Học tập đạo đức HCM

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông dân

Chủ nhật - 02/09/2012 22:03
Trong khi rất nhiều địa phương, sản phẩm hàng hóa của nông dân làm ra không định hình được đầu ra, người dân sản xuất trong điều kiện được chăng hay chớ thì ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà), cùng với chỉ đạo xây dựng mô hình trồng rau - củ - quả an toàn, chất lượng cao, địa phương đã tích cực tìm được thị trường tiêu thụ ổn định để nông dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Vui, buồn những ngày mở hướng đi mới

Cùng với ông Dương Kim Huy - Phó chủ tịch UBND xã Tượng Sơn đi tham quan những cánh đồng rau màu an toàn, chất lượng cao đang thời kỳ thu hoạch ngút tầm mắt; chứng kiến sự phấn khởi của bà con nông dân thoăn thoắt tay hái trên những luống bí, ruộng cà, chúng tôi như quên hết những gian khó, lao đao của họ trong những ngày vất vả vật lộn tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Là địa phương được lựa chọn sản xuất rau hàng hóa theo Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VIETGAP), Tượng Sơn đã triển khai thực hiện thành công mô hình đầu tiên trên 2 ha tại thôn Trung Lập.

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông dân

Những ngày đầu triển khai mô hình sản xuất rau - củ - quả chất lượng cao ở Tượng Sơn

Với việc áp dụng khắt khe qui trình sản xuất, sản phẩm của xã vừa được mùa vừa được giá; sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ dàng. Vụ đầu tiên, chỉ tính sơ bộ giá trị thu nhập từ mô hình sản xuất mới đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha.

Từ kết quả khả quan này, vụ đông xuân 2011-2012, xã tiếp tục triển khai thêm 3 mô hình ở các thôn Bắc Bình, Trung Tiến, Bắc Giang, đưa diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VIETGAP lên 15,2 ha.

Có thể nói, bước đột phá về quy mô sản xuất cũng như thắng lợi về năng suất và sản lượng ở mô hình rau - củ - quả chất lượng cao là một thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng NTM của Tượng Sơn.

Song cũng từ đây, điệp khúc “được mùa mất giá” đã lặp lại khi sản phẩm ngồn ngộn trên cánh đồng mà thị trường tiêu thụ lại quá mờ mịt; niềm vui được mùa của nông dân đã sớm thế chỗ cho nỗi lo ế ẩm.

Để bán được sản phẩm mồ hôi nước mắt, người dân phải lao tâm khổ tứ đủ mọi hình thức. Đầu vụ còn dễ thở, còn càng vào vụ thu hoạch càng khốn đốn hơn. Sản phẩm bị tư thương ép giá đủ đường. Đưa đến chợ thì không có chỗ để bán. Để tránh bị xua đuổi, bà con phải có mặt tại chợ thành phố Hà Tĩnh từ 3-4 giờ sáng nhưng vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Bí xanh lúc đầu còn bán được từ 2,5 - 3.000đ/kg, nay phải bán ngang mỗi quả (3-5 kg) được 4 - 5 ngàn đồng. Không ít người đưa sản phẩm đến chợ, không bán được đành phải đổ xuống sông, xuống rãnh.

Và hành trình vươn tới những thị trường tiềm năng

Bây giờ, khi những trăn trở, nỗ lực đã đơm hoa kết trái trên những cánh đồng màu, ông Dương Kim Huy - Phó chủ tịch UBND xã Tượng Sơn không thể quên những ngày cả hệ thống chính trị của xã đã đồng hành với nông dân trong chỉ đạo sản xuất cũng như thực hiện hành trình gian nan tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông dân

Sản phẩm của bà con nông dân đã có thị trường tiêu thụ ổn định

Không “đem con bỏ chợ”; phải bằng mọi cách để giúp nông dân và cứu lấy thành quả bao lâu tìm kiếm và xây dựng, đó là phương châm hành động của Ban lãnh đạo xã trước những khó khăn chồng chất của bà con nông dân.

Sau những cuộc bàn bạc chóng vánh, chủ trương tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm rau màu được gấp rút triển khai. “Từ những chuyến “vi hành” cùng hành trình bán hàng của nông dân những buổi chợ đêm; được tận mắt chứng kiến những gian truân của họ, đã thôi thúc anh em khẩn trương vào cuộc để trước mắt là giúp cho những xe hàng của họ không phải quay về trong ấm ức; và quan trọng hơn là tạo sự yên tâm cho họ tiếp tục phát triển hướng đi mà xã cũng như huyện đã dày công tạo dựng”. Ông Dương Kim Huy bày tỏ.

Những ngày lênh đênh tìm kiếm đối tác mặc dù hết sức vất vả nhưng cũng đã đem lại cho những người “làm maketting” hàng rau - củ - quả của xã những kỷ niệm và bài học quý giá.

Như những người hành khất, anh em không quản ngại gần xa, cứ có chút hy vọng về thị trường tiêu thụ hàng hóa là ghé vào đặt vấn đề và tiếp thị sản phẩm.

Không chỉ lăn lộn ở các thị trường trong huyện, trong tỉnh, xã chủ trương mở rộng tìm kiếm đối tác ra các địa phương như: Thành phố Vinh, Diễn Châu, rồi ra tận Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng… Cùng với tiếp thị trực tiếp, xã cho đăng tin quảng cáo sản phẩm trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng… Và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng khi các công ty, cơ sở đầu mối thu mua, phân phối các mặt hàng nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở Hà Nội, Hải Phòng lần lượt đăng ký khảo sát và ký hợp đồng thu mua hàng với giá chính vụ đối với bí xanh 2.500-3.000đ/kg; dưa chuột 7.000đ/kg và sẽ nâng mức giá theo tình hình khan hiếm sản phẩm trên thị trường.

Những mùa quả ngọt

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KH&CN huyện Thạch Hà, đơn vị trực tiếp gắn bó với Tượng Sơn trong quá trình sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rất tâm đắc trước những những kết quả ngoài mong đợi mà lãnh đạo địa phương đã dày công thực hiện trong thời gian vừa qua.

Theo ông Sơn, mặc dù mới chỉ bước đầu, nhưng xã đã thực hiện được cú đảo ngược tình thế khá ngoạn mục. Thay vì trước đây, hàng ngày các chuyến xe từ khắp nơi chất ngất các loại rau củ đến với thị trường Hà Tĩnh, thì nay đã có hàng chục chuyến xe đưa sản phẩm rau củ của Hà Tĩnh “chảy ngược” ra các thị trường lớn, dồi dào, đa dạng như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, thành phố Vinh…

Đây chính là một sự ghi nhận xứng đáng về qui trình sản xuất khắt khe và chấp hành nghiêm túc các qui định về sản phẩm rau quả tươi an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam ở Tượng Sơn.

Cầm cả xấp card visit của các bạn hàng trong tay, Phó chủ tịch xã Dương Kim Huy vui vẻ cho biết, những ngày gần đây có thêm rất nhiều công ty đến xin đăng ký hợp đồng thu mua sản phẩm nhưng hiện tại xã chưa đủ nguồn sản phẩm để đáp ứng hết nhu cầu của các bạn hàng.

Có được đầu ra ổn định, ngoài các hộ dân đã và đang tham gia các mô hình cũ, nhiều hộ dân trong xã đang mong muốn được chuyển đổi và mở rộng thêm diện tích trồng rau màu để sản xuất.

Về phía địa phương, Phó chủ tịch xã Dương Kim Huy cho biết, bên cạnh triển khai thêm 30 ha rau màu theo mô hình đã thực hiện, xã đang có kế hoạch phát triển rau - củ - quả hàng hóa tại vườn gắn với phong trào thực hiện chương trình xây dựng NTM tại 2 thôn Thương Phú và Đài Phú, với mục tiêu đến năm 2015, toàn xã sẽ có 100 ha diện tích rau - củ - quả hàng hóa đáp ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.

TIẾN THÀNH
Nguồn:baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm236
  • Hôm nay38,686
  • Tháng hiện tại813,964
  • Tổng lượt truy cập91,987,693
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây