Học tập đạo đức HCM

Chính phủ không ban hành chính sách gây thiệt hại cho dân

Thứ ba - 11/12/2012 20:17
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Văn phòng Chính phủ khẳng định, Chính phủ không bao giờ chủ trương ban hành chính sách gây thiệt hại cho dân, bất an cho xã hội.

 

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) gửi tới Thủ tướng phiếu chất vấn với nội dung:

"Cha ông ta xưa có câu "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn", "Trị nước càng thịnh vượng lòng càng phải thận trọng, càng phải lo cho dân, chăm chỉ chính sự hàng ngày nơm nớp lo lắng". Trước lúc ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Đề nghị Thủ tướng cho biết:

Trong bối cảnh đất nước đang quá nhiều khó khăn, người nghèo, người thu nhập thấp đều nơm nớp lo lắng các loại giá, phí tăng, các kiểu hành dân của những cán bộ, công chức các cấp không là hiền tài, lại nơm nớp lo lắng về các quy định của Chính phủ và các ngành vừa quan liêu, vừa gây thiệt hại cho dân và bất an toàn xã hội (như: chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng SJC; phạt tiền đối với chủ xe môtô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện; ghi tên cha mẹ lên chứng minh thư nhân dân; dự kiến dùng ngân sách ít ỏi của dân để trả nợ xấu thay cho các Ngân hàng thương mại...), Thủ tướng nghĩ gì về trách nhiệm quản lý, điều hành của mình?

Để khỏi phải hối tiếc thời kỳ đương chức có cơ hội được lo cho dân, thời gian tới, Thủ tướng cần thay đổi phương pháp điều hành như thế nào để những lời nhận lỗi của Thủ tướng trước Quốc hội chuyển thành hành động?"

 

Chính phủ không ban hành chính sách gây thiệt hại cho dân

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Đoàn Loan.

 

Thực hiện ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký văn bản trả lời chất vấn. Theo văn bản này, Việt Nam đã thực hiện giá theo cơ chế thị trường đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ. Giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công... đang được thực hiện theo một lộ trình nhằm một mặt hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Chính phủ chỉ đạo điều hành giá tuân thủ nguyên tắc công khai các yếu tố hình thành giá, hoạch toán lỗ lãi của doanh nghiệp; nếu ảnh hưởng tới người nghèo thì phải có chính sách hỗ trợ tương ứng; có sự chuẩn bị thông tin, tuyên truyền vận động.

Việc điều hành giá điện, giá xăng dầu thời gian vừa qua được thực hiện theo các nguyên tắc trên, như các bộ trưởng đã báo cáo trước Quốc hội.

Liên quan tới đội ngũ cán bộ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, cán bộ, công chức thời gian vừa qua tuy còn những bất cập nhưng có thể nói cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

"Đúng như đồng chí đã nêu, thực tế cho thấy có một bộ phận công chức không phải hiền tài, còn hạn chế về năng lực chuyên môn; một bộ phận thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu hành dân, thậm chí ngay trong bộ máy hành chính cũng hành lẫn nhau", văn bản có đoạn.

Vì thế, Đảng, Nhà nước cũng như Chính phủ, Thủ tướng kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất, đồng thời rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức.

Theo Văn phòng Chính phủ, quy định của Chính phủ, các ngành cũng như dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ trình Quốc hội đều nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân và nâng cao vị thế đất nước. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, trong đó có quy định đăng tải công khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm bảo đảm tính khả thi và sát thực tiễn.

Tuy nhiên trong thực tế cũng còn một số trường hợp quy định ban hành chưa sát thực tiễn, tính khả thi chưa cao, còn nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý. Khâu tổ chức thực hiện cũng còn bất cập, có trường hợp không đúng, không ít trường hợp chưa tuyên truyền, vận động tốt để nhân dân hiểu, đồng thuận, tham gia thực hiện.

"Một số chính sách mới tuy đúng và cần thiết đối với quản lý điều hành, mang lại lợi ích cho đất nước nhưng có thể ảnh hưởng đến một bộ phận trong xã hội. Tuy nhiên Chính phủ không bao giờ chủ trương ban hành chính sách gây thiệt hại cho dân, gây bất an cho xã hội", văn bản trả lời đại biểu Khánh có đoạn.

Về vấn đề vàng và nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải trình trước Quốc hội. Chính phủ khẳng định chủ trương không độc quyền doanh nghiệp. Nhãn hiệu SJC là nhãn hiệu vàng của Nhà nước, người dân có vàng không cần vội chuyển sang nhãn hiệu SJC.

Việc nghiên cứu thành lập công ty quản lý tài sản nhằm có thêm một công cụ xử lý nợ xấu trong nền kinh tế. Theo dự thảo đề án, hoạt động của công ty theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Nguồn vốn hoạt động thấp hơn nhiều so với số nợ xấu và trong đó ngân sách Nhà nước chỉ tham gia một phần.

"Nguồn vốn chủ yếu để xử lý nợ xấu là từ phát hành trái phiếu và các công cụ nợ khác. Hoạt động mua, bán nợ của công ty phải công khai, minh bạch. Giá trị tài sản và khoản vay mua, bán được định giá bởi tổ chức chuyên môn độc lập. Nhà nước không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho doanh nghiệp", văn bản nêu rõ.

Đối với việc phạt tiền chủ xe môtô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện, Văn phòng Chính phủ thừa nhận, đây là sơ suất của lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện đúng quy định của Nghị định. Trong khi chưa có Thông tư thì yêu cầu không xử lý hành vi này. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và các bộ liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức phí và cải cách thủ tục chuyển quyền sở hữu theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho người dân.

Về chất vấn "Thủ tướng cần thay đổi phương pháp điều hành như thế nào để những lời nhận lỗi của Thủ tướng trước Quốc hội chuyển thành hành động", nội dung này đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương và Nguyễn Bá Thuyền đã chất vấn và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời tại hội trường.

NGUYỄN HƯNG

Nguồn: VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập546
  • Hôm nay70,609
  • Tháng hiện tại806,719
  • Tổng lượt truy cập93,184,383
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây