Khi nông dân chung sức, đồng lòng
Trước đây, một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp trong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là xây dựng mô hình kinh tế tập thể và mô hình cánh đồng liên kết. Hiện nay, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành người nông dân đã có nhiều thay đổi trong tư duy và xích lại gần nhau hơn trong sản xuất. Đây là nền tảng để Đồng Tháp xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái, chuyên canh rau màu lớn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ.
Theo ghi nhận của Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 64 tổ hợp tác (THT) và 6 hợp tác xã (HTX) sản xuất trái cây theo quy trình an toàn, nhiều diện tích đã được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Với việc cùng nhau liên kết trong các mô hình THT và HTX, nhà vườn đã chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Năm 2016, đánh dấu nhiều bước tiến mới trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái, bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng nhau gắn kết nhiều mặt hàng trái cây như: xoài, nhãn, chanh, ổi, quýt đường, thanh long... của tỉnh đã xuất khẩu và được các doanh nghiệp trong nước bao tiêu với mức giá ổn định, như vậy người nông dân đã không còn rơi vào tình trạng ứ hàng, dội chợ, bị động về thị trường.
Nhận định về việc nông dân cùng nhau liên kết trong sản xuất và triển vọng về thị trường của trái cây sạch, ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay 100% hội viên Hội Làm vườn đều có nhận thức sâu sắc về hiệu quả của mô hình liên kết và sản xuất trái cây đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Khi cùng nhau liên kết, sản xuất theo quy trình thì cái lợi đầu tiên của người nông dân là giảm được chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Đặc biệt, với việc thay đổi kỹ thuật theo tiêu chuẩn tiến bộ thì sản phẩm của người nông dân sẽ dễ tiêu thụ và liên kết với doanh nghiệp hơn. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thay đổi tập quán sản xuất, nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ rất khó để tiêu thụ.
Ngoài sản phẩm cây ăn trái, trong năm qua, nhiều THT ở các lĩnh vực khác như: chăn nuôi, sản xuất rau màu đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Từ chỗ làm ăn riêng rẽ mỗi người mỗi cách, nông dân chăn nuôi vịt ở huyện Tháp Mười và huyện Tam Nông cùng nhau liên kết, sản xuất trứng vịt theo quy trình an toàn. Đây cũng chính là nền tảng để sản phẩm trứng vịt được doanh nghiệp bao tiêu với mức giá ổn định. Ở lĩnh vực sản xuất rau màu, một số THT đã liên kết tiêu thụ được với hệ thống bếp ăn tập thể ở trường học, siêu thị...
Nhiều chương trình tiếp sức cho nông dân
Ngoài những chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản sạch, trong năm qua, nhiều chương trình hỗ trợ người sản xuất rất thiết thực nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng như: mô hình Phiên chợ Nông nghiệp xanh, thành lập chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở nhiều huyện, thị.
Một trong những dấu ấn trong năm 2016 là việc UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Phiên chợ Nông nghiệp xanh ở TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12. Qua ba lần tổ chức, Phiên chợ Nông nghiệp xanh thật sự là điểm kết nối giữa người sản xuất sạch và người có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn. Từ đó, giúp những người sản xuất nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch trong dân rất lớn để có phương án trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng, an toàn hơn cung cấp cho người tiêu dùng.
Nông dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc sản xuất nông sản sạch
Ngoài Phiên chợ Nông nghiệp xanh, địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ chi phí cho THT, HTX chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; hỗ trợ một phần kinh phí cho các cửa hàng thực phẩm phẩm sạch đi vào hoạt động... Bên cạnh đó, chính sự khích lệ nhiệt tình của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc tiêu thụ nông sản sạch mà nông dân có thêm động lực để chuyển đổi sản xuất.
Là một trong những đơn vị có nhiều tâm huyết trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ thực phẩm sạch, Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các Hội thành viên, các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn sản xuất theo hướng GAP cho người nông dân.
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm qua, Liên Hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật đã phối hợp với các Hội thành viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông qua các lớp tập huấn hội thảo với các chủ đề liên quan cụ thể như: hướng dẫn sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm sạch cho thị trường; kỹ thuật chăm sóc xoài và cây có múi theo tiêu chuẩn GAP; thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi... Nhằm giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm một cách cơ bản, lâu dài, công tác tuyên truyền được xem là giải pháp hiệu quả giúp bà con nông dân và người tiêu dùng nâng cao nhận thức. Đây là nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, nhằm trả lại giá trị thực thụ cho nông sản sạch, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đây cũng là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ những nhà sản xuất chân chính.
Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Tiến sĩ Võ Mai cho rằng, sẽ không có con đường nào khác để phát triển nền nông nghiệp bền vững bằng con đường phát triển kinh tế tập thể. Đẩy mạnh chế biến, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và kết nối doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm (từ sản xuất đến tiêu thụ) là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Sản xuất trái cây sạch và hướng đến đẩy mạnh chế biến là giải pháp để người nông dân giàu hơn trên cánh đồng của mình.
Nguồn: baodongthap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;