Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng anh Thuận đã vươn lên ổn định cuộc sống bằng chính sức lao động của mình. Anh Bùi Minh Thuận chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm một bồn nhỏ, nhưng hiện nay, đã tăng lên 7 bồn, với gần 17.000 con lươn. Trong thời gian tới, sẽ mở rộng tiếp 6 bồn. Đợt này, tôi bắt đầu nuôi 7 bồn lươn từ tháng 3- 2014, diện tích 48 m2/bồn, mỗi bồn thả khoảng 2.400 con. Khi lươn còn nhỏ chỉ cần mô đất nhỏ, nhưng khi lươn bắt đầu lớn hơn thì phải tăng lượng đất trong bồn để lươn có nơi làm hang, tránh nóng. Với mô hình nuôi lươn này, đất đóng vai trò khá quan trọng, thông thường 8 tháng nuôi nên vô 2 lần đất (khoảng 40 tấn đất) thì lươn mới mau phát triển. Mỗi ngày, vào buổi sáng, phải tiến hành thay nước trong bồn sẽ giúp kích thích cho lươn ăn mạnh và ít bị bệnh. Lươn nuôi chỉ hao hụt ở tháng đầu tiên thả nuôi, đến tháng thứ 2 trở về sau là lươn bắt đầu ăn được, mau lớn và rất ít hao hụt”.
Anh Thuận cho lươn ăn.
Theo anh Thuận, lươn dễ nuôi, ít bị bệnh nhưng thường mắc bệnh xuất huyết đường ruột. Khi lươn mắc bệnh này, sẽ bỏ ăn, nổi lên mặt nước rồi chết. Bệnh này thường không trị được, mà chỉ có thể phòng bệnh bằng cách trộn kháng sinh, men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn. Mỗi ngày chỉ cho lươn ăn một lần lúc 4- 5 giờ chiều. Với lươn nhỏ, cho ăn khoảng 4- 5kg thức ăn/bữa ăn/bồn, còn lươn lớn cho ăn khoảng 18kg. Thức ăn cho lươn, gồm: Ốc bươu vàng, cá đồng hoặc cá biển trộn với thức ăn để giảm chi phí. Anh Thuận chia sẻ: “Vào mùa nước nổi, lượng ốc, cá đồng nhiều nên chi phí thức ăn nhẹ lắm, mình chỉ cộng thêm vài ký thức ăn phụ thêm thôi. Đặc tính lươn lạ lắm, ban đầu cho ăn vị trí nào thì những lần sau phải cho đúng vị trí đó, chứ để vị trí khác ươn sẽ không ăn”. Hiện nay, lươn loại 1 giá 130 ngàn đồng/kg, loại 2 là 115 ngàn đồng/kg, sau 8 tháng nuôi, trừ chi phí, anh Thuận còn lãi trên 15 triệu đồng/bồn.
Bí thư Phường đoàn Mỹ Thới Bùi Thị Hồng Xuân cho biết, khóm Long Hưng 2 là nơi có phong trào nuôi lươn mạnh nhất. Khóm có 176 hộ dân thì có đến 82 hộ sống bằng nghề nuôi lươn. Song song đó, thanh niên theo nghề này khá đông, nhưng nay vấn đề tiếp cận vốn vay cho thanh niên làm kinh tế, mở rộng sản xuất còn gặp khó khăn, vì nuôi lươn cần nhiều vốn. “Nếu được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Đoàn Thanh niên hay Hội Nông dân sẽ là điều kiện thuận lợi để các thanh niên, người dân trên địa bàn có thêm cơ hội làm ăn, vươn lên thoát nghèo, thành công trong cuộc sống”- chị Xuân mong muốn.
Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN
Theo: baoangiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã