Học tập đạo đức HCM

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng

Thứ ba - 30/10/2012 20:12
Hà Tĩnh là một trong 28 tỉnh, thành phố của cả nước có biển. Những năm gần đây, kinh tế biển đã đưa lại một nguồn lợi lớn. Tiềm năng, thế mạnh về biển không những giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập trực tiếp cho ngư dân mà còn mở ra hàng loạt dịch vụ đi kèm, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, để đánh bắt, khai thác hải sản và đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hậu cần nhằm phát huy đối đa lợi thế, tiềm năng kinh tế biển thì còn nhiều việc phải làm…

 

Ngư dân Cẩm Nhượng - Khát vọng vươn tới khơi xa

Vùng quê Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên có truyền thống lâu đời về nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Cuộc sống của biết bao gia đình, từ đời này qua đời khác gắn liền với biển như người nông dân các vùng khác gắn bó với đồng ruộng. Nhưng đến bây giờ, phần nhiều ngư dân vẫn phải dùng phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ, quanh quẩn ven bờ, xa hơn thì chỉ đến vùng lộng. Khát vọng lớn, nhưng do nhiều nguyên nhân đã tạo nên rào cản, làm cho ngư dân Cẩm Nhượng chưa có cơ hội vùng vẫy ngoài khơi xa…

Khi bình minh ló rạng hay lúc ráng chiều buông xuống, Cửa Nhượng nhộn nhịp, hổi hả bởi tàu, thuyền nối đuôi nhau vào - ra tấp nập. Biển khơi bao la, hào phóng nhưng phương tiện đánh bắt thì lại chưa đủ điều kiện để chinh phục. Trăm sự là do “cái khó bó cái khôn” đành phải làm ăn theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột con”. Có ngư dân buột miệng rằng, không biết khi mô thì dân Cẩm Nhượng có đủ điều kiện đóng tàu công suất lớn để đánh bắt… xa làng! Chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước khát vọng của bà con. Mỗi khi nhìn thấy đội tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh bạn, càng hiểu hơn nỗi lòng của ngư dân Hà Tĩnh.

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng

Nhộn nhịp bến cá Cẩm Nhượng

Với ngư trường xa bờ, nguồn lợi hải sản vẫn còn nhiều lắm. Bởi vậy, nhu cầu đóng mới tàu, thuyền công suất lớn trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Theo tính toán của ngư dân Cẩm Nhượng thì để sắm được một bộ tàu, thuyền công suất 90 CV, phải có khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.

Rong ruổi từ đầu làng đến cuối xã, chúng tôi tìm hiểu mới biết số hộ có đủ tiềm lực để đóng mới một chiếc thuyền trị giá từng ấy tiền là rất ít. Cả xã chỉ có anh Lại Thế Sơn ở thôn Lâm Hoãn, xã Cẩm Nhượng là người dám cắm hết bìa đất vay hàng trăm triệu vốn ngân hàng để đóng hai chiếc tàu có công suất 74 CV và 89 CV. Theo anh Sơn, mặc dù sở hữu hai chiếc tàu lớn nhất trong tổng số 167 chiếc tàu, thuyền của ngư dân Cẩm Nhượng, nhưng năng lực đánh bắt cũng chỉ quanh quẩn phạm vi lãnh hải chừng 60 đến 70 hải lý, chứ chưa thể vươn đến được vùng xa hơn. Tuy nhiên, với 10 thuyền viên, sau mỗi chuyến “cưỡi sóng đạp gió” khoảng 1 tuần, đôi tàu của anh thu về gần 150 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi khá cao.

Ở khơi xa, ngư dân có thể đánh bắt được các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó có nhóm “chim, thu, bù, ngứa”, bốn loại cá mà nếu chỉ quanh quẩn ở vùng lộng trở vào thì không thể đánh bắt được. Anh Sơn cũng cho biết, sau 20 năm vắng bóng, gần đây, ngư trường xa bờ đã xuất hiện trở lại loài cá “trích lầm” hay “lầm vàng”. Mặc dù giá chỉ khoảng 15.000 đồng/1kg nhưng do số lượng nhiều, lại dễ tiêu thụ nên đánh bắt loài cá này có thu nhập đáng kể.

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Phần lớn tàu thuyền của Cẩm Nhượng đều chưa đủ sức vươn tới khơi xa

Người ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường”, kể cả chuyện làm ăn trên biển. Bởi vậy mà điều trăn trở nhất hiện nay của anh Sơn là cả xã Cẩm Nhượng mới chỉ có một đội tàu khai thác xa bờ nên nhiều khi cảm thấy lẻ loi, đơn chiếc, yếu thế giữa biển khơi. Khi thuận buồm xuôi gió thì không sao, chứ lúc xẩy ra các tình huống bất trắc thì không biết xử lý như thế nào. Muốn bám trụ lâu dài được với nghề biển thì phải nghĩ đến đánh bắt xa bờ và tất nhiên không thể thiếu phương tiện, ngư cụ đủ quy chuẩn, đi kèm dịch vụ hậu cần đáp ứng. Đặc biệt là hình thành các phường, tổ, đội để hỗ trợ lẫn nhau không chỉ lúc biển động mà cả trong mọi tình huống.

Ngày 09/8/2011, UBND Tỉnh ban hành Quyết định 24 về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp đó, ngày 11/6/2012, UBND Tỉnh cũng đã có Quyết định 26 về hỗ trợ lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất từ nguồn chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngư dân có nhu cầu đánh bắt xa bờ có cơ hội tiếp cận với các chính sách mới này.

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Với mức hỗ trợ theo Quyết định 26, nhiều ngư dân Cẩm Nhượng sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ

Vậy nhưng khi triển khai thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Các chính sách có mức hỗ trợ khá lớn nhưng lại được điều chỉnh đối với các phương tiện tàu, thuyền có công suất từ 90 CV trở lên. Trong khi đó, khả năng của phần lớn ngư dân chỉ có thể mua sắm hoặc đóng mới loại tàu từ 90 CV trở xuống, vừa thông dụng, lại phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại. Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền khẳng định: “Bà con ngư dân địa phương rất muốn đóng tàu có công suất hàng trăm CV trở lên. Nhưng trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay thì chưa thể thực hiện được. Nếu như chính sách đi việc hỗ trợ những tàu thuyền nhỏ để họ vươn lên thì ngư dân sẽ tích lũy được nguồn cho ước mơ đóng mới hoặc mua sắm tàu, thuyền công suất lớn để vươn ra khơi xa”.

Đối với ngư dân Cẩm Nhượng, mỗi lần ra khơi hay về bến lại có khó khăn riêng. Việc xây dựng tuyến đê biển, bên cạnh có tác dụng chống triều cường, xói lở, xâm thực thì nó cũng trở thành bức tường chắn tạo nên các bãi bồi dọc theo bờ. Qua nhiều năm không được nạo vét, các bãi bồi này đã gây trở ngại cho tàu, thuyền mỗi khi ra vào bến, thậm chí có thể gặp rủi ro, đặc biệt là những ngày biển động. Khó khăn này khiến nhiều ngư dân Cẩm Nhượng đã có ý định đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ nhưng rồi đành phải tạm gác lại.

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Đê biển, bên cạnh tác dụng chống triều cường gây xói lở... thì nó cũng trở thành bức

tường chắn sóng tạo nên các bãi bồi dọc theo bờ làm cạn luồng lạch

Ông Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Liên Thành, xã Cẩm Nhượng, trước đây có chiếc thuyền công suất 45 CV. Mỗi lần ra biển, gặp gió cấp 6 cấp 7 là lo vì thuyền nhỏ không chịu nổi. Nhiều lần, ông muốn đầu tư mua hẳn chiếc thuyền công suất 90CV nhưng rồi lại đắn đo, suy nghĩ do cửa lạch cạn quá, nếu không may bị nạn thì lấy đâu tiền mà trả nợ. Vì vậy, ông Hoàng chỉ dám mua chiếc thuyền 60CV, mà loại thuyền có mức công suất này thì lại không thuộc diện được hỗ trợ.

Và như vậy, hàng loạt văn bản, chính sách hỗ trợ của tỉnh vẫn chưa đủ để làm sáng lên bức tranh phát triển nghề cá truyền thống của Cẩm Nhượng khi ngư dân ở đây đang lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Thiết nghĩ, một sự nghiên cứu và điều chỉnh chính sách phù hợp; một chiến lược đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch, bến bãi trên quy mô lớn… là những động thái cực kỳ cấp thiết trong thời điểm hiện nay để mở rộng đường cho ngư dân xa khơi bám biển, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương; vừa góp phần giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Hội - “khoảng trống” dịch vụ hậu cần nghề cá

Chỉ cách nhau đôi bờ dòng Cửa Hội, bến cá phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò - trung tâm của hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất bốn mùa sôi động. Còn bên này, tuy được gọi là bến cá Xuân Hội - Nghi Xuân, Hà Tĩnh lại hoàn toàn khác. Cảng cá Xuân Hội chưa hoàn thành. Mọi dịch vụ nghề cá chỉ là con số không. Bởi vậy, mỗi năm có hàng ngàn tấn sản phẩm của ngư dân Xuân Hội chảy vào kho chứa của Nghệ An. Trớ trêu thay, khi không đánh bắt được, ngư dân Xuân Hội lại phải qua Nghệ An mua chính sản phẩm của mình…

Chúng tôi đến Bến cá Nghi Hải - Thị xã Cửa Lò vào một ngày biển động. Lân la trò chuyện mới biết, trong số những khách hàng giao dịch, thu mua các mặt hàng hải sản ở đây, có nhiều người đến từ Nghi Xuân. Từ những ông chủ, bà chủ của những sạp hàng hải sản lớn đến những người “buôn thúng bán mẹt”, họ đến đây để mua lại chính sản phẩm của mình đánh bắt từ biển khơi.

Chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội nói rằng, khi đàn ông đánh bắt về, phần lớn tôm, cá phải đưa sang Nghệ An bán đổ, bán tháo chứ không thể để lâu được. Đến lúc cần lại phải sang đó mua về để bán. Giá cả thì bị các đầu nậu chèn ép, đi lại thì chi phí tăng lên. Biết thế nhưng đành phải chấp nhận.

 

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Một ngày tại Chợ cá Cửa Lò

 

Người đánh cá Xuân Hội đến mua cá trên đất Nghệ An, nghe có vẻ ngược đời. Nhưng đó là một sự thật hiển nhiên lâu nay, nhất là mỗi khi biển động, tàu thuyền không thể bám biển.

Với gần 150 chiếc tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó có 22 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt hàng năm của ngư dân Xuân Hội khá lớn. Trong điều kiện đánh bắt thuận lợi, mỗi ngày ngư dân Xuân Hội có thể thu được hàng trăm tấn hải sản các loại.

Ra đi từ Xuân Hội, nhưng sau nhiều ngày bám biển, những chiếc tàu chở đầy ắp cá, tôm lại nhằm thẳng hướng bến cá Nghi Hải - Thị xã Cửa Lò để xả hết hàng rồi mới quay trở lại “neo đậu bến quê”.

Chúng tôi đã đi khắp các thôn, xóm trên địa bàn Xuân Hội mà vẫn không thấy kho cấp đông để cất trữ, bảo quản. Cơ sở chế biến cũng không. Bởi vậy, khi nguồn hải sản dồi dào, ứ đọng, bị các tư thương tỉnh bạn o ép, không còn con đường nào khác, ngư dân Xuân Hội phải bán đổ bán tháo với giá bọt bèo để tiếp thêm nhiên liệu và nhu yếu phẩm cho những chuyến ra khơi mới.

Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều nhưng mấu chốt vẫn là chúng ta vẫn còn thiếu vắng một hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín để thu hút và tận dụng triệt để một khối lượng lớn nguồn lợi hải sản do ngư dân địa phương làm ra.

Trong khi mọi dịch vụ hậu cần nghề cá của Xuân Hội còn là con số không thì ở Phường Nghi Hải - Thị xã Cửa Lò có đầy đủ từ A đến Z. Không phải bây giờ mà từ lâu, nghịch lý này đã làm cho bà con ngư dân ở đây thiệt đơn thiệt kép. Người dân Xuân Hội trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng thu lãi không được bao nhiêu, vì tất cả các nhu cầu về dịch vụ hậu cần nghề cá đều phải sang Nghệ An để mua.

Cuối cùng là các đầu nậu ở tỉnh bạn không phải vất vả mà vẫn được hưởng lợi nhuận lớn. “Trông người mà ngẫm đến ta”, giá như cầu cảng và hạ tầng dịch vụ nghề cá tại Xuân Hội được hoàn thiện thì người dân nơi đây không phải chịu thiệt thòi như thế. Qua khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ thiếu nơi cất trữ và bảo quản sản phẩm, các dịch vụ hậu cần nghề cá khác như trạm cung cấp xăng, dầu, nhà máy sản xuất đá lạnh, nhà máy chế biến sản phẩm cũng không có, vì thế mà đang từng ngày làm thất thoát một khối lượng lớn hải sản của ngư dân ở đây.

Không những thế, do thiếu dịch vụ hậu cần nghề cá nên không khuyến khích phát triển được các dịch vụ sản xuất, chế biến, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động nhàn rỗi trên bờ, nhất là lao động nữ.

Ông Lê Hồng Ngọ ở thôn Hội Thủy - một ngư dân sở hữu 2 đôi tàu đánh bắt xa bờ, có những chuyến ra khơi khai thác được 30 tấn cá nục. Ông Ngọ cho biết, nếu lượng cá này được chế biến thành phẩm như: nước mắm, bột cho chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ đạt giá trị từ 35 đến 40 triệu đồng. Nhưng khi bán sỉ cho tư thương ở Nghệ An, trung bình mỗi kg được 5 ngàn đồng. Tính chung chỉ thu được vỏn vẹn 15 triệu đồng. Mong ước của ông Ngọ là đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến bột cá để nâng cao giá trị sản phẩm nhưng lâu nay vẫn ì ạch. Nguyên nhân là do hạ tầng dịch vụ cầu cảng chưa hoàn thiện nên ông không dám đầu tư. Thực tế có nhiều người cũng muốn đầu tư vào chế biến như ông Ngọ nhưng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá chưa có nên chưa ai dám bỏ vốn để làm, vì sợ gặp nhiều rủi ro.

Với tiềm năng lợi thế của một địa phương có 4km bờ biển, luồng lạch vào - ra dễ dàng, Xuân Hội đã được tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng cảng cá có quy mô lớn và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi để địa phương này phát huy nghề truyền thống bằng cách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng khâu chế biến hải sản, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Ngoài cầu cảng đã cơ bản hoàn thành, tất cả các hạng mục khác của dự án dịch vụ hậu cần nghề cá của Xuân Hội đến nay đều trong tình trạng dở dang hoặc chưa được tiến hành.

 

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thi công, ngoài cầu cảng đã cơ bản hoàn thành, còn tất cả các hạng mục khác của dự án đến nay đều trong tình trạng dở dang hoặc chưa được tiến hành.

Khi khu dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được xây dựng, các cơ sở dịch vụ hậu cần như dầu đi-ê-zen, đá lạnh, ngư cụ và các nhu yếu phẩm khác chưa có thì cầu cảng vẫn không thể là “bến đợi” của các con tàu sau mỗi chuyến ra khơi. Điều dễ thấy là ngư dân Xuân Hội vẫn phải ngậm ngùi mua tôm, mua cá của chính mình trên đất bạn. Nguồn lao động dồi dào trên bờ thì trở nên nhàn rỗi, kéo theo đó là nhiều vấn đề nảy sinh.

Làm việc với lãnh đạo địa phương, chúng tôi được biết, ước tính bình quân mỗi năm sản lượng đánh bắt hải sản của Xuân Hội đạt trên dưới 5.000 tấn. Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Võ Văn Tùng tính toán, do không có dịch vụ hậu cần nghề cá nên với số lượng trên, ngư dân địa phương bị thiệt hại mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng.

Trong Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, xã Xuân Hội đã có định hướng cụ thể về khai thác và chế biến hải sản. Theo đó, củng cố số lượng tàu thuyền, nhất là các đội tàu đánh bắt xa bờ và mở rộng ngư trường. Coi trọng các khâu dịch dụ trên bờ, bảo đảm phát triển nghề truyền thống theo kịp nhu cầu thị trường.

Định hướng thì đã rõ. Tuy nhiên liệu có sớm trở thành hiện thực thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là đầu tư tương xứng, làm đòn bẩy cho quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương. Trước mắt là tranh thủ nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công cảng cá và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Mong sao không lâu nữa, sau những ngày lênh đênh trên biển, bến bờ quê hương là nơi neo đậu an toàn, chứa đầy niềm vui của những lão ngư đất Xuân Hội. Đặc biệt là bà con không phải vất vả, chịu nhiều thiệt thòi như lâu nay do trống vắng dịch vụ, hậu cần nghề cá.

Dịch vụ hậu cần nghề cá Thạch Kim - cơ hội lớn, nguồn vốn nhỏ

Không phải bây giờ mà từ lâu, cùng với khai thác, đánh bắt hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã ra đời và phát triển khá mạnh. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, nghề truyền thống đánh bắt hải sản và các dịch vụ đi kèm ở xứ biển Thạch Kim đang đứng trước những khó khăn trông thấy. Nan giải nhất là nguồn vốn tín dụng để nâng cấp, xây dựng, mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá qui mô lớn hơn, nhằm đáp ứng với yêu cầu năng lực đánh bắt của bà con ngư dân địa phương.

Đến Thạch Kim, điều dễ nhận thấy là không khí sôi động của các dịch vụ kinh doanh và chế biến hải sản. Trong khi ở nhiều địa phương vùng biển trong tỉnh, sản phẩm khai thác, đánh bắt về còn phải loay hoay tìm thị trường tiêu thụ và ngư dân thường chịu thiệt thòi do bị tư thương ép giá thì ở Thạch Kim lại khác. Lượng hải sản đánh bắt được thường không đủ cung cấp cho các kho cấp đông cũng như các cơ sở chế biến trên địa bàn.

 

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Cảng cá được xây dựng, cùng với hệ thống dịch vụ hậu cần ghề cá khá hoàn thiện đã tạo điều kiện cho các dịch vụ kinh doanh và chế biến hải sản ở Thạch Kim phát triển mạnh

 

Hiện nay, toàn xã có 12 kho cấp đông chứa hàng ngàn tấn hải sản, hoạt động liên tục. Các dịch vụ khác đi kèm qui mô khá lớn gồm có 1 HTX chế biến nước mắm, với sản lượng đạt 360.000 lít/năm, 3 cơ sở chế biến ruốc kem, sản lượng 300 tấn/năm và 8 cơ sở sản xuất đá lạnh. Cùng với đó còn có nhiều cơ sở nhỏ, lẻ chế biến nước mắm, ruốc, nướng cá… với tổng doanh thu mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định.

Sở dĩ hoạt động dịch vụ, hậu cần nghề cá, nhất là khâu chế biến phát triển khá mạnh là vì từ lâu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhìn rõ và có chiến lược hoạch định tổng thể. Lâu nay, đánh bắt nguồn lợi hải sản luôn được các hoạt động trên bờ đảm đương khâu hậu cần một cách khá kịp thời và đồng bộ. Mặc dù qui mô chưa lớn nhưng nhờ sự liên kết này mà trong những năm qua, kinh tế biển của Thạch Kim đã giảm được thiệt hại đáng kể do thiếu các khâu dịch vụ trên bờ.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang tác động trực tiếp đến hoạt động của cả nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản- một thế mạnh đặc thù của Thạch Kim.

Điệp khúc “thiếu vốn” bây giờ khá phổ biến đối với hầu hết các đơn vị, các cơ sở SX-KD thuộc hầu hết các lĩnh vực. Riêng đối với các cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề cá trên địa bàn thì đây thực sự là một trở ngại lớn. Do thiếu vốn để quay vòng tính chuyện làm ăn lớn nên các cơ sở nhỏ thì SX-KD co cụm, còn các hợp tác xã, các cơ sở qui mô khá hơn thì chỉ hoạt động cầm chừng, không dám đầu tư xây dựng và củng cố thương hiệu.

Quyết định 26 của UBND Tỉnh về hỗ trợ lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được người dân Thạch Kim quan tâm và đặt nhiều hy vọng. Vậy nhưng khi triển khai, áp dụng thì lại gặp những khó khăn nhất định. Biểu hiện cụ thể là, nguồn kinh phí HTLS được phân bổ có hạn trong khi nhu cầu tiếp cận vốn rẻ của người dân rất lớn. Các hộ có quy mô sản xuất lớn đặt nhiều hi vọng về chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng cơ hội đến với họ lại quá nhỏ bé.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đến Hợp tác xã chế biến nước mắm Thọ Vân. Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX này đã khẳng định được hướng đi của mình bởi thương hiệu khá nổi tiếng. Từ chỗ sản phẩm chỉ tiêu thụ trong phạm vi địa phương, nước mắm Thọ Vân áp dụng hình thức chế biến bằng năng lượng mặt trời đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

 

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Khó khăn lớn nhất của HTX chế biến nước mắm Thọ Vân hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn

 

Hiện nay, sản lượng nước mắm của HTX Thọ Vân ổn định ở mức 40.000 lít/năm. Theo bà Trần Thị Vân, Phó chủ nhiệm HTX chế biến nước mắm Thọ Vân thì khó khăn lớn nhất vẫn là việc tiếp cận nguồn vốn. Trong khi chưa có vốn của Nhà nước mà vay ngoài thì lãi suất rất cao. Vay ngân hàng lãi cũng cao nhưng số lượng cho vay không được nhiều. Vì thế mà chưa dám mở rộng qui mô sản xuất lớn hơn.

Với những người dân luôn có sẵn tư dung làm kinh tế này, QĐ 26 ra đời quả là một cơ hội vàng để phát triển quy mô sản xuất kinh doanh. Thế nhưng Thạch Kim lại không thuộc nhóm xã về đích sớm (do đất chật người đông nên các tiêu chí hạ tầng đang gặp bế tắc) vì vậy chỉ được phân bổ 37 tỷ đồng vốn HTLS. Đã vậy, trong phần HTLS cho các mô hình sản xuất nghề truyền thống theo QĐ 26 lại không quy định rõ quy mô sản xuất như thế nào sẽ được hỗ trợ. Bởi vậy, việc lựa chọn và phân chia nguồn HTLS cho các mô hình lại càng khó khăn hơn.

Nguồn vốn ít, trong khi nhu cầu cao, xã Thạch Kim dành sự ưu tiên nguồn cho các mô hình lớn và mới. Bởi vậy, với 37 triệu đồng được phân bổ, chỉ có 4 mô hình lớn được tiếp cận nguồn vốn rẻ. Rất nhiều hộ sản xuất, chế biến ở Thạch Kim đang chờ đợi việc bổ sung thêm nguồn HTLS để có điều kiện vay nguồn vốn rẻ.

 

Kinh tế biển Hà Tĩnh, nhìn từ những làng quê ven sóng
Nguồn vốn HTLS có hạn, Thạch Kim chỉ dành sự ưu tiên cho các mô hình sản xuất lớn và mới

 

Bên cạnh những nỗ lực để khơi thông nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là vốn ưu đãi để nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ nghề cá, Thạch Kim đã quy hoạch và xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung với diện tích 5,3 ha tại thôn Long Hải. Cùng với đó là vận động các cơ sở sản xuất nhỏ tổ chức thành lập HTX, tổ hợp tác để tạo sự liên kết trong SX-KD, tăng quy mô sản xuất, nâng số lượng cũng như chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng thời hình thành các mối liên kết sản xuất bền vững.

Hướng đi của Thạch Kim là phù hợp với chủ trương chung trong bối cảnh cả tỉnh đang dồn sức đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, với thực trạng khó khăn như hiện nay, trong đó có nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ, hậu cần nghề cá thì vẫn còn là một câu hỏi lớn ở phía trước.

Xuân Báu -Tiến Thành 
Theo baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay26,226
  • Tháng hiện tại801,504
  • Tổng lượt truy cập91,975,233
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây