Nhiều thành phần như cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên thanh niên đã đua nhau tìm đến những vùng đất hoang hóa, bãi bồi đến cả những vùng đất trống, đồi núi trọc để lập nên những trang trại tổng hợp, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả… Những nông dân chân bùn tay lấm ngày nào, nay trở thành những ông chủ trang trại cho thu nhập mỗi năm hàng tỉ đồng, góp phần dệt nên mùa xuân no ấm trên quê nghèo Hà Tĩnh hôm nay.
Những trang trại tiền tỉ
Vào một ngày cuối năm Quý Tỵ, khi xuân của đất trời và xuân của lòng người đang rạo rực hòa quyện vào nhau để dệt nên một mùa xuân đầy ước vọng, chúng tôi có chuyến vượt rừng đi tham quan một số mô hình trang trại trong tổng số 1.599 mô hình làm kinh tế giỏi ở các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy màu xanh trải dài tít tắp của những cánh rừng trồng; màu vàng rộm của những vựa cam, quýt, đến những xanh tươi của các trang trại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi quy mô rộng lớn. Trong miên man nghĩ về những người nông dân áo vải mới ngày nào đó nay trở thành những tỉ phú trang trại.
Trang trại hươu của bà Nguyễn Thị Hương xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn
Chúng tôi lạc bước vào khu rừng tràm mênh mông dẫn lối vào trang trại của anh Dương Văn Tùng ở huyện Kỳ Anh, một tấm gương vượt khó làm giàu bằng mô hình chăn nuôi kết hợp. Nhận thấy lợi thế làm giàu trên mảnh đất quê hương, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền bằng các chính sách ưu đãi, anh Tùng đã mạnh dạn tập trung đầu tư vào phát triển kinh tế trang trại ngay trên chính quê mình.
Sau bao vất vả khó nhọc, một trang trại kiểu mẫu đã mọc lên giữa núi đồi hoang hóa. Đến nay, mô hình trang trại của anh đã thành công bước đầu với doanh thu mỗi năm đạt trên 1,5 tỉ đồng và cho lãi ròng 400 - 450 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn chục lao động có thu nhập ổn định.
Tìm đến trang trại rộng 14 ha bao quanh bên một ngọn đồi cao ở Nghi Xuân của “ông trùm” Đinh Thế Hữu, chúng tôi như thực sự bị cuốn hút bởi mô hình kinh tế mỗi năm cho thu nhập hàng tỉ đồng này.
Ông Hữu cho biết, vượt qua những năm tháng khó khăn từ những ngày khai sơn phá thạch, đến nay mỗi năm trang trại của anh đã có gần 300 con lợn giống, hơn 3.000 con lợn thương phẩm, 1.000 con vịt siêu thịt và hàng chục tấn cá nước ngọt… Các loại sản phẩm nói trên mỗi năm cho thu nhập từ 3 - 5 tỉ đồng. Cũng bằng hình thức chăn nuôi tổng hợp, ở huyện Nghi Xuân còn nổi bật lên các mô hình cho thu nhập cao do phụ nữ làm chủ như mô hình của chị Đinh Thị Nga với tổng thu nhập 1,5 - 2,5 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 12 lao động, thu nhập 4,5 triệu/ người/tháng…
Ngược rừng lên với huyện miền núi Vũ Quang, chúng tôi ghé thăm trang trại chăn nuôi của vị Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh - một trong những mô hình điển hình được chọn làm mẫu để nhân rộng. Trang trại tổng hợp của vị Bí thư này được bắt đầu từ năm 2011, gồm nuôi cá, lợn, trồng keo, dó trầm. Đến nay, thu nhập hàng năm đạt từ 4 - 6 tỉ đồng. Đây là một trong những mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập cao đối với vùng cao này.
Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo NTM tỉnh Hà Tĩnh, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh có đến 249 mô hình trang trại cho thu nhập đạt từ 1 - 2 tỉ đồng trở lên. Điển hình như mô hình các hộ nông dân SX trên cánh đồng mẫu ở Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) với doanh thu 10,7 tỉ đồng/năm; chăn nuôi lợn thương phẩm ở Cẩm Xuyên, doanh số 9,2 tỉ đồng/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Đặng Tiến Minh ở Kỳ Anh doanh thu năm 2013 đạt trên 5 tỉ đồng, mô hình nuôi tôm trên cát của chị Nguyễn thị Hạnh ở Thạch Hội mỗi năm có doanh thu đạt từ 35 - 40 tỉ đồng…
Quả đã ngọt trên đồi hoang
Theo sự chỉ dẫn của một cán bộ Ban Chỉ đạo NTM của tỉnh, chúng tôi tiếp tục men theo những cung đường dốc thoải, đặc thù của địa hình miền núi phía Tây huyện Hương Sơn, để đến với vùng đất nổi tiếng về đặc sản cam bù. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở sản vật núi rừng tỏa đi khắp mọi miền tạo nên không khí nhộn nhịp hiếm có ở miền sơn cước này.
Mùa cam bù Hương Sơn
Nhiều năm qua, các hộ gia đình ở Hương Sơn đã mạnh dạn chọn cây cam làm cây kinh tế chủ lực và cho kết quả khả quan khi thương hiệu cam bù đặc sản đã vượt qua lũy tre làng để vươn ra các thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo nên những trang trại bạc tỉ trên chính vùng đồi núi hoang vu trước đây.
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Sơn Mai Trần Thanh Nga, chúng tôi đến thăm mô hình trang trại lớn nhất nhì xã của anh Ngô Xuân Linh (xóm Nhà Cụp). Con đường quanh co uốn lượn vốn đã nhỏ hẹp, dịp này lại chật chội hơn bởi người và xe cộ vào ra bốc xếp cam nơi các miệt vườn về xuôi tiêu thụ. Tiếp chúng tôi trong thời điểm hối hả vào vụ nhưng vợ chồng anh chị Linh - Tâm vẫn sẵn lòng chia sẻ về gia cảnh của mình.
Sau nhiều năm chật vật mưu sinh bằng đủ nghề, nhận thấy tiềm năng trên chính mảnh đất quê hương nên năm 2004 anh chị đã nhận gần 11 ha đất đồi hoang ở xóm Núi Cụp để đầu tư SX. Chị Tâm vừa thoăn thoắt cân hàng cho khách vừa tâm sự với chúng tôi: “Những ngày mới vào vùng hoang vu đến nỗi chỉ nghe tiếng chim hót khẳn cổ cũng đủ để vui. Vất vả, khó khăn đủ bề nhưng được cái trời không phụ lòng người nên gia đình cũng phấn khởi để đầu tư thêm”.
Đến nay, trang trại của anh chị đã được mở rộng lên 20 ha, với sản phẩm cam chủ lực từ 1 ha nay đã được trồng bao phủ hết tổng diện tích với gần 10 ngàn gốc cam các loại, trong đó có 7 ha đã cho thu hoạch. Sang năm sau sẽ có thêm 5 ha cho quả. Đặc sản cam bù trồng ở đất Sơn Mai có vị ngon đặc biệt hiếm nơi nào có được. Vì vậy, năm nào thương lái cũng đua nhau tìm đến đặt hàng ngay tại gốc. Chị Tâm chia sẻ: “Năm trước, vựa cam của gia đình thu hoạch được gần 70 tấn cam bù. Cam vừa kịp hái xuống khỏi cây là đã có khách lấy ngay. Vì không lo về đầu ra nên chúng tôi rất yên tâm đầu tư SX”.
Bên cạnh sản phẩm cam chủ lực, trang trại của anh còn mở rộng chăn nuôi với gần 100 con trâu, bò và vài nghìn chim bồ câu lấy thịt. Nhờ năng động trong SX, nhạy bén về kinh doanh, tinh thần học hỏi kinh nghiệm SX cùng với sự hỗ trợ thiết thực về vốn của chính quyền địa phương, đến nay trang trại của anh Linh không những giúp gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu với doanh thu 4 - 5 tỉ đồng/năm mà còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hơn 30 lao động thời vụ, thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Hướng về phía những đồi cam đang đến vụ thu hoạch, ông Trần Thanh Nga phấn khởi nói với chúng tôi: “Nhờ chính những người dân năng động như gia đình anh Linh, Sơn Mai chúng tôi đang trên đà khởi sắc. Hiện toàn xã có trên 10 mô hình cho thu nhập từ 1 tỉ đồng trở lên và hàng chục mô hình thu nhập khác đạt trên 500 triệu đồng mỗi năm”.
Những người nông dân cần cù, chất phác với ý định làm giàu từ những gì gần gũi, thân thuộc nhất đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn bằng hàng loạt các trang trại bạc tỉ ở Hà Tĩnh. Khi xuân mới đang về trên cành cây ngọn cỏ, nắng xuân dát vàng trên khắp các miền quê, cũng là lúc người làm kinh tế trang trại đang vào mùa thu hoạch các thành quả mà cả một năm trời họ dày công vun xới.
Anh Bình
Báo nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;