Ảnh hưởng đến năng suất
Những ngày này tại cánh đồng Mặt Vình, thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) nhiều nông dân đang phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho lúa. Ông Nguyễn Văn Luyện cho biết: “Hơn một mẫu lúa mùa nhà tôi đều nhiễm sâu bệnh, trong đó già nửa diện tích bị hại nặng. Từ đầu vụ đến nay tôi phải phun thuốc hai lần nhưng vẫn chưa yên tâm. Cứ đà này, năng suất lúa sẽ giảm so với năm ngoái”.
Tại các thôn khác trong xã như: Vườn, Hoa, Chùa, Am… lúa cũng trong tình trạng tương tự. Toàn xã có hơn 300/450 ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, sâu đục thân gây hại.
Xã Hương Lạc cũng có khoảng 200 ha lúa mùa nhiễm sâu bệnh. Gia đình bà Nguyễn Thị Hay, thôn Ba có 8 sào lúa bị sâu cuốn lá nhỏ, nhiều gấp đôi so với vụ mùa năm ngoái. Bà đã bỏ ra hơn 400 nghìn đồng mua thuốc trừ loại sâu này. Ngoài sâu bệnh, xã Hương Lạc còn có hơn 10 ha lúa bị chuột phá hại.
Ông Thân Văn Mỹ, thôn Rừng Chướng nói: “Mặc dù đã làm bả và bẫy bán nguyệt nhưng vẫn không diệt xuể. Tối hôm trước lúa xanh tốt, sáng hôm sau ra thăm đồng lại thấy từng vạt lúa bị đứt lìa thân, lá, nhìn mà xót ruột. Năm ngoái, lúa của một số hộ thất thu vì chuột hại”. Tính đến ngày 13-8, Lạng Giang có hơn 1.300 ha lúa mùa bị sâu bệnh, nhiều nhất là sâu cuốn lá nhỏ. Diện tích này tập trung ở các xã: Tân Dĩnh, Hương Lạc, Đào Mỹ, Mỹ Thái…
Theo tổng hợp của Chi cục BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có hơn 4 nghìn ha lúa bị chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh vàng lá, khô vằn gây hại. Trong đó, đáng ngại nhất là sâu cuốn lá nhỏ có mật độ trung bình 3-5 con/m2, cao 20-30 con/m2, cục bộ 100-120 con/m2.
Nguy cơ sâu bệnh trên diện rộng
Vụ mùa năm nay, sâu bệnh gây hại nặng hơn so với cùng kỳ năm trước là do từ vụ xuân đã có những yếu tố bất lợi về thời tiết kéo theo ảnh hưởng sang vụ mùa. Nhiều thời điểm trời âm u xen lẫn ngày nắng gắt là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại. Cùng đó, nông dân cấy lúa không tập trung.
Theo chỉ đạo, khung thời vụ cấy trà lúa mùa sớm kết thúc trước 10-7 nhưng nhiều nơi đến 15-7 mới xong nên sâu bệnh phát sinh nhiều lứa khác nhau, khó dự báo, phòng trừ. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: “Trước đây, hai tuần một lần đơn vị có bản tin dự báo tình hình sâu bệnh gửi các trạm để chỉ đạo phòng trừ đại trà. Thế nhưng năm nay, sâu bệnh diễn biến phức tạp không theo quy luật nên chúng tôi phải điều tra, khảo sát từng vùng, địa bàn, theo sát diễn biến để có hướng dẫn cụ thể”.
Theo bà Luyến, thông thường sâu cuốn lá nhỏ chỉ trong 10 ngày gọn một lứa nhưng vụ này kéo dài cả tháng với nhiều tuổi sâu. Mặt khác, nhiều ruộng lúa thiếu dinh dưỡng, bón phân không cân đối nên sức đề kháng giảm dễ nhiễm sâu bệnh. Một số nơi chính quyền cơ sở không phát động diệt chuột tập trung, để các hộ tự diệt trừ lẻ tẻ nên không hiệu quả. Đơn cử, tại huyện Lạng Giang nhiều năm nay, nông dân tự đánh bả, bẫy chuột ở ruộng nhà mình mà không có sự hỗ trợ, phát động trên diện rộng. Vì vậy, chuột hại mùa màng ngày càng gia tăng với mức độ nặng hơn.
Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đứng cái-làm đòng, trà chính vụ đang đẻ nhánh. Dự báo, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục phát sinh rộ và gây hại đến cuối tháng 8 trên diện rộng (khoảng 40/52 nghìn ha lúa cả tỉnh); tập đoàn rầy nâu phát sinh gây hại giai đoạn lúa trỗ đến chín…
Để bảo vệ lúa mùa, Chi cục BVTV tỉnh yêu cầu trạm BVTV các huyện, thành phố tăng cường điều tra, theo dõi, giám sát đồng ruộng, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa, hướng dẫn biện pháp phòng trừ. Nông dân cần tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc BVTV như: Đúng nồng độ, liều lượng, đúng cách, đúng lúc; phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát và dùng bình bơm, không sử dụng ống phụt để tăng hiệu quả của thuốc.
Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn thuốc BVTV kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; các huyện, thành phố phát động chiến dịch diệt chuột tập trung, có cơ chế khuyến khích cộng đồng cùng tham gia.
"Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học có chứa hoạt chất lân hữu cơ để phòng trừ sâu bệnh bởi thuốc này tiêu diệt các loài thiên địch. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ: Katex 3.6 EC, Silsau 3.6 EC, Silsau 4.5 EC, Reasgant 3.5 EC, Angun 5WG, Dylan 10 EC..." - Bà Đỗ Thị Luyến - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV.
Theo Báo Bắc Giang Điện Tử
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;