Học tập đạo đức HCM

Quân, dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 17/02/2014 08:58
Về vùng đất cố đô Ninh Bình, được chứng kiến sự thay da, đổi thịt của vùng quê nông thôn, mới cảm nhận hết sự bứt phá đi lên trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đi trên con đường bê-tông của xóm 2, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, được nghe bà con nơi đây ngợi khen về các chiến sĩ dân quân giúp dân làm đường, quy hoạch bờ vùng, dồn điền, đổi thửa... chúng tôi cảm phục về việc làm thiết thực, hiệu quả, quân, dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Quân, dân chung sức, đồng lòng

Đại tá Nguyễn Ngọc Thạch, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Ninh Bình, cho biết: 10 năm là khoảng thời gian không dài đối với sự phát triển của địa phương, nhưng dấu ấn để lại trong công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh là bài học kinh nghiệm quý, đó là: "Khi quân dân chung sức, đồng lòng thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành". Theo đó, LLVT tỉnh đã xác định trọng tâm của công tác dân vận là: tham gia xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao cảnh giác, phòng, chống âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch... Cụ thể hóa những nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã tổ chức 110 tổ công tác, với 236 lượt cán bộ sĩ quan xuống xây dựng cơ sở chính trị địa phương ở 110 lượt xã, phường, thị trấn; phối hợp tổ chức hơn 16 nghìn buổi tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố 62 tổ chức đảng, chính quyền, 514 tổ chức đoàn thể. Nhất là, LLVT tỉnh đã triển khai 76 đợt huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận, với 3.200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tại 87 lượt xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, còn huy động hơn 8.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân 17 nghìn ngày công, 206 lượt phương tiện, kè 400 m đê, sửa chữa 2.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái, sơ tán 9.000 lượt nhân dân, cử 72 lượt y, bác sĩ giúp nhân dân vệ sinh phòng dịch; giúp dân thu hoạch hơn 800 ha lúa, hơn 400 ha thủy sản; chữa cháy hơn 200 ha rừng, tu sửa 250 km đường giao thông nông thôn, 120 km kênh mương nội đồng. Giải quyết tốt các chế độ, chính sách, tổ chức thăm hỏi, trao hơn năm nghìn suất quà tặng gia đình chính sách, hộ nghèo trị giá hơn một tỷ đồng; xây dựng 14 nhà tình nghĩa, tặng 96 sổ tiết kiệm và giống vốn, công cụ sản xuất cho 120 gia đình chính sách trị giá 240 triệu đồng; khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn lượt người, ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo với số tiền gần hai tỷ đồng. Ngoài nhiệm vụ công tác dân vận, phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", sau hơn một năm triển khai đạt được kết quả đáng khích lệ. Điểm nổi bật là, có 462 gia đình cán bộ, chiến sĩ nêu gương hiến 11.955 m 2 đất, ủng hộ 25 tấn xi-măng, 46 triệu đồng, tham gia 4.330 ngày công cùng với nhân dân địa phương tu sửa, nạo vét 56,5 km kênh mương, làm mới 17 km đường bê-tông, 64 km đường cấp phối; 85 công trình phục vụ dân sinh; phối hợp tuyên truyền, vận động được 1.502 hộ hiến đất với diện tích 39.435 m 2 , góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên điạ bàn tỉnh.

Dấu chân chiến sĩ

Dấu chân người chiến sĩ làm công tác dân vận in trên khắp các nẻo đường từ thành phố đến nông thôn trong tỉnh. Thời gian cùng ăn, ở, cùng làm với nhân dân trở thành kỷ niệm đẹp của không ít cán bộ, chiến sĩ. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), Hoàng Minh Thịnh kể về kỷ niệm khi anh được tham gia vận động nhân dân xóm 2, xã Khánh Thành mở rộng và bê-tông hóa ngõ xóm dài gần 350 m. Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ dân quân đã gặp một vài trường hợp hộ dân kiên quyết không hiến đất làm đường. Cuộc hội ý chớp nhoáng, với quyết định LLVT làm nòng cốt để vận động các gia đình. Là Chỉ huy trưởng, anh Thịnh không khỏi lo lắng và nhanh chóng vận dụng những kinh nghiệm; từ những câu chuyện, kỷ niệm của các gia đình này liên quan đến quân đội được sưu tầm và nó đã trở thành "cơi trầu mở đầu" các cuộc tiếp xúc. Thật bất ngờ, chính những câu chuyện ấy lại có sức thuyết phục, lay động lòng người.

Nút thắt được cởi mau lẹ, hơn 30 m tường bao của gia đình được dỡ bỏ, đường ngõ xóm được triển khai, với sự góp sức của 35 dân quân và niềm vui vượt tiến độ của nhân dân xóm 2.

Còn đối với Trung tá Phạm Đức Hạnh, Chủ nhiệm Hậu cần, Ban CHQS huyện Yên Khánh, dịp xảy ra cơn bão số 2 năm 2011 lại là một kỷ niệm khó quên trong đời quân ngũ của anh. Anh Hạnh kể: "Mưa lớn kéo dài, cả cánh đồng của xã Khánh Nhạc ngập chìm trong biển nước. Nhận được lệnh của cấp trên, tôi cùng hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được chia làm bốn tổ, phối hợp trung đội dân quân xã gặt lúa giúp dân. Tổ của tôi giúp hai gia đình mẹ liệt sĩ Mai Thị Gái, Mai Thị Dần và gia đình thương binh nặng Phùng Gia Chính. Thú thật, khi ấy mặc áo mưa cho bớt lạnh vì gió chứ thực ra mò lúa dưới nước ướt nên ai nấy đều ướt sũng. Chúng tôi nói với nhau rằng, nếu như con các mẹ còn sống thì các mẹ cũng chẳng cần đến mình, gắng mà làm cho tròn nhiệm vụ. Như cuộc "thi đua ngầm", tất cả lao vào công việc quên hết mệt nhọc, mưa rét. Hôm đó, tổ chúng tôi gặt được hơn một mẫu lúa, tuy vất vả, song ai nấy đều phấn khởi vì tình cảm đặc biệt của các gia đình, bà con chòm xóm cũng như chính quyền địa phương dành cho. Tôi nghĩ, chỉ có những lúc như thế mới hiểu hết nghĩa tình quân và dân như cá với nước.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thành Phạm Văn Bách phấn khởi nói: Nếu coi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là "hai chân", thì LLVT chính là cả hai chân giúp địa phương trở thành một trong ba xã về đích sớm năm 2013 trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Khánh.

BÀI VÀ ẢNH: ĐÀM TUẤN ĐẠT
Nguồn nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập616
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm615
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại768,575
  • Tổng lượt truy cập93,146,239
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây