Theo nghề cơ khí từ năm 2003, anh Lê Hoàng Giang hiện là chủ cơ sở sửa máy móc cơ khí mang tên “Giang Phúc”. Nắm bắt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh 2 vụ lúa 1 vụ màu... nên năm 2013, anh Giang miệt mài tìm tòi, thiết kế và sáng chế ra chiếc máy đào đất chuyên dụng vừa nạo vét mương rãnh, đường nước nội đồng, vừa lên liếp cao ráo, bằng phẳng để phục vụ canh tác hoa màu. Với kích thước đào mương rãnh chiều ngang 33cm, chiều sâu 35cm và lên liếp cao từ 10 - 15cm, chiều ngang trên dưới 90cm. Bình quân mỗi giờ máy có thể đào rãnh và đắp đất lên 2 bờ liếp được 1.000m2, tiêu tốn nhiên liệu khoảng 2 lít dầu... Anh Giang cho biết: “Đây là chiếc máy được tận dụng chân máy liên hợp, bộ phận chạy bằng bánh xích, mình đã nghiên cứu gắn vô bông trục để xới đất lên cho nhuyễn, bổ sung thêm lưỡi cày để lấy đất lên, kết hợp hai cánh hai bên để máy có thể lên liếp song song... Công suất làm việc của máy tương đương 40 nhân công, tiết kiệm được phân nửa chi phí. Nếu chi phí 1.000m2 công đào khoảng 700.000 đồng, thì công đào bằng máy này chỉ khoảng 350.000 đồng”.
Hơn 2 năm nay, ông Tống Văn Tài ở ấp A, xã Phú Cường thường xuyên thuê anh Giang sử dụng chiếc máy đào rãnh, lên 2 bờ liếp để canh tác hoa màu. Vụ mùa này, ông Tài tiếp tục thuê anh Giang cải tạo 12.000m2 đất ruộng lúa để trồng dưa hấu. Ông Tài cho biết: “Chiếc máy này có ưu điểm là làm đạt, nhẹ chi phí, ít tốn thời gian. 12 công đất này làm khoảng cứng một buổi là xong”.
Để có được chiếc máy hoạt động hiệu quả trên, anh Giang đã trải qua thời gian dài miệt mài thiết kế, hàn tiện, lắp ráp với chi phí ban đầu 200 triệu đồng vốn mua vật tư, nguyên liệu. Bên cạnh chức năng đào rãnh, lên liếp chiếc máy còn có công dụng là trộn phân bón để rải cho cây trồng... Anh Giang đang có ý định sản xuất ra thêm nhiều máy như vậy để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh chia sẻ: “Bây giờ, tới mùa vụ là làm không kịp, tôi đang có ý định sản xuất thêm loại máy này. Rất mong các ngành chức năng hỗ trợ cho tôi khâu đăng ký bản quyền và nguồn vốn tôi để có điều kiện sản xuất ra nhiều máy bán cho bà con”.
Ông Phùng Công Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông bày tỏ: “Việc sáng chế máy đào mương, lên liếp của anh Giang bước đầu đạt hiệu quả, giúp cho bà con giảm chi phí đầu tư làm đất để trồng màu. Cụ thể là giảm chi phí so với làm tay khoảng 50% trên cùng một diện tích... Đây là một sáng kiến hay, cần được hỗ trợ về vốn, đăng ký bản quyền để phát huy nhân rộng phục vụ cho đại đa số nông dân”.
Anh Lê Hoàng Giang đã vinh dự được UBND tỉnh Đồng Tháp và huyện Tam Nông tặng thưởng Bằng khen và Giấy khen tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo trong lao động sản xuất năm 2015.
Nguồn: baodongthap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã