Học tập đạo đức HCM

Phát triển mô hình tôm - lúa mang lại lợi ích kép

Thứ tư - 07/11/2012 07:45
(Website Hội NDVN)- Qua thời gian, mô hình tôm- lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung, nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, mô hình tôm – lúa ở khu vực này đã nhen nhóm cách đây hàng chục năm khi người trồng lúa thấy tôm, cá phát triển tốt trong ruộng lúa và đem lại sản lượng đáng kể sau mỗi vụ thu hoạch. Tuy nhiên, mô hình này dần bị lãng quên và người dân chuyển sang độc canh nuôi tôm khi việc trồng lúa tỏ ra kém hiệu quả do giống lúa dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp, trong khi lợi nhuận của con tôm trong thời điểm này rất cao, ít rủi ro dịch bệnh.

 

Qua nhiều năm nuôi tôm thâm canh liên tục, ao tôm bị lão hóa, mầm bệnh ngày càng nhiều, nghề nuôi tôm bộc lộ nhiều rủi ro thì một số nông dân lại nghĩ đến việc đưa cây lúa trở lại luân canh với nuôi tôm. Lúc này, hiệu quả mang lại thật bất ngờ vì thấy môi trường ao nuôi tôm được cải thiện, mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả cao. Đáng chú ý, từ khi một vài địa phương tìm ra được các giống lúa mới cho phẩm chất gạo ngon cơm, năng suất cao thì mô hình này liên tục được mở rộng.

 

Tại Sóc Trăng, mô hình tôm - lúa được hình thành đầu tiên tại huyện Mỹ Xuyên với diện tích chỉ vài chục hecta, sau đó đã nhanh chóng mở rộng ra hơn 8.000 hecta vào năm 2009, rồi phát triển mạnh tới 19.000 hecta hiện nay và mở rộng sang các địa phương khác trong tỉnh hình thành vùng sản xuất tôm – lúa theo hướng liên kết, bền vững. Cùng lúc đó, nông dân các tỉnh ven biển Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh cũng bắt tay với mô hình tôm - lúa có hiệu quả.

 

Hiện nay, Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lớn nhất ĐBSCL với diện tích lên tới 66.000 hecta. Gần đây, mô hình độc canh nuôi tôm tỏ ra kém hiệu quả do dịch bệnh tăng cao nên nhiều hộ đã chuyển sang hệ thống luân canh tôm lúa, nhờ đó nhiều hộ đã chuyển sang khá giàu với mô hình sản xuất bền vững. Trên cơ sở sản xuất thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đã đề xuất quy trình sản xuất tôm - lúa thích hợp với những giống lúa chất lượng cao (OM2517, OM900, AS996, OM6162, ST5), tôm giống sạch bệnh, nuôi với mật độ thưa.

 

Là tỉnh có diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lớn thứ 2 với diện tích 43.000 hecta, tỉnh Cà Mau cũng đang hướng tới mô hình sản xuất tôm – lúa bền vững với những kết quả bước đầu khả quan. Nhiều mô hình sản xuất thực tế cho thấy, nếu nuôi độc canh tôm quanh năm thì năng suất tôm chỉ đạt 250-400 kg tôm/hecta nhưng nếu  luân canh tôm lúa thì năng suất tôm bình quân cao hơn 50-100 kg/hecta, cộng với 3,5 tấn lúa sạch, chi phí thấp.

 

Tiền Giang dù có diện tích nuôi tôm không lớn, chỉ trên 4.000 hecta, trong đó có khoảng 2.000 hecta nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Trong vụ tôm năm 2010 và 2011, một số hộ nuôi tôm ở huyện Tân Phú Đông đã xuống giống lúa mùa địa phương (giống lúa Hai Bông) năng suất đạt mỗi vụ bình quân từ 3-3,2 tấn/ha. Trong khi đó, kết quả thử nghiệm trồng một số giống lúa chất lượng cao luân canh với nuôi tôm của Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho thấy 2 giống lúa (OM 4900 và OM 6796) đạt năng suất mỗi vụ khoảng 6-7 tấn/ha. Trên cơ sở này, UBND huyện Tân Phú Đông đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 66.700 kg lúa giống OM 4900 và OM 6976 cho hai xã Phú Tân và Phú Đông để góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giải quyết một phần vốn đầu tư sản xuất cho hộ nghèo, đồng thời nhân rộng mô hình tôm – lúa theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

Tại hội nghị bàn về việc sản xuất tôm - lúa ven biển ĐBSCL được tổ chức tại Sóc Trăng vừa qua, PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có điều kiện thuận lợi cho việc vừa nuôi tôm và trồng lúa trong cùng một vùng.

 

Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không không xảy ra sự “xung đột” nào trong quá trình sản xuất mà còn mang lại lợi ích kép. Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, đến khi mưa xuống nước ngọt trở lại thì lại lấy vào trồng lúa. Thực tế đã chứng minh, khi hệ thống luân canh tôm - lúa xuất hiện thì nước mặn được đưa vào nuôi tôm, rồi sau đó chuyển sang vụ lúa thì cả hai đối tượng này đều phát triển tốt.

 

Trong hệ thống canh tác tôm - lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thi tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, nên người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70 – 80% theo khảo sát của ngành nông nghiệp Kiên Giang). Vì vậy, trồng lúa trong mô hình này có chi phí thấp, lợi nhuận tăng lên đáng kể. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa sẽ giúp nền đáy ao được khoáng hóa, giảm thiểu các chất độc trong ao tôm, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài, cắt mầm bệnh trên tôm, môi trường ao tôm ổn định, nên trong vụ tôm cũng không cần phải sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh trên tôm, dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận vì thế cũng tăng cao.Mặt khác, một lợi ích khác không kém phần quan trọng đó là hệ thống canh tác tôm – lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa. Mô hình luân canh tôm - lúa cũng giải quyết được vấn đề nguồn nước tự nhiên ô nhiễm do chất thải trong nuôi tôm, lão hóa vùng nuôi tôm do đất bị ngập mặn trong thời gian dài, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh trong nuôi tôm, từ đó giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

 

Theo Cục Trồng trọt, tiềm năng mở rộng diện tích mô hình luân canh tôm - lúa ở khu vực ĐBSCL là rất lớn với tổng diện tích có thể đạt đến 200.000 ha. Hiện tại, diện tích sản xuất luân canh tôm – lúa trong khu vực đạt khoảng 160.000 ha, dự kiến đến năm 2015 đạt 180.000 ha, và ổn định diện tích 200.000 ha vào năm 2020. Khi đó, sản lượng lúa từ mô hình sản xuất này sẽ đạt khoảng 800.000 tấn, đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng lúa sản xuất của toàn vùng.

 

 

NGUYỄN QUANG TRÍ- Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập121
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại1,015,768
  • Tổng lượt truy cập92,189,497
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây