Học tập đạo đức HCM

Trở lại Đá Mồng

Thứ sáu - 29/03/2013 08:29
Chẳng biết từ bao giờ tên gọi vùng đất Đá Mồng lại gắn bó mật thiết và gần gũi, thân thương với người dân nơi thượng nguồn sông Ngàn Phố đến vậy. Trãi bấy nhiêu năm, giờ đây dù tên gọi ấy không còn trong bản đồ hành chính ở xã vùng biên Sơn Kim II huyện Hương Sơn, song ngược lại nó vẫn luôn khắc sâu trong trái tim của những người một thuở đi khai sơn, phá thạch. Trở lại Đá Mồng hôm nay lòng người ai nấy cũng đều khấp khởi mừng vui, nao nao trong nhiều cảm xúc. Bởi xung quanh những quả đồi ở thôn Quyết Thắng rồi đến đồi Ông Lân, Ông Hòe, Bài Nhài, Đượng Dâu…đâu đâu cũng ngút ngàn màu xanh cây trái, báo hiệu một cuộc sống mới no ấm, đủ đầy.

 

Dấu chân những người mở đất.

Qua cầu Tây Sơn vượt sông Ngàn Phố chúng tôi đã có mặt tại thôn Chế Biến xã Sơn Kim II. Trong sắc nắng miền sơn cước, cảnh vật nơi thượng nguồn như bừng sáng hơn, long lanh hơn giữa biêng biếc mây trời, mơn mơn gió núi. Dọc tuyến đường nhựa phẳng phiu từng rặng cây keo vẫn thả hồn hát theo chiều gió. Hương Bưởi nồng nàn, hoa Xoan bung tím lối đi như muốn thúc dục lòng người hãy một lần đến nơi đây để tận hưởng trọn vẹn hơn hương đất, hương rừng nơi non cao, thủy tận. Một thuở cách trở xa xôi, một thời rừng thiêng hẻo lánh, nhưng nay với bàn tay khối óc, sự mặn mòi thủy chung gắn bó với rừng của lớp lớp những người đi trước đã góp phần hình thành nên những ngôi làng trù phú tốt tươi, những mái nhà rực hồng màu ngói mới. Thế mới biết người xưa có câu “ Đất lành chim đậu”, ngẫm nghĩ mãi quả đúng không sai. Trong căn nhà khang trang bề thế, bà Nguyễn Thị Thuận ở thôn Chế Biến đã không ngớt lời dốc bầu tâm sự với tôi. Bà Thuận kể lại rằng: Năm 1973 theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới cả gia đình bà đã rời vùng đất xã Sơn Phúc lên đây sinh cơ, lập nghiệp. Buổi đó bà thuộc vào lớp thế hệ thứ hai, thứ ba chứ thế hệ thứ nhất lên gắn bó với vùng đất này mãi từ những năm 1959, 1960. Với những người “nghe rừng lắm đất, lên đây với rừng” thì đến giờ này rất ít người còn sống, mà phần lớn đều đã mất. Còn về gốc gác thì họ là những người tứ xứ muôn phương, có người quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An nhưng cũng có không ít người từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tập kết ra Bắc và chọn nơi đây để lập thân, lập nghiệp. Sản xuất chủ yếu là trồng cây ăn quả, cây đay lấy sợi, khai thác cà phê do đồn điền Pháp để lại và chăn nuôi trâu bò dùng làm sức cày kéo. Trong câu chuyện kể, bỗng dưng bà Thuận khoát chỉ tay về phía đồi ông Tàng, ông Lân, ông Hòe rồi sụt sùi nói như để phân bua: “tên của những người từng đào đất, lật cỏ mưu sinh được thế hệ đi sau chọn đặt tên cho những đồi chè xanh tốt như là một hành động để tưởng nhớ, tri ân công lao người đi trước”.

Trở lại Đá Mồng
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo giúp nhân dân thôn Quyết Thắng xã Sơn Kim II thu hoạch chè

Trầm ngâm trong ký ức xa xăm, chốc lát bà Thuận nở nụ cười hồn hậu rồi buột miệng khoe rằng: Thời buổi bao cấp nhiều thế hệ gắn bó với Nông trường Tây Sơn đã phải vượt qua bao gian lao khổ cực, vừa sản xuất vừa phục vụ chiến tranh, song ở đó tất cả đều tìm thấy niềm vui khi đất rừng nở hoa, cây trồng cho thêm trái ngọt. Và giờ đây dù tuổi đã cao, đồng lương của công nhân về hưu ít ỏi, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất mà bà có được là hàng ngày bà vẫn cùng con cháu đi thu hái chè búp để nhập cho Xí nghiệp chè Tây Sơn. Rảo bước trên những quả đồi thân thuộc để hái chè và được tận tay mân mê những búp chồi non lòng bà như rạo rực khoan thai, hừng hực khí thể của buổi đầu tràn đầy sức trẻ. Hàng trăm ha chè đang trải rộng thênh thang, uốn lượn khắp các triền đồi, như là một minh chứng của tinh thần lao động cần cù, hăng say, giám nghĩ, giám làm của nhiều thế hệ đã chung tay gây dựng. Bỏ lại quá khứ với phương tiện chế biến thủ công thô sơ, giờ đây sản phẩm chè Tây Sơn được chế biến bằng máy móc hiện đại nên chất lượng hết sức thơm ngon. Chè xanh nơi thượng nguồn Ngàn Phố đã trở thành một mặt hàng quý giá được các thương lái mang đi tiêu thụ khắp mọi nơi, khiến cho tiếng lành ngày một lan xa, hương thơm ngày thêm lan tỏa.

Đá Mồng… với khát vọng vươn lên.

Từ trung tâm xã Sơn Kim II, ngược nguồn về với vùng đất Đá Mồng nay là thôn Quyết Thắng đâu đâu cũng bắt gặp những quả đồi thoai thoải phủ kín một màu xanh. Nếu như trong những năm qua cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, thì gần đây nhằm phá thế độc canh nhân dân ở vùng đất này đã tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để trồng thêm cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật. Việc áp dụng xây dựng mô hình đa cây, đa con thực sự là một hướng đi đúng đắn, vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho nhân dân. Cuộc sống mới, niềm tin mới đang từng ngày, từng giờ hiện hữu, bởi vùng đất Đá Mồng nổi tiếng hoang vu nay đã trỗi dậy vươn mình. Trong số những mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao, tôi thực sự ấn tượng với mô hình trang trại của gia đình chị Hoàng Thị Hiên. Nhìn dáng người chị nhỏ nhắn, sức vóc hao hao đến khiêm nhường, song ở chị lại có một tinh thần lao động cần cù, hăng say đến mức ít người sánh kịp. Trên đồi cao chị giành hẳn một quỹ đất khá lớn để trồng keo, ở giữa trồng chè, còn phía dưới gần nhà chị trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hàng trăm con lợn siêu nạc, kết hợp với chăn nuôi gà, nuôi hươu. Chị Hiên cho biết: Ngày đầu bắt tay vào làm kinh tế, gia đình chị cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song bằng định hướng đầu tư đúng đắn nên gần đây trang trại của gia đình chị cho thu nhập không dưới 2 triệu đồng/ năm. Từ việc phát triển kinh tế vườn đồi chị có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và chăm lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn.

Trở lại Đá Mồng
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hoàng Thị Hiên mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Đất vắng cây, đất ngừng hơi thở. Đúng vậy vùng đất Đá Mồng một thời im ắng trong tiếng thở dài của trùng điệp núi non đã và đang bắt nhịp trỗi dậy vươn lên khi có bàn tay của những người đam mê lao động. Không cho đất nghỉ, không ngừng bàn tay… đó là câu nói cửa miệng, hay đúng hơn là những câu châm ngôn của bất cứ ai mà tôi đã từng may mắn tiếp xúc. Anh Cao Kỷ Vị- Chủ tịch UBND xã Sơn Kim II đã có lần bộc bạch với tôi rằng: “Tuổi đời của mình còn trẻ, nhưng khi được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm cán bộ chủ trì của xã dù biết rằng vinh dự lớn nhưng trách nhiệm hết sức nặng nề, song tôi nghĩ thế hệ đi trước đã khó khăn lắm mới tạo dựng được vùng đất này, thì không lý do gì mà tuổi trẻ lại ngại ngần khó dễ”. Và gần đây trong một lần tiếp xúc với tôi, anh Vị vui mừng cho biết: “Trong số gần 1.200 hộ dân trên địa bàn xã, thì có đến hơn 400 hộ đang gắn bó với nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè xanh. Trong số đó có đến 50% gia đình là con em Xí nghiệp chè Tây Sơn, số còn lại là bà con nhân dân mạnh dạn nhận đất giao khoán xủa Xí nghiệp để trồng chè, nguyện gắn bó lâu dài với nghề cha ông để lại. Bên cạnh nghề trồng chè truyền thống nhân dân trong xã cũng đang tận dụng tối đa quỹ đất, mở hướng làm giàu bằng việc trồng cam canh, cam bù, chăn nuôi lợn hướng nạc, nuôi hươu và trồng rừng nguyên liệu. Những mô hình sản xuất mới đang hình thành, hứa hẹn nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên”.

Lịch sử sang trang, quê hương từng ngày đổi mới. Vùng đất Đá Mồng rộng lớn ngày xưa, thôn Quyết Thắng hôm nay đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội, củng cố cơ sở chính trị, tiềm lực quốc phòng. Rồi mai đây khi dự án quy hoạch khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái Đá Mồng được Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo xây dựng hoàn thành sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, tạo động lực mới trong thời kỳ kinh tế mở. Đến lúc đó, mỗi dịp trở lại Đá Mồng mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của một vùng đất đã từng in đậm dấu chân và khắc ghi tên tuổi những người đi trước.

Văn Chương
Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập637
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm636
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại792,371
  • Tổng lượt truy cập93,170,035
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây