Học tập đạo đức HCM

Sống trên cát: Khoai deo đẩy đói nghèo

Thứ năm - 16/07/2015 20:45
Ban đầu, các chị rủ nhau cùng thành lập nhóm phụ nữ làm khoai deo. Làm có lãi, các chị mạnh dạn thành lập tổ hợp tác (năm 1996) và nâng cấp thành HTX như bây giờ.

Đó là các thành viên của HTX Chế biến khoai deo Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), những người tiên phong đưa khoai lang vào vị trí “thu nhập chính” trên vùng biển bãi ngang "chang chang cồn cát".

Và cũng từ đó, củ khoai ở đây “lên ngôi” trở thành món đặc sản. Khoai deo được nhiều du khách đến với Quảng Bình tìm mua về làm quà.

Từ cát trắng đi lên

Trưa tháng 6 trên vùng cát ven biển xã Hải Ninh nóng như nung. Chị Hoàng Thị Liễu, Chủ nhiệm HTX Chế biến khoai deo Hải Ninh mời tôi ly nước mát rồi cười thoải mái: “Cả hai lần nhận danh hiệu “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu mà mấy chị em không đi được, phải nhờ anh chồng tui ra nhận thay. Bây chừ, nhờ chú chụp cho mấy chị em tấm ảnh nhận bằng chứng nhận.

Rứa coi như là đã nhận được vinh dự này rồi. Cũng nhờ củ khoai dẻo thành khoai deo đặc sản mà cơ bản người dân vùng cát thoát được đói nghèo để gắng lên làm giàu…".

Hơn chục năm trước, Hải Ninh thuộc xã nghèo đói của Quảng Bình. Cái nghèo đói bám dai dẳng từ trước đó để lại. Nghèo vì nhiều lý do, nhưng chung quy là do vùng biển bãi ngang nên nghề biển cũng chỉ quanh quẩn ven bờ. Cá tôm đánh bắt được chỉ đánh đổi bữa qua ngày. Làng rặt hộ nghèo, hộ đói.

Ông Ngô Văn Biền, một lão ngư đã biết đi biển từ lúc còn ở truồng. Nay lão đã trên tuổi 70, kể lại: “Vì nghèo quá nên phải bới cát trồng cây khoai phụ thêm bữa ăn hàng ngày. Dây khoai xin từ bà con vùng trong ruộng. Trồng trên cát trắng củ lớn cũng chỉ bằng ngón chân cái, còn lại cũng chỉ như hạt mít. Rứa nhưng cũng phụ thêm trong bữa ăn cho đám con nít".

Dần dần, ngư dân Hải Ninh cũng biết cách trồng cây khoai lang trên cát sao cho củ lớn và nhiều.

Thị trường khoai deo Hải Ninh bây giờ rộng khắp ở trong Nam ngoài Bắc. Cứ đại lý gọi điện thoại là các chị trong HTX đóng bao bì gửi đến.
“Có mấy người ở nước ngoài gọi điện thoại để làm đại lý tiêu thụ khoai deo. Nếu thành công thì khoai deo Hải Ninh chúng tôi còn vươn ra thế giới nữa đó”, chị Liễu nói trong tiếng cười giòn tan.

Nhớ lại chuyện ngày trước, chị Liễu bộc bạch: “Hồi đó, bà con làm khoai deo để phòng khi trái gió, động biển chứ chưa có ai mua bán chi. Sau này, mấy chị em làm hàng xáo, tức là đi mua gom ở mấy nhà trong vùng.

Mỗi nhà được một hai ký, rồi cùng nhau gánh băng qua trảng cát gần chục cây số mang vô trong ruộng, trong chợ huyện bán. Thấy bán cũng được, kiếm được chút lãi nên sinh ra ý tưởng đi vào chế biến, SX cho có quy củ hơn”.

Ông Ngô Văn Ngân (chồng chị Liễu), người được chị em trong Ban quản trị HTX ủy quyền hai lần ra Hà Nội để nhận bằng chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” cho hay: “Đất đai trong xã được tận dụng triệt để trồng khoai. Diện tích từ 30 ha nay lên hơn 80 ha, 100% hộ dân trồng khoai. Hộ nào không chế biến thì cung cấp củ cho hộ chế biến cũng đưa lại thu nhập đều đặn quanh năm cho người dân”.

Cũng theo ông Ngân, ngày trước, đất cát trắng ở Hải Ninh chỉ trồng được cây phi lao để lấy bóng mát và chắn cát bay. Khi phong trào làm khoai deo đi lên thì cũng là lúc đất đai được tận dụng. Trước thì trồng quanh nhà, sau thì lấn ra vùng xa ngoài trảng cát. Trước khi trồng, bà con bứt cỏ rười, lá phi lao… đưa ủ với nước tiểu.

Khi làm đất, đánh luống thì đưa thứ phân xanh hổn hợp đó lót xuống rồi trồng dây khoai lang vào. Sau này, khi kinh tế khá hơn thì bà con vun gốc thêm lân, kali khi trồng được hơn tháng để khoai thêm năng suất.

Vùng cát không thể chủ động được nước tưới nên người dân vùng biển "lách vụ" bằng cách vào đầu xuân thì trồng khoai và đến đầu hạ là vào vụ thu hoạch. Ban đầu chỉ vài hộ, vài chục hộ sau đó thành ra đại trà.

Giống khoai cũng là sự lựa chọn mới đưa đến được thành công. Qua nhiều năm mới chọn được "anh" khoai đỏ bây chừ. Giống khoai đỏ chịu được hạn cao, củ nhiều và dài nên khi làm thành sản phẩm cũng đẹp mắt.

Ông Lê Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (nguyên là Phó phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh) nhấn mạnh: “Năm nay, sản lượng khoai deo của Hải Ninh ước đạt trên 200 tấn và tổng thu ước đạt trên 15 tỷ đồng. Khoai deo đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo ở vùng quê biển bãi ngang này.
Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để đề nghị công nhận danh hiệu “Làng nghề khoai deo Hải Ninh" và sẽ thực hiện liên kết các vùng cát ven biển để phát triển mô hình nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân”.

Qua trò chuyện ông Ngân cho hay, trên đất cát cũng chỉ có cây khoai lang mới "chịu chơi" được. Và đó cũng là cây cho hiệu quả đáng nể. “Nếu một gia đình trồng 1 ha khoai, năng suất trung bình được 12 tấn. Cứ 4 tấn khoai củ sẽ cho được 1 tấn khoai deo, vị chi có 3 tấn sản phẩm. Trung bình mỗi tấn khoai deo bán được 60 triệu đồng thì mỗi ha cho thu được 180 triệu đồng”, ông nhẩm tính.

Sẽ vươn ra thế giới

Gần 10 năm từ ngày có phong trào làm khoai deo thành đặc sản, người dân vùng biển Hải Ninh mới có được cái “công thức” để khoai deo có được cái ngon của đặc sản vùng cát.

Khoai lang thu hoạch về, để nguyên củ dàn ra sân phơi nắng trong hai ngày liền, chỉ phơi khi có gió nam để làm cho vỏ củ săn lại. Sau đó, vun khoai thành đống lấy chăn, chiếu ủ lại. Xong công đoạn phơi là đưa khoai vào nhà ủ thêm khoảng 10 ngày để củ khoai chuyển tinh bột thành đường. Tiếp theo là đến công đoạn luộc.

Ông Ngân nói: “Luộc khoai phải đổ đầy nước, tức là nước phải xăm xắp với củ khoai trên cùng. Dậy vung lại và đun 2-3 tiếng đồng hồ. Dỡ vung thấy khoai chín mềm là đổ ra cho ráo nước. Lúc này, trẻ con hay người già đều làm được. Đó là bốc vỏ khoai và thực hiện trải lát mỏng theo chiều dọc củ khoai và đưa ra phơi nắng".

Cái nắng đầu mùa ở trên vùng cát chẳng biết có điều gì đặc biệt mà làm khoai lang luộc kết tinh đường mật thành món khoai deo đến mê mẩn lòng người. Mỗi mẻ khoai phơi chừng 3-4 ngày nắng, khi lát khoai dẻo quẹo, cầm vào có cảm giác như mật ngọt ngấm vào tay được đạt độ. Sau đó, khoai deo được phân loại để đóng bao sản phẩm để đưa đến tận tay người dùng.

Tôi hỏi ông Ngân có thể thay phơi nắng tự nhiên bằng cách sấy lò nung được không. Ông Ngân cho hay: “Sấy lò cũng được chứ. Nhưng chắc chắn vị ngọt, thơm và dẻo của khoai deo sẽ không được còn như khi thực hiện sấy bằng cái nắng tự nhiên của vùng cát”.

Khoai lang trồng trên vùng cát trắng để chế biến khoai deo
Khoai lang trồng trên vùng cát trắng để chế biến khoai deo

Mỗi năm, trung bình HTX Chế biến khoai deo Hải Ninh SX trên 40 tấn khoai deo. Tổng thu nhập trên 2,5 tỷ đồng.

Chị Liễu cho hay: “HTX có 15 lao động. Mức thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mỗi lao động còn làm thêm ở nhà nên còn có thu nhập cao hơn”.

Ở xã Hải Ninh có 5 thôn thì thôn nào cũng có người làm khoai deo. Ngoài lao động trong HTX còn có khoảng 250 hộ dân làm dịch vụ này. Làm dịch vụ này, mỗi hộ dân có thu nhập thêm từ 70-100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cái đói, cái nghèo ở Hải Ninh dần được đẩy lùi.

Không chỉ ở Hải Ninh trồng khoai lang để làm khoai deo. Nhiều gia đình sống trên vùng cát ở xã Hồng Thủy, Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm khoai lang với bà con Hải Ninh để trồng khoai trên đất cát trắng bạc màu.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ở làng Mới, xã Thanh Thủy) cho biết: “Nhà tôi trồng nửa ha khoai, nắng được đạt được 7 tấn củ, bán cho HTX ở Hải Ninh được hơn 80 triệu đồng”.

“Nếu 7 tấn củ này làm khoai deo tốt thì được khoảng 1,7 tấn sản phẩm và cho thu nhập trên 100 triệu đồng”, chị Liễu cho hay.

Theo: nongthonviet.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập946
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại780,073
  • Tổng lượt truy cập93,157,737
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây