh ruột hồng trồng tại vùng đất này có múi mọng nước, ngọt, không gắt, khác hẳn với bưởi da xanh ruột hồng tại nhiều vùng đất khác. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ loại bưởi này rất mạnh, nhất là thị trường miền Bắc và nước ngoài

Hiện nay tổng diện tích đất của trang trại do ông làm chủ có khoảng 12 ha trồng bưởi da xanh. Ông đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất tại các địa phương khác. Riêng với 12ha trồng bưởi tại Hiếu Liêm, năng suất hàng năm của trang trại đạt khoảng 500 tấn quả/năm.

Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg,  doanh thu hàng năm của gia đình ông đạt gần 14 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi gần 10 tỷ đồng. Trang trại của ông là trang trại trồng bưởi đầu tiên tại Bình Dương đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Bí mật thành công:  Áp dụng khoa học kỹ thuật

Trong một lần sang tham quan Thái Lan ông đã vô cùng ngạc nhiên trước các phương pháp canh tác mới của người Thái so với trong nước. Cùng cùng một diện tích đất nhưng sản xuất theo phương pháp của họ cây trồng cho năng suất cao hơn và chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Từ đó ông quyết tâm học cho bằng được phương pháp canh tác mới này và đem ứng dụng và trang trại của mình.

 Đó là công nghệ sinh học được người Thái ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Khi ứng dụng công nghệ này vào sản xuất, đòi hỏi người chủ trang trại phải chăm chút theo dõi cho từng loại cây trồng trong trang trại.
 

Sau khi tham quan học hỏi nhiều nơi, kể cả Thái Lan và Malaisia, ông Sáu Xê nhận thấy, để có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng ông phải xây dựng hệ thống tưới phun tự động.  Ông Xê cho biết: Hiện nay, quy trình sản xuất trong trang trại đã khép kín, hệ thống phun tưới tự động đã được ứng dụng từ 6 - 7 năm nay.

Sau khi xây dựng thành công hệ thống, tôi đã hướng dẫn cho các chủ vườn xung quanh làm theo. Hiện nay, 100% diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã Hiếu Liêm đã ứng dụng hệ thống phun tưới tự động này. Với việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần một vài thao tác nhẹ nhàng là có thể tưới cho cả một diện tích hàng chục ha, bất kể là ngày hay đêm. Người ta có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn.

Ngoài việc tiết kiệm được tối đa chi phí nhân công vận hành tưới, hệ thống phun tưới tự động còn giúp cho năng suất vườn cây ăn trái trong trang trại của ông tăng cao gấp nhiều lần do nước tưới thấm sâu hơn. Ông Xê cho biết thêm, ứng dụng hệ thống tưới tự động này sẽ tưới rải đều 100% diện tích vườn cây và rễ cây sẽ tiếp xúc một cách ổn định với nguồn nước tưới. Hiệu quả của việc tưới phun tự động có thể cao hơn 300 - 400% so với tưới bằng vòi phun thông thường. Những người trồng cây có múi muốn đạt được hiệu quả sản xuất cao thì nhất định phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có việc ứng dụng hệ thống phun tưới tự động.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường ông đã chú ý đến yếu tố “sạch” trong sản xuất. Trong đó ông rất chú ý đến khâu sơ chế và bản quản sau thu hoạch. Theo ông Xê, hiện nay nhiều người sản xuất trái cây chưa chú ý đến các khâu này do chi phí đầu tư cao.
 

Tuy nhiên khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch có ý nghĩa rất lớn trong quy trình sản xuất do trái cây có mẫu mã đẹp hơn, độ tươi của trái cây được duy trì lâu hơn nên có thể di chuyển đi đến các địa phương xa hơn mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng, vì vậy mà giá trị thương phẩm của trái cây được nâng lên cao hơn.

Từ năm 2003 ông Xê  bắt tay vào quá trình xây dựng thương hiệu trái cây Phương Uyên và đến năm 2005 trang trại Phương Uyên đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho nhóm các loại cây có múi. Quá trình xây dựng thương hiệu cho trang trại cũng đã lấy đi của ông nhiều thời gian và công sức.

Tuy nhiên, cái được của ông hiện nay là sản phẩm của ông đã có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người ưa chuộng. Không những  thế, sản phẩm của ông đã có mặt tại nhiều siêu thị và đã được xuất khẩu đi ra nhiều thị trường như Trung Quốc, New Zealand, Singapore. Ông Xê quan niệm, khi đã xây dựng được thương hiệu thì cái khó nhất là phải giữ được thương hiệu. Để đạt được điều này cần phải duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của trang trại.

Dù hiện nay ông đã thành công với cây bưởi da xanh và được nhiều người biết đến nhưng ông Xê vẫn quan niệm cần phải tiếp tục học hỏi, tiếp tục cải tiến khoa học kỹ thuật trong sản xuất mới có thể tiếp tục thành công. Hiện nay ông Xê đã tiến hành mở rộng liên kết với nông dân tại các tỉnh như Bến Tre, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng và hỗ trợ họ về quy trình trồng bưởi sạch.

Một số thành tích của ông Sáu Xê:
Danh hiệu “Nhà nông xuất sắc năm 2014” do Trung ương Hội NDVN trao tặng. Bằng khen của Hội làm vườn Trung ương năm 2006;  Bằng khen của UBND tỉnh từ năm 2001 – 2006 cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; Giấy chứng nhận giải Nhì Hội thi khoa học sáng tạo tỉnh Bình Dương; Danh hiệu thi đua yêu nước 10 năm liền từ 2001 – 2010.
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập467
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại226,565
  • Tổng lượt truy cập90,289,958
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây