Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ hồi đầu tháng 8/2021, những người có chế độ ăn thuần chay, bao gồm các thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 52%.
Những sản phẩm được các nhà khoa học khuyến cáo, gồm các loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gà và cá không da, các loại hạt và các loại đậu. "Đây là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe", Yuni Choi, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Ở chiều ngược lại, các nhà khoa học cũng khuyên giới trẻ nên hạn chế ăn chất béo bão hòa, muối, thịt đỏ, đồ ngọt và đồ uống có đường. Điều này giúp ngăn ngừa các cơn đau tim ở tuổi trung niên.
Kết luận này củng cố cho quản điểm từ những nghiên cứu trước đây, rằng chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm huyết áp, cải thiện cholesterol và cân nặng. Dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về mối liên hệ trực tiếp giữa chế độ ăn và nguyên nhân gây những cơn đau tim, kiểm soát được huyết áp và cân nặng cùng các vấn đề liên quan được xem là biện pháp giúp trái tim khỏe mạnh.
Trong khoảng 30 năm, trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Minnesota, thành phố Minneapolis, phía Bắc nước Mỹ, đã khảo nghiệm chế độ ăn uống của hơn 5.000 người. Kết quả cho thấy, có những liên quan nhất định giữa chế độ ăn với những diễn tiến của bệnh tim.
Để đánh giá kết quả, nhóm nghiên cứu sử dụng khái niệm Điểm chất lượng chế độ ăn ưu tiên (APDQS). Đây là chỉ số được tạo thành từ 46 nhóm thực phẩm được chia thành các loại thực phẩm có lợi (chẳng hạn như trái cây, rau, đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt); thực phẩm bất lợi (chẳng hạn như khoai tây chiên, thịt đỏ nhiều chất béo, đồ ăn nhẹ mặn, bánh ngọt và nước ngọt); và thực phẩm trung tính (chẳng hạn như khoai tây, ngũ cốc tinh chế, thịt nạc và động vật có vỏ).
Việc phân chia thực phẩm này dựa trên mối liên hệ của chúng với bệnh tim. Những người tham gia thử nghiệm được cho ăn thoải mái, không cần tuân theo chế độ nào. Sau các lần đo, ở những mốc cách 7 năm, kết quả APDQS được ghi lại.
APDQS dựa trên các thuật toán xác định trước để định lượng thức ăn và chất dinh dưỡng ăn vào so với các khuyến nghị dinh dưỡng. Mỗi thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng được ấn định một trọng số, sau đó tính tổng. Kết quả, những người đạt điểm APDQS cao hơn, có xu hướng ăn nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, vốn có lợi cho sức khỏe. Trong khi những người đạt điểm thấp hơn thường có chế độ ăn nhiều thực phẩm bất lợi hơn.
Trong suốt hơn 30 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 289 người tham gia vào nghiên cứu đã phát triển bệnh tim (bao gồm đau tim, đột quỵ, suy tim, đau ngực liên quan đến tim hoặc tắc nghẽn động mạch). Họ cũng phát hiện ra rằng, 20% số người có điểm APDQS cao nhất, là những người ăn nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe, ít có nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 52%.
Trong khi đó, từ năm thứ 7 đến năm 20 của nghiên cứu, những người trong độ tuổi từ 25 đến 50, nếu cải thiện chế độ ăn uống theo huống có lợi, nghĩa là sử dụng nhiều thực vật hơn, sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh tim hơn 61%.
Do số lượng người ăn chay trường gần như không tham gia vào nghiên cứu, nên các nhà khoa học không thể đánh giá lợi ích cụ thể có của một chế độ ăn chay nghiêm ngặt, không bao gồm thịt và cá.
Yuni Choi, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Không nghi ngờ gì nữa, một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, tập trung vào thực vật có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tất nhiên, chế độ ăn này không nhất thiết phải là ăn chay. Mọi người có thể lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật gần gũi với tự nhiên nhất có thể, không qua chế biến nhiều. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ mọi người có thể bổ sung các sản phẩm từ động vật một cách vừa phải, chẳng hạn như thịt gia cầm, cá không rán, trứng và sữa ít béo”.
Đồng tác giả David Jacobs bày tỏ: “APDQS rất rõ ràng trong việc nắm bắt chất lượng tổng thể của chế độ ăn uống, nhờ sử dụng 46 nhóm thực phẩm riêng rẽ. Qua đó, chúng tôi đủ sức mô tả toàn bộ chế độ ăn uống của đại bộ phận dân cư. Hệ số APDQS rất toàn diện và nó có nhiều điểm tương đồng với các chế độ ăn kiêng phổ biến hiện nay".
Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ hồi tháng trước cho thấy, ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích và giăm bông có thể làm tăng đáng kể sự phát triển bệnh tim.
Phân tích dữ liệu từ 13 nghiên cứu khác nhau, liên quan đến khoảng 1,4 triệu người trên khắp hành tinh, nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện ra rằng, cứ ăn 50g thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt xông khói, giăm bông và xúc xích, nguy cơ mắc bệnh tim hoặc các biểu hiện liên quan tới mạch vành sẽ tăng 18%. Đối với thịt chưa qua chế biến như thịt lợn, thịt cừu và thịt bò, nguy cơ tăng khoảng 9% so với chế độ ăn không có thịt đỏ. Ngoài ra, nhóm không phát hiện nguy cơ nào liên quan giữa ăn thịt gia cầm với các biểu hiện gia tăng bệnh tim ở các lứa tuổi.
Những nghiên cứu trên đồng nhất quan điểm, là không điều tra nguyên nhân bệnh tim. Họ chỉ chú trọng vào việc tìm mối liên quan giữa nguy cơ gây bệnh tim với nồng độ chất béo bão hòa trong thịt đỏ và muối trong thịt chế biến.
Bảo Thắng
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã