Học tập đạo đức HCM

Đồng Tháp: Gặp gỡ những nông dân sáng tạo thời hiện đại

Thứ ba - 18/08/2015 09:38
Những sáng chế độc đáo và hữu ích của ông Võ Văn Phước ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã giúp nông dân trồng lúa tiết kiệm sức lao động và chi phí cho công việc đồng áng. Dù chưa hề qua trường lớp đạo tạo về cơ khí nhưng chính sự đam mê học hỏi cộng với suy nghĩ phải làm gì đó cho nông dân bớt khổ đã đốc thúc ông Phước cho ra đời máy vét đường nước không người lái và xe phun thuốc.

Ông Phước cho biết, mỗi vụ lúa phải vét đường nước trên ruộng rất mất nhiều thời gian nên ông suy nghĩ đến việc chế tạo chiếc máy vét đường nước. Sau đó, ông Phước đi đến các cơ sở thu mua ve chai trên địa bàn huyện lục lọi trong đám phế liệu cũ nát để tìm cho bằng được phụ kiện cho chiếc máy vét đường nước đã lên ý tưởng trong đầu trước đó. Phải mất gần một tuần “ăn dầm nằm dề” tại xưởng cơ khí của một người bạn, chiếc máy vét đường nước mới cơ bản được hình thành. Máy chạy thử nghiệm được mới 15m thì bị tắt, nhìn xuống mũi khoan ông thấy gốc rạ xoắn đầy trục. Để khắc phục nhược điểm trên, ông Phước nghĩ ra bộ phận tiếp nước sẽ lấy nước trực tiếp từ ruộng và phun trực tiếp vào mũi khoan, lúc này đất trôi vào mũi khoan sẽ nhuyễn và trôi hết nên không còn gây nghẹt.

Máy vét đường nước có kết cấu khá đơn giản. Phần thân máy giống như những chiếc máy cày thông thường. Riêng phần đuôi máy gắn với một bộ phận đào đất bao gồm một mũi khoan ở giữa, hai ống phun bùn ở hai bên và một bình bơm nước phụ. Khi đưa vào vận hành, mũi khoan làm nhiệm vụ đào đất và cuộn đất vào bên trong. Áp lực hút vào sẽ ép nước và bùn bắn ra hai bên. Trường hợp lượng nước trên ruộng không đủ để động cơ hoạt động thì máy bơm nước phụ sẽ bổ sung nước cung cấp cho mũi khoan. Hiện trung bình mỗi giờ, máy vét đường nước có thể đào với tổng chiều dài khoảng 1.000m (tương đương với 30 - 40 người đào đất bằng tay). Nhờ những ưu điểm này mà giá thành đào đường nước cũng chỉ bằng một nửa so với đào bằng thủ công.

Không dừng lại ở máy vét đường nước, ông Phước còn mày mò để chế ra xe phun thuốc. Đó là một cỗ máy trông có vẻ cồng kềnh với hai bánh sau khá to nhưng bề mặt tiếp xúc mặt ruộng khoảng 1 tấc. Hai bên là hai cần xịt dài tổng cộng 20m, nhìn tựa như hai cánh tay người. Bằng một vài động tác điều khiển nhẹ nhàng, cỗ máy phun thuốc từ từ chuyển động, lượng thuốc cũng tự động phun đều lên ruộng. Ngồi ở trên xe nên dù trên gió hay dưới gió, người xịt thuốc cũng không lo hít thuốc độc hại. Chưa đầy ba giờ, xe phun thuốc đã phun xong 4ha đất. Ông Phước cho biết thêm, một phi vô đầy nước mất 6 phút, phun thuốc mất 11 phút và một tiếng đồng hồ phun được 3 phi (tương đương với 36 bình) trong khi xịt tay phun được 5 bình/người/giờ, như thế xe phun thuốc trong 1 giờ bằng 7 người xịt thuốc bằng tay.

Ông Võ Văn Đạt - Chủ tịch UBND xã Phú Đức nhận xét: “Ông Phước nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Thường ngày thấy ông hay dành thời gian nghiên cứu máy móc để sáng chế ra những thiết bị nông nghiệp nên người dân địa phương đặt biệt danh cho ông là Nhà sáng chế hai lúa. Những chiếc máy của ông Phước không những giúp người dân đỡ phần cực nhọc mà còn giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận”.
 

* Ông Nguyễn Phú Thạnh - sáng chế hệ thống phun tưới điều khiển từ xa
 

 

 

 


Xuất thân là một nông dân chưa từng qua trường lớp về kỹ thuật, ông Nguyễn Phú Thạnh (SN 1969) ngụ ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung sáng chế thành công hệ thống “Pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa” phục vụ hiệu quả trong nông nghiệp. Sinh ra và lớn lên tại huyện Lai Vung, xuất phát từ thực tế gia đình có vườn quýt cách xa nhà nên việc tưới tiêu, phun thuốc khó khăn, ông Thạnh quyết tâm nghiên cứu, chế tạo hệ thống chăm sóc vườn cây nhằm thay thế con người.

Ông Thạnh cho biết: “Ý tưởng chế tạo hệ thống “Pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa” xuất phát từ thực tế việc phun thuốc và tưới nước cho quýt vùng mình chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Tôi thấy việc này mất nhiều thời gian và chi phí nhưng không hiệu quả. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng chế tạo một hệ thống có 2 tính năng vừa phun, vừa tưới để giảm nhẹ chi phí”.

Quyết tâm cải thiện sản xuất, ông Thạnh gom máy móc có sẵn và tìm thêm các thiết bị ưng ý để bắt đầu chế tạo. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng trong chế tạo máy nên ông phải vừa làm, vừa suy nghĩ các nguyên lý vận hành hệ thống. Khoảng thời gian 1 năm nghiên cứu, ông mất nhiều công sức, thực hiện nhiều thử nghiệm để cho xuất xưởng hệ thống “Pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa” vào đầu năm 2011. Thời điểm ban đầu, hệ thống chỉ có thể điều khiển phun, tưới độ xa khoảng 20 - 30m.

Không dừng lại ở đó, ông Thạnh tiếp tục nghiên cứu nâng cao cơ cấu hoạt động. Hệ thống sau khi được cải tiến có thể phun, tưới độ xa trên 500m (có thể tăng độ xa tùy theo diện tích của vườn). Khi sử dụng chỉ cần mở nắp chai và đặt đường ống dẫn vào trong chai hệ thống sẽ tự động bơm thuốc nguyên chất vào phi chứa để pha và điều chỉnh lượng nước cho phù hợp. Đến lúc đủ lượng nước, bộ thăm dò lưu lượng thuốc sẽ báo tín hiệu về bộ xử lý là hoàn tất việc pha thuốc.

Trong quá trình phun, tưới, khi muốn dừng hoặc tiếp tục chỉ cần điều khiển thao tác bằng sóng điện thoại, máy phun thuốc sẽ tự ngừng hoạt động để tiết kiệm thuốc trừ sâu và nhiên liệu máy. Không chỉ phun thuốc, hệ thống này cũng được sử dụng cho việc tưới tiêu hàng ngày. Chi phí để làm ra hệ thống “Pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa” chỉ khoảng 1 - 2 triệu đồng do các thiết bị để chế tạo máy đều là phế liệu qua sử dụng.

Kết quả cho thấy, khi sử dụng hệ thống “Pha thuốc tự động - phun nước vườn điều khiển từ xa”, tiến độ làm việc cao hơn nhiều lần so với làm thủ công (giảm được 3 - 4 công lao động). Công suất hoạt động của hệ thống mỗi giờ phun được 1.000 lít thuốc trừ sâu và tưới được 15m3 nước. Đặc biệt là chủ động trong việc sản xuất và hạn chế việc tiếp xúc với hóa chất độc hại. Với những nỗ lực trong sáng tạo góp phần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Phú Thạnh vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc.

                                                                                                                                                       

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Hôm nay34,755
  • Tháng hiện tại990,283
  • Tổng lượt truy cập93,367,947
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây