4 tháng “trắng đêm” chế tạo máy cày
Nông dân Lê Văn Thành (ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) có làn da rám nắng, khuôn mặt nhăn nheo, anh trông già hơn so với lứa tuổi 40 của mình. Nhắc về cuộc đời, anh Thành tóm tắt: “Sau khi tốt nghiệp tiểu học, cuộc sống quá khó khăn tôi nghỉ học theo cha làm thợ sửa chữa máy móc. Năm 1999, khi lập gia đình riêng, tôi bắt đầu hành nghề sửa xe máy kiếm sống qua ngày”.
Cách đây chừng 4 năm, đôi vợ chồng hiền lành có tên Đinh An - người đồng bào thiểu số ở ngôi làng Bana (xã Vĩnh An) than thở với anh Thành rằng việc làm ruộng quá khó khăn và tốn công. Trong câu chuyện hôm ấy, họ có nhờ anh tìm cách sáng chế máy cày để công việc mùa màng được thuận lợi hơn. Sau khi hỏi các yêu cầu, anh Thành bất ngờ gật đầu đồng ý.
Nông dân Lê Văn Thành bên sáng chế máy tách hạt của mình
“Ngày trước tôi đã từng theo cha học hỏi nên cũng có ít vốn luyến am hiểu về máy móc. Vì vậy, tôi muốn thử sức mình đến đâu, nếu thành công thì giúp đỡ cái khó của nông dân, còn thất bại cũng chẳng sao, coi như lần trải nghiệm. Bắt tay vào việc, sau 4 tháng mày mò lắp vào tháo ra liên tục, tôi đã trình làng chiếc máy cày trang bị động cơ xi-lanh dung tích 110 phân khối của xe Wave Alpha và giao tận nhà cho họ. Ngay tối hôm sau, người chồng đã mang đủ 7 triệu đồng đến trả cho tôi. Điều vui nhất là anh nông dân kia rất phấn khởi vì đám đất mà trước kia hai vợ chồng cày trâu mất 3 ngày thì với chiếc máy cày chỉ cần một ngày là xong”, anh Thành kể lại.
Sáng chế xe chở hàng khiến nhiều người thích thú
Chiếc máy cày này có kích thước nhỏ, phù hợp với những khu vực ruộng đồng có diện tích vừa phải, bị sình lầy… nên được người dân đồng bào miền núi rất ưa chuộng. Sau sản phẩm đầu tiên, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến nhà nông dân Thành để mua máy.
Năm 2016, cái tên Lê Văn Thành lại bất ngờ “nổi như cồn” vì anh chế tạo thành công và bán ra thị trường 15 chiếc máy bơm nước chạy bằng động cơ của xe Honda rất gọn nhẹ (nặng hơn 30 kg). Loại máy này dễ di chuyển để phục vụ cho những khu vực ruộng đồng không có hệ thống thủy lợi, địa hình khó khăn, điện không kéo đến nơi. Trong khi đó, giá thành lại rất phải chăng, mỗi máy bán ra với giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.
“Vua” sáng chế của nhà nông
Niềm đam mê sáng chế của nông dân Lê Văn Thành chưa dừng lại ở đó, giữa năm 2017, anh cho ra đời chiếc máy băm chuối gắn động cơ điện, có thể dùng để cắt rau, cây mía, cây mì với kích cỡ khác nhau, tùy theo sự cân chỉnh thích hợp của người sử dụng.
Đến cuối năm đó, anh lại tiếp tục sáng chế nên chiếc máy tách hạt bắp gọn nhẹ (có trọng lượng 130 kg), phù hợp với địa hình vùng đồi núi, hoạt động bằng máy dầu 8CV. Giá thành mỗi chiếc máy tách hạt bắp là 12 triệu đồng/chiếc.
“Đa số những sáng chế mà tôi làm ra đều xuất phát từ nỗi niềm của người nông dân bản địa. Cuộc sống khó khăn nhưng việc đồng áng bằng phương pháp thủ công đã khiến họ mất quá nhiều thời gian công sức, lời lãi lại không đáng bao nhiêu. Dân bản tin tưởng đến nhờ nên tôi phải làm hết khả năng để giúp họ, chứ có tài giỏi gì đâu”, anh Thành trải lòng.
Câu chuyện sáng chế của anh Thành luôn gắn liền với cuộc sống khổ cực của nông dân vùng quê nghèo. Những thứ anh làm ra đều xuất phát từ các trải nghiệm thực tế, công việc đơn giản mà anh chứng kiến hằng ngày.
Trong một ngày rong ruổi trên đường làng, nhìn những tốn kém, trắc trở của nông dân khi vận chuyển nông cụ, phân bón, đêm đó anh Thành mất ngủ. Anh dành rất nhiều thời gian để lên ý tưởng chế tạo xe cơ giới vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân.
“Nếu có xe 4 bánh thì sẽ thế nào nhỉ? Người nông dân có thể chở nhiều hàng hóa, phân bón ra đồng hơn, trong khi đó không còn chịu cảnh mệt mỏi gồng gánh nữa”, anh Thành nghĩ trong đầu.
Những sáng chế của anh Thành luôn gắn liền nông dân
Thế là, đầu năm 2018 anh Thành trình làng chiếc xe 4 bánh khiến cả làng trầm trồ, thán phục. Chiếc xe này được trang bị động cơ xi-lanh của xe Wave Alpha, có thể chạy tới hoặc chạy lùi đều được và có thể chuyên chở khoảng 700 kg – 1 tấn hàng. Anh rao bán chiếc xe với giá 12 triệu đồng, với những nông dân có hoàn cảnh khốn khó thì giá tiền này có thể hạ xuống.
“Xe chở hàng của tôi chạy tới và chạy lùi đều được nhờ có 2 bộ số kết hợp, điều khiển bằng tay như các xe bốn bánh nên rất thuận lợi trong vận chuyển. Có lẽ, niềm vui lớn nhất của tôi là làm ra các công cụ để hỗ trợ nông dân, tôi sẽ đeo đuổi việc này đến khi mình không còn sức lực nữa. Vì vậy, mỗi khi có người bán các loại xe máy cũ thì tôi mua ngay để bắt tay thực hiện dự án. Động cơ thì để chế tạo máy cày, máy bơm nước, xe chở hàng, các thiết bị còn lại của xe máy thì dùng để phục vụ cho công việc sửa xe”, anh Thành chia sẻ.
Với máu đam mê, sau ngần ấy năm sáng chế, tài sản lớn nhất của anh nông dân Lê Văn Thành là sự tin tưởng, nể phục của bà con, chòm xóm.
“Những sáng chế của anh Thành không vĩ đại, to lớn nhưng lại rất có ích với người nông dân “chân lấm tay bùn” như chúng tôi. Chính đường đời, lối sống gần gũi với người nông dân đã thôi thúc anh Thành làm được những chuyện khó tin đến vậy. Công nghệ, máy móc nông nghiệp thực sự đã rất gần với người dân ở bản làng xa xôi”, anh Đinh Xưa (44 tuổi) chia sẻ.
Chiếc xe sáng chế của nông dân Thành di chuyển trên đường
Điều đáng mừng là những sáng chế của nông dân Lê Văn Thành không chỉ được người dân, mà còn có cả ngành chức năng ghi nhận. Chiếc máy cày đạt giải Ba tại Hội Thi “Sáng tạo nhà nông” do Hội Nông dân tỉnh Bình Định và Sở KH- CN tỉnh phối hợp tổ chức năm 2015. Ngoài ra, máy bơm nước chạy bằng xăng đã đạt các giải Nhì tại hội thi năm 2017. Đó là những thành tích ghi nhận tất cả vất vả, khổ cực… mà nông dân Lê Văn Thành - chỉ tốt nghiệp bằng tiểu học đã trải qua.
“Những máy móc do anh Thành sáng chế rất hữu ích với nhà nông, giá thành lại thấp nên nông dân dễ dàng mua được. Chúng tôi mong sao cơ quan chức năng kiểm định, tạo điều khiện cho anh Thành có cơ hội phát huy các sáng chế hữu ích của mình”, ông Đào Minh Trung - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cho biết.
Tác giả bài viết: Dũ Tuấn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã