Học tập đạo đức HCM

Phong trào hiến đất mở đường ở TP Huế

Thứ hai - 18/02/2013 22:52

Phong trào hiến đất mở đường ở TP Huế

Cuộc vận động nhân dân hiến đất mở đường giao thông được xem là một trong những chủ trương lớn của TP Huế (Thừa Thiên - Huế), nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Qua hơn ba năm triển khai, toàn thành phố có 51 tuyến đường được nhân dân đăng ký hiến hơn 32 nghìn m2 đất để mở đường kiệt.


Một con đường tại phường Thủy Xuân được người dân hiến đất mở rộng.  
 
Hiến đất mở rộng đường

Những ngày đầu xuân, chúng tôi về thôn Lương Quán, phường Thủy Biều (TP Huế), con đường bê-tông dài gần 1.000 m là kết quả từ chương trình hiến đất mở rộng đường kiệt theo chủ trương của thành phố đem lại. Trước đây, con đường này chỉ rộng khoảng ba mét, lại xuống cấp, mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở, xói mòn khiến tai nạn thường xuyên xảy ra. Khi thành phố vận động nhân dân hiến đất, 127 hộ dân sống ở khu vực này vẫn đắn đo, tính toán thiệt hơn. Theo Chủ tịch UBND phường Thủy Biều Tôn Thất Ðào, cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã xây dựng đề án thiết thực, không hô hào, cán bộ chủ chốt và đảng viên thật sự nhập cuộc. Hiểu được ý nghĩa lớn lao khi có một con đường rộng và đẹp, các hộ đã đồng tình hưởng ứng hiến đất với tổng diện tích gần 2.200 m2 (giá trị ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng). Năm 2011, TP Huế đã đầu tư kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng đổ bê-tông con đường này. Trước đó, Thủy Biều đã vận động người dân hiến đất mở rộng tuyến đường liên khu vực Lương Quán - Ðông Phước dài 500 m, rộng bốn mét và đã được thành phố đầu tư hơn 600 triệu đồng để nâng cấp. Nhờ vậy, những góc xóm, khu phố ở Thủy Biều ngày càng thoáng đãng, khang trang hơn.

Thủy Xuân là một phường ven đô, với hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn, nhất là các tuyến đường liên tổ dân phố và những tuyến đường vào các thôn thường xảy ra xói mòn và sạt lở vào mùa mưa lũ. Những năm qua, toàn phường có gần 100 hộ dân tự nguyện hiến hơn bảy nghìn m2 đất để mở rộng đường giao thông liên tổ, liên thôn, không nhận đền bù. Ông Trần Văn Vinh, một trong những hộ dân hiến đất làm đường ở phường Thủy Xuân nói: "Khi có chủ trương từ cấp trên, nhân dân chúng tôi ai cũng đồng tình, phấn khởi hiến đất để mở rộng tuyến đường 47 dài 500 m, rộng sáu mét, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi, bộ mặt đô thị khởi sắc hơn. Ðây cũng chính là nguyện vọng của người dân ở khu vực này từ hàng chục năm nay".

Chủ trương của thành phố phù hợp với lòng dân nên đến nay, tại phường Thủy Xuân đã có hơn 95% tuyến đường kiệt có chiều dài hơn 2.700 m được bê-tông hóa; tổng kinh phí đầu tư gần năm tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng. Tuyến đường hẹp nhất là từ hai mét rưỡi đến ba mét, rộng từ sáu đến bảy mét gắn liền với hệ thống mương thoát nước đồng bộ. Ðường rộng thoáng đãng, người dân Thủy Xuân càng phấn khởi khi tuyến đường được đặt tên, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Từ năm 2009, phường đã triển khai làm điểm đặt tên tuyến đường liên thôn Thượng 3, Thượng 2, Hạ 2 và Hạ 1 mang tên Vũ Ngọc Phan. Tuyến đường này trở thành "phố" rộng bảy mét, dài gần 2.200 m, với hệ thống kênh mương thoát nước đầy đủ, tổng kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 85%, nhân dân đóng góp 15% bằng quỹ đất mở rộng đường nhưng không nhận tiền đền bù (tương đương 4.600 m2).

Không chỉ có Thủy Biều, hay Thủy Xuân, mà ở nhiều phường vùng ven khác như An Ðông, Hương Sơ và các phường nội đô như: Kim Long, Trường An... cũng đã vận động được nhiều người dân hiến đất  mở rộng đường cùng với những tuyến phố mới được mở khá khang trang. Qua hơn ba năm (2009 đến tháng 6-2012), toàn TP Huế có 51 tuyến đường được nhân dân đồng tình hiến đất với hơn 32 nghìn m2 đất để mở rộng. Trong đó, có 19 tuyến đã hoàn thành việc chỉnh trang, mở rộng với tổng diện tích gần 52 nghìn m2 (nhân dân hiến hơn 15 nghìn m2); kinh phí đầu tư xây dựng hơn 23 tỷ đồng.

Khi ý Ðảng hợp lòng dân

Những năm gần đây, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ phát triển đô thị của TP Huế diễn ra khá nhanh, chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, từng bước hình thành các khu đô thị mới theo hướng quy hoạch, bảo tồn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Phan Trọng Vinh, so với yêu cầu phát triển, hạ tầng đô thị Huế vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, sự đầu tư còn thiếu tập trung. Hệ thống giao thông, vỉa hè ở TP Huế còn yếu kém. Ở nhiều khu vực dân cư còn tình trạng đường nhỏ, hẹp, thiếu hệ thống thoát nước, không có vỉa hè. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là thiếu quỹ đất công để mở rộng đường. Trong khi đó, chính sách đền bù giải tỏa, mở rộng đường kiệt và làm vỉa hè từ nguồn ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn.

Ðồng chí Hoàng Việt Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở TP Huế cho biết: Cách đây ba năm, TP Huế triển khai đề án vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường kiệt, trong đó, chọn các phường Hương Long, Thủy Xuân, Thủy Biều, Trường An, An Cựu để làm điểm. Mục tiêu của cuộc vận động nhằm phát động phong trào quần chúng tham gia chỉnh trang đô thị, thực hiện đường thông hè thoáng và mở rộng đường kiệt, vỉa hè, những khu vực có mật độ xây dựng thấp thì tổ chức vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường. Nhà nước đầu tư xây dựng và hỗ trợ giá trị vật liệu kiến trúc trên đất sau khi dân hiến đất.

Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo ở các địa phương đã xuống các khu dân cư, tổ dân phố, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân nằm trên tuyến đường cần mở rộng, từ đó có giải pháp vận động thích hợp. Theo Bí thư Ðảng ủy phường Trường An Lê Thanh Vang, một trong những yếu tố thực hiện thành công chủ trương nói trên của thành phố chính nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ việc tuyên truyền vận động để nhân dân biết, rồi nhân dân bàn, đi đến thống nhất ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Từ đó, chính quyền cấp phường đã tổ chức cho dân bàn và tự quyết định trực tiếp về nhiều nội dung bức thiết ở khu dân cư đặt ra. Nổi bật trong những năm qua là hầu hết các tổ dân phố đã xây dựng nội dung để dân bàn về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, về đầu tư hạ tầng... và thành công nhất là dân bàn việc hiến đất mở đường, làm vỉa hè, giữ gìn trật tự đô thị.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Huế Lê Quang Dũng, kinh nghiệm nổi bật trong công tác tuyên truyền là tin dân, nói thật với dân về khả năng ngân sách Nhà nước, nói thẳng với dân về những bất cập của giao thông yếu kém cũng như trách nhiệm của nhân dân tham gia góp phần cải thiện đường kiệt. Biết dựa vào dân để huy động nguồn lực và giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở trong quá trình thực hiện. Ngoài vai trò vận động, Ủy ban MTTQ các phường đã thành lập Ban giám sát cộng đồng để theo dõi việc thực hiện xây dựng các công trình trên địa bàn. Nhờ vậy, tiến độ cũng như chất lượng các tuyến đường được mở rộng, đầu tư xây mới đều bảo đảm theo quy định.

Chính nhờ làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cho nên phần lớn nhân dân, nhất là các địa phương vùng ven TP Huế đã thể hiện sự đồng thuận, toàn tâm thống nhất với chủ trương dân hiến đất, Nhà nước đầu tư mở rộng và bê-tông đường kiệt. Cuộc vận động đã tác động trực tiếp đến nhiều tầng lớp nhân dân, chuyển biến từ tư tưởng ngần ngại, tính toán thiệt hơn đến mong muốn được chính quyền xây dựng đề án để dân được hiến đất mở đường và không có trường hợp dân yêu cầu bồi thường đất đã hiến.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố Huế Nguyễn Kim Dũng cho rằng, cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng đường kiệt là một việc làm giàu ý nghĩa, đạt được nhiều kết quả và cần tiếp tục được phát huy. Ðể góp phần xây dựng TP Huế ngày càng khang trang, xứng tầm là đô thị hạt nhân, công tác này cần được phát huy hơn trong thời gian tới, trong đó việc vận động người dân nâng cao ý thức thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị cần được thực hiện tích cực hơn nữa. 

Bài và ảnh:NGUYỄN CÔNG HẬU
Theo nhandan.com.vn
 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay22,694
  • Tháng hiện tại797,972
  • Tổng lượt truy cập91,971,701
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây