Áp dụng mạ khay máy cấy và máy gặt đập liên hợp vào SX, số tiền nông dân phải bỏ ra chỉ 375.000 đ. Nhờ đó, họ được hưởng lợi 335.000 đ/sào.
Hì hụi nhổ từng luống mạ rồi cúi gập mặt xuống đất nhụt những dảnh mạ xuống bùn, thỉnh thoảng những người nông dân thôn Long Châu Sơn (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lại ngước sang thửa ruộng bên cạnh, nhìn cái máy cấy lúa nhãn hiệu Kubota màu xanh - trắng đang chạy phăng phăng trên nền ruộng phẳng lì.
Đi đến đâu, những hàng mạ đều thẳng tắp hiện ra đến đó, hệt như cái máy khâu nhả chỉ của công nhân may mặc. Chủ ruộng cứ ngồi trên bờ mà "rung đùi" quan sát tổ dịch vụ của HTXNN Phụng Châu vận hành máy, mỗi sào chỉ mất 15 phút là hoàn thành (bằng một người phụ nữ cấy cật lực trong 1 ngày).
Ông Đỗ Mạnh Tưởng, một nông dân trong thôn hể hả: "Những năm trước cứ đến vụ cấy hái là tôi gọi hết con cái đang đi làm ăn xa về phụ giúp, phải cấy chạy đua với lịch xả nước của mấy "ông" thủy nông cho kịp thời vụ. Năm nay HTX đưa mạ khay, máy cấy về làm dịch vụ với mức giá rất rẻ, nông dân chúng tôi gần như không phải lội bùn nữa, để thời gian đó làm việc khác vừa nhiều tiền vừa nhàn hơn".
Theo tính toán của ông Tưởng, với 1 sào lúa, nếu làm mạ theo phương pháp truyền thống, tính cả giống và công làm mạ phải mất 120.000 đ; công làm đất 110.000 đ; công cấy 200.000 đ. Như vậy, số tiền phải trả là 420.000 đ mới hoàn thành giai đoạn gieo cấy.
Tuy nhiên, HTX Phụng Châu làm toàn bộ các công đoạn này cho chúng tôi chỉ với giá 235.000 đ/sào. Nghiễm nhiên chúng tôi lợi được 185.000 đ. Số tiền đó dùng để mua phân đạm cũng hòm hòm".
Ông Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Đảng uỷ xã Phụng Châu chia sẻ: "Mô hình này góp phần nhân rộng mô hình tổ dịch vụ cơ giới hoá đồng bộ SX nông nghiệp. Trung bình 1 máy cấy Kubota SPW-48C có thể cấy trung bình từ 1 - 1,2 ha, nhanh gấp 30 lần so với cấy tay, mỗi sào chỉ cần 7 - 8 khay, 1 khay cần 1 - 1,2 gram giống nên rất tiết kiệm, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động thời vụ... Trong thời gian tới, chúng tôi tích cực quy hoạch vùng SX hàng hoá tập trung để ứng dụng cơ giới hoá trong toàn xã. Đây là hướng đi tất yếu của chương trình xây dựng NTM tại xã Phụng Châu". |
Ông Nguyễn Kim Huân, Chủ nhiệm HTXNN Phụng Châu cho biết: "Đến nay xã Phụng Châu đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được gần 90% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để địa phương từng bước quy hoạch, xây dựng và mở rộng vùng SX hàng hoá tập trung theo hướng bền vững, đồng thời đưa cơ giới hoá vào SX nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm...".
Vụ mùa năm nay, HTXNN Phụng Châu phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Cty Cổ phần SX & TM Việt Thành tổ chức mô hình mạ khay, máy cấy và áp dụng cơ giới hoá trong cả khâu gặt, tuốt (sử dụng máy gặt đập liên hợp) với quy mô 5 ha tại 5 thôn (Phương Bản, Phượng Nghĩa, Phượng Đồng, Long Châu Sơn, Long Châu Miếu). Qua khảo nghiệm của Ban quản trị HTXNN Phụng Châu, mô hình này đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào khoảng 300.000 đ/sào so với phương thức gieo cấy truyền thống.
Vị Chủ nhiệm HTX chứng minh điều mình nói bằng những con số rất cụ thể. “Theo phương pháp cấy lúa truyền thống, 1 sào lúa phải mất 710.000 đ tiền giống lúa và công lao động (gồm 110.000 đ công làm đất; 120.000 đ giống lúa + công làm mạ; 200.000 đ công cấy; 200.000 đ công gặt, 80.000 đ công tuốt).
Song áp dụng mạ khay máy cấy và máy gặt đập liên hợp vào SX, số tiền nông dân phải bỏ ra chỉ 375.000 đ gồm 65.000 đ công làm đất; 50.000 đ tiền giống + công làm mạ; 120.000 đ công cấy; 140.000 đ công gặt + tuốt. Như vậy, nông dân được hưởng lợi 335.000 đ.
Ông Bùi Xuân Ninh, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: "Nông dân ta cấy lúa có rất nhiều cái khổ. Vụ xuân rét cắt da cắt thịt, mụ mùa nắng gắt cháy lưng. Trong khi đó phương thức cấy thủ công không hiệu quả bằng mô hình mạ khay, máy cấy' cây sinh trưởng, phát triển kém, năng suất thấp và đặc biệt là kéo dài khung thời vụ dẫn đến khó điều tiết nước, gây lãng phí.
2 năm trở lại đây, huyện Chương Mỹ luôn khuyến khích các địa phương áp dụng TBKT, đưa cơ giới hoá vào SX, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác, trong đó mô hình mạ khay, máy cấy của xã Phụng Châu là điển hình".
Đại diện cho đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và máy móc của mô hình này, ông Nguyễn Văn Tiến, PGĐ Cty SX&TM Việt Thành cho biết: Vừa qua, Cty đã phối hợp với HTXNN Phụng Châu đưa cơ giới hoá vào địa phương như máy gặt đập DC60, máy làm đất B2420, và mạ khay, máy cấy. Để thực hiện có hiệu quả mô mạ khay, máy cấy cần thực hiện 4 khâu: Làm đất tạo giá thể, ngâm ủ giống, gieo và chăm sóc. Trong đó, khâu tạo giá thể có ý nghĩa quan trọng nhất và phải chuẩn bị trước 1 tháng. Đất phải được phơi khô, nghiền và sàng nhỏ, sau đó trộn hỗn hợp phân đạm với một tỷ lệ nhất định để đảm bảo mạ phát triển bộ dễ dài giúp cây bén dễ nhanh hơn".
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;