Những tháng ngày khốn khó
Chị Phan Thị Hải rơm rớm nước mắt kể về những ngày gian khó.
Sinh ra không được bình thường như bao người khác, anh Đặng Hữu Phượng (SN 1976) mắc chứng bệnh thiếu màng cứng vỏ não, cơ thể anh cũng không thể phát triển bình thường như bạn bè cùng lứa. Mồ côi cha mẹ từ khi lên 4 tuổi, mỗi ngày đi qua của cuộc đời anh là một ngày tăm tối.
Mặc cảm với số phận, anh không tiếp xúc nhiều với bạn bè, chỉ sống quanh quẩn ở nhà, có ai thuê gì thì làm nấy nhưng thường tiền công không đáng kể vì anh không làm được việc nặng. Cuộc sống chủ yếu dựa vào sự chăm sóc của anh, chị và hàng xóm. Đến năm 2014, được bạn bè giới thiệu, chị Phan Thị Hải ở xã bên (xã Hòa Hải) chấp nhận về làm vợ anh.
Căn nhà ở kiên cố hiện nay của gia đình anh Phượng là công sức của cả thôn xóm.
Rơm rớm nước mắt, chị Hải nhớ về những ngày đầu làm dâu: Thương anh Phượng nên tôi chấp nhận về sống cùng anh. Những ngày đầu, cuộc sống trăm bề khổ sở. Túp lều tranh khi đó rách tứ tung, không có lấy một chỗ nguyên vẹn, trong vườn không có gì đáng giá. Đến khi tôi sinh cháu đầu thì túp lều cũng đổ sụp.
Thương gia cảnh khốn khó, cả thôn, các anh, chị đều bàn vợ chồng vay mượn mua lấy căn nhà gỗ. Chúng tôi tìm được 1 ngôi nhà cũ giá rẻ, cả tiền ngói mới là khoảng 40 triệu đồng. Mua được nhà, cả xóm vui mừng đến góp sức dựng nhà, rồi sau đó người cho gạo, người cho muối mắm để giúp cả nhà sống qua ngày.
Hằng ngày, anh Phượng đi kiếm lá cây khô về để ủ gốc bưởi, giúp cây chống nắng hạn.
“Ngay như tết vừa rồi, gia đình được nhận 200 nghìn tiền quà tết và 180 nghìn đồng hỗ trợ tiền điện. Chưa kịp sắm sửa gì thì con ốm, số tiền 380 nghìn đồng phải dành ra để mua thuốc, điều trị cho con, vợ chồng chỉ đủ mua gói bánh thắp hương cho ông bà tổ tiên. Chúng tôi ăn tết chỉ với một cặp bánh chưng của hàng xóm biếu” - chị Hải tâm sự.
Quả ngọt mùa đầu
Đến nay, anh chị có gần 100 cây cam, bưởi bắt đầu ra quả bói.
Bỏ qua mặc cảm, từ ngày có vợ, có con, anh Phượng biết lo lắng hơn, sống có trách nhiệm hơn. Có người cùng chia sẻ, đôi vợ chồng bàn với nhau cách vượt qua khốn khó.
Anh Phượng kể, ban đầu, vườn ông bà để lại chủ yếu trồng cây chè, muốn trồng cây khác thì phải đào hết gốc chè, cây tạp, nhưng bản thân tôi thì không đủ sức. Năm 2016, biết gia đình muốn vượt khó, một lãnh đạo xã Phúc Đồng đứng ra thuê máy xúc cải tạo vườn giúp chúng tôi với lời hẹn: “khi nào có tiền thì trả”.
Có đất rồi, được chú làm bên mặt trận thôn cho vay cây giống, 2 vợ chồng trồng được 100 cây cam chanh và bưởi Phúc Trạch. Từ khi đó, vợ thì kiếm việc làm thuê vừa nuôi con, vừa trả nợ, chồng ở nhà chăm sóc vườn cây.
Ngoài ra, anh chị còn vay vốn để nuôi thêm trâu...
“Chúng tôi còn làm thêm 5 sào lúa. Lúa của gia đình nhưng công sức là của anh em, bà con cả. Có người thì giúp cày ruộng, người thì giúp thu hoạch, có khi cả chục người trong hội Phụ nữ xã đến giúp làm công” – chị Hải chen lời.
Mới đây, làng xóm, các tổ chức còn đến động viên, bàn với gia đình vay vốn để phát triển kinh tế. Được hưởng ưu đãi, vợ chồng anh Phượng đã vay 50 triệu đồng làm chuồng, mua thêm một con trâu, đàn gà hơn 100 con để chăn nuôi. Mặc dù vẫn còn khó khăn, nợ nần nhưng cuộc sống của anh chị đã được cải thiện hơn trước nhiều lần.
... và 100 con gà.
Nói về những mơ ước của mình, anh Phượng cho biết: “Tôi chỉ mong có đủ tiền để mua một cái máy bơm tưới nước cho cam, bưởi, nắng hạn quá mà không tưới được sợ cây chết mất”.
Giấc mơ của chị Hải thì lớn hơn: “Tôi ước có đủ tiền để đưa chồng đi khám bệnh. Mấy lần bàn với chồng vay mượn tiền đi khám nhưng anh đều gạt đi bởi anh sợ biết bệnh rồi thì lấy tiền đâu mà chữa?.”
300 quả bưởi mùa đầu không chỉ là tài sản mà còn là niềm tin để anh chị thực hiện những ước mơ của mình.
Đến bây giờ, sau hơn 4 năm chăm sóc, vườn cam, bưởi đã ra quả mùa đầu, riêng bưởi Phúc Trạch có hơn 300 quả. 300 quả bưởi này không chỉ là gia tài của anh chị mà còn mang niềm tin, hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn…
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã