Năm 1974, chàng trai 19 tuổi Hoàng Ngọc Trà (trú tại thôn Vân Hải, xã Cổ Đạm) nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Năm 1978, ông xuất ngũ, trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam với nhiều vết thương trên mình, hưởng chế độ thương binh 3/4. Năm 1980, huyện Nghi Xuân có chủ trương di dân lên thôn 1 làm kinh tế mới, gia đình ông Trà cùng 20 hộ dân của xã tiên phong khai phá vùng đất hoang.
Bấy giờ, khu vực thôn 1 còn rất hoang sơ, là thách thức lớn cho những người phát triển kinh tế trên vùng đất này. Thế nên, sau một thời gian, nhiều hộ lần lượt "nói lời chia tay", trở lại điểm “xuất phát”. Vợ chồng CCB Hoàng Ngọc Trà cũng bắt đầu dao động. "3 năm đổ mồi hôi, sôi nước mắt, nhưng thành quả chẳng là bao, lại mắc thêm căn bệnh sốt rét nên tôi thối chí, nhiều lúc cứ muốn bỏ hết để trở lại làng cũ" - ông Trà trải lòng.
Sau nhiều lần suy đi tính lại, vợ chồng ông quyết định bám trụ và “phủ kín” phần diện tích 2 ha bằng các loại cây ngắn và dài ngày như: Lạc, vừng, mía đỏ, cam, quýt, buởi, na... Ít vốn, thiếu kinh nghiệm nên ông Trà chỉ lấy công làm lãi, không dám thuê người làm.
Tiếp đó, ông cải tạo hồ để nuôi các loại cá nước ngọt, và nhận khoán gần 20 ha đất rừng trồng cây bạch đàn, cây keo. Thành quả dần đến sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi của 2 vợ chồng. Trang trại của ông Trà cho thu nhập khá, trở thành một mô hình điển hình của địa phương. Năm 1992, ông Trà được mời báo cáo điển hình tại hội nghị tuyên dương những người làm kinh tế giỏi tỉnh Hà Tĩnh; năm 1994 được Bộ NN&PTNT tặng bằng khen về làm kinh tế giỏi.
Thế nhưng, không lâu sau đó, ông Trà liên tiếp thua lỗ khi đầu tư nuôi hươu. Rồi liên tiếp 2 trận lũ kép năm 2010 đã cuốn sạch đồng tôm, cá, khiến gia đình ông thiệt hại lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Không nản chí, ông Trà lại khăn gói tìm đến những mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách làm ăn. Sau nhiều chuyến đi, với kinh nghiệm tích lũy được, ông cho thanh lý dần các loại cây, con kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây hồng vuông, ổi tím Thái Lan, đu đủ Đài Loan và đặc biệt là trồng đào cảnh. Cùng với đó, ngoài ao cá, ông còn nuôi thêm hàng trăm con gà, vịt, nuôi ong lấy mật và 45 con trâu...
Và, những thay đổi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng thu hoạch từ 300 gốc đào, Tết Nguyên đán năm 2017, ông thu được 250 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, ông Trà còn nhận bảo vệ 100 ha rừng tại khu vực núi Hồng Lĩnh. Hàng năm, vợ chồng ông thu được từ trang trại hàng tỷ đồng.
Đánh giá về người đồng đội, Chủ tịch Hội CCB xã Cổ Đạm, Phan Thanh Quang tự hào cho biết: “Ông Trà là tấm gương tiêu biểu của người thương binh “tàn nhưng không phế”, khu vườn tiền tỷ của ông đạt giải nhì tại Cuộc thi vườn mẫu tỉnh Hà Tĩnh năm 2017. Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Hoàng ngọc Trà còn tạo tạo việc làm thời vụ cho 20 lao động địa phương, giúp đỡ các hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo"
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;