Học tập đạo đức HCM

Phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp ở Vũ Quang

Thứ ba - 24/03/2015 20:55
Là huyện miền núi nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua, Vũ Quang đã nỗ lực, xây dựng và phát triển hơn 500 mô hình kinh tế nông nghiệp cho thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Xây dựng thương hiệu cam sạch

Trên đường về xã Ðức Lĩnh, nghe Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Việt Hùng trao đổi những chuyện "lạ" trong phát triển kinh tế mà mừng cho sự chuyển biến của huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Hà Tĩnh này. Ðó là chuyện ông Lê Ngọc Lâm và Lê Khánh Toàn tiên phong đầu tư lưới "mắc màn" cho cam. Theo tính toán, chi phí "mắc màn" này hết khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha và tuổi thọ của lưới từ năm đến sáu năm; bù lại cam ít bị bệnh, không bị các loại sâu bệnh phá hoại và không phải tốn kinh phí cho các loại hóa chất phòng trừ. Theo chân ông Lâm ra vườn, ngắm những cành cam lúc lửu quả vàng đỏ ẩn hiện trong lưới, trông khá lạ mắt nhưng vô cùng hấp dẫn bởi hai từ: cam sạch. Ông Lâm khoe: "Cam rất hợp với đất đồi pha sỏi cơm ở đây, cho quả vừa thơm vừa ngọt cộng với thương hiệu cam sạch nên thương lái tìm đến đặt mua trước với giá cao hơn thị trường từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg". Theo đồng chí Bùi Việt Hùng, tuy vốn đầu tư mua lưới là khá lớn nhưng để tạo dựng thương hiệu cam sạch, các địa phương đang động viên khuyến khích người dân từng bước "mắc màn" phủ kín diện tích cam.

Ðến nhà ông Nguyễn Hữu Thọ ở xóm Cừa Lĩnh có hai ha cam đang cho thu hoạch, chúng tôi gặp thương lái đến đặt mua cam chín muộn bởi ấhọ thích cam ngon và sạch bệnh của gia đình. Ông Thọ đã dùng bóng điện chăng khắp vườn để bẫy các loài sâu bọ, côn trùng... thiên địch vào ban đêm. Năm ngoái giá cam 30 nghìn đồng/kg, gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng, năm nay giá cao gần gấp rưỡi, ông sẽ dành một phần tiền bán cam để mua lưới trùm toàn bộ diện tích cam, nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ðức Lĩnh Nguyễn Xuân Tịnh: Nhờ huyện hỗ trợ 100% phần tiền cây giống cùng tập huấn kỹ thuật mà trong bốn năm qua, Ðức Lĩnh đã phát triển được hàng trăm ha cam; nhất là trong năm 2014, trồng mới gần 100 ha cam. Ðã có gần 150 hộ nông dân thu nhập từ cam, chanh từ 100 đến 500 triệu đồng/hộ/năm; cá biệt gia đình anh Trần Quốc Việt ở xóm Tân Hưng, ngoài việc thu hoạch khoảng bảy đến tám tấn cam/năm,còn tranh thủ được 200 triệu đồng tiền hỗ trợ cây giống của huyện trồng mới tám ha, hứa hẹn trở thành tỷ phú cam. Ðiều đáng mừng, nhiều gia đình ở đây đã ý thức việc tạo dựng thương hiệu cam sạch bệnh bằng các giải pháp như "mắc màn", thắp bóng điện hay dùng múi cam có tẩm thuốc làm "bẫy" để nhử các loài động vật gây hại...

Rời Ðức Lĩnh, chúng tôi đến vùng đồi Ðức Bồng, Sơn Thọ... đâu đâu cũng thấy người dân vui mừng vì cam trúng mùa, được giá. Từng đoàn xe máy thồ những thùng cam vàng chạy từ các trang trại ra đường Hồ Chí Minh. Trong căn nhà khang trang, khá đủ tiện nghi, anh Trần Nhật Hùng ở xóm 1, xã Sơn Thọ bộc bạch: "Cây cam đã làm cho cuộc sống gia đình tôi đổi thay hoàn toàn". Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhận thấy giá trị kinh tế của cây cam cho nên vợ chồng anh Hùng đã gây dựng dần được đồi cam hơn hai ha; bình quân mỗi vụ cam thu gần 200 triệu đồng. "Vụ cam năm nay tiếp tục được mùa. Tính đến nay, chỉ riêng cam chanh, cam đường gia đình đã bán được gần 100 triệu đồng. Cam bù trồng nhiều nhất, giá bán lại cao thì phải chờ vào dịp Tết mới cho thu hoạch". - anh Hùng vui vẻ cho biết.

Tuy là huyện miền núi nghèo, mỗi năm Vũ Quang trích ngân sách vài tỷ đồng để hỗ trợ tiền cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ trồng cam. Ðến nay, huyện đã phát triển được hơn 1.500 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam các loại. Hộ trồng ít thì vài ba sào, nhiều thì bốn đến năm ha cam. Lãi trung bình của các hộ trồng cam đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/năm; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Với đà này, trong vài năm tới, Vũ Quang sẽ trồng 3.000 ha cây cam theo quy hoạch. "Quan trọng nhất lúc này là xây dựng thương hiệu cam sạch Vũ Quang". - đồng chí Bùi Việt Hùng nói.

Ưu tiên cho chăn nuôi chất lượng cao

Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Phạm Hữu Bình cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng Ðề án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới, sau những lúng túng ban đầu, Vũ Quang đã chọn cho mình hướng đột phá trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Trong chăn nuôi, ưu tiên số 1 là phát triển trang trại nuôi lợn siêu nạc và bò lai ngoại. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của tỉnh, Vũ Quang cũng có cơ chế mạnh để hỗ trợ cho người dân có điều kiện phát triển. Chẳng hạn, hộ nuôi từ 5 đến 20 con bò lai cùng diện tích trồng cỏ (200 m2 cỏ/con) thì huyện hỗ trợ tương ứng từ 15 đến 30 triệu đồng/hộ để làm chuồng, mua giống cỏ; hay mô hình nuôi từ 20 đến 500 con lợn siêu nạc trở lên theo hình thức HTX, tổ hợp liên kết được hỗ trợ từ 15 đến 100 triệu đồng làm chuồng... Riêng năm 2014, huyện đã hỗ trợ nông dân gần 10 tỷ đồng để phát triển mô hình nông nghiệp chủ yếu là phát triển chăn nuôi. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2014, huyện Vũ Quang thu ngân sách đạt hơn 35 tỷ đồng. Ði cùng với đó, huyện đã vận động cán bộ, đảng viên làm trước có hiệu quả rồi mới tuyên truyền để người dân làm theo. Còn nhớ hồi tháng 9-2010, tranh thủ các khoản hỗ trợ của tỉnh và huyện cùng tiền vay, Bí thư Ðảng ủy xã Hương Minh Phạm Văn Ðức khánh thành trại nuôi lợn có quy mô lớn (500 con/lứa) đầu tiên của huyện theo mô hình liên kết với Tổng công ty Mitraco Hà Tĩnh. Rất đông cán bộ huyện, xã và người dân đến tham quan, học hỏi. Sau thành công của đồng chí Ðức, một loạt cán bộ lãnh đạo các xã và những nông dân cũng lập dự án triển khai nuôi lợn liên kết với các doanh nghiệp. Những nông dân không có khả năng nuôi lớn, huyện tạo điều kiện cho họ nuôi liên kết nhỏ theo dạng tổ hợp tác (từ 10 đến 15 hộ) và nuôi từ 20 đến 50 con/hộ. Ðối với mô hình này, huyện hỗ trợ từ 10 đến 30 triệu đồng/hộ làm chuồng, bể bi-ô-ga, con giống. Ðến thăm mô hình của ông Nguyễn Trọng Tài ở thôn Bình Phong (Ðức Lĩnh), chủ nhà mừng rỡ khoe: Thời gian nuôi lứa đầu mất 98 ngày xuất bán được 230 triệu đồng, thu lãi hơn 35 triệu đồng; lứa thứ hai sau 90 ngày lợn phát triển tốt cho nên ít hôm nữa có thể xuất chuồng. Ông Tài cho biết thêm: Thông qua mô hình nuôi liên kết, doanh nghiệp lo giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; chúng tôi chỉ lo đầu tư chuồng trại và chăm sóc. Ðược biết, nhà ông Tài đầu tư 65 triệu đồng làm chuồng, bể bi-ô-ga, trong đó huyện hỗ trợ 26 triệu đồng.

Ðầu năm 2014, mô hình tổ hợp nuôi lợn quy mô nhỏ cũng được triển khai thí điểm ở xã Hương Minh, và sau đó được nhân rộng ra các địa phương. Ðến nay, nhiều địa phương ở huyện Vũ Quang đã "bùng nổ" mô hình nuôi liên kết nhỏ này, nhưng do doanh nghiệp cung cấp con giống không đủ cho nên vẫn còn tình trạng chuồng... chờ giống. Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Hữu Bình, để phát triển nhanh đàn lợn siêu nạc, chất lượng cao, phải từng bước chủ động giống lợn trên địa bàn, huyện đã hỗ trợ 500 triệu đồng (chưa kể nguồn hỗ trợ của tỉnh) khuyến khích một doanh nghiệp ở xã Ân Phú đầu tư trại lợn giống quy mô 600 con nái; và đã quy hoạch thêm một số trại giống quy mô từ 500 đến 600 con nái nữa để có thể đáp ứng khoảng 50% nhu cầu con giống trên địa bàn. Bên cạnh việc đầu tư, nhân rộng đàn lợn, huyện Vũ Quang sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển đàn bò lai ngoại (Ca-na-đa, Thái-lan) hướng đến chăn nuôi thật sự là ngành mũi nhọn của huyện.

Ðáng mừng hơn, sau bốn năm xây dựng nông thôn mới, với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh cùng sự cố gắng vượt lên của cán bộ, đảng viên và người dân, huyện Vũ Quang đã tạo dựng được hơn 500 mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Ðây chính là bước tạo đà mới giúp huyện miền núi nghèo của tỉnh Hà Tĩnh vươn lên.

Thành Châu
Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập580
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại849,206
  • Tổng lượt truy cập92,022,935
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây