Học tập đạo đức HCM

Đột phá bằng những mô hình trang trại công nghệ cao

Thứ hai - 16/02/2015 19:26
Một trong những mô hình trang trại công nghệ cao gây ấn tượng mạnh trong những năm gần đây là trang trại bò sữa của Tập đoàn TH ở vùng đất Tây Nghệ An. Giá trị mà công nghệ cao mang lại không chỉ cho doanh nghiệp này mà cho cả người dân và địa phương nơi đây.

Những giọt sữa sạch, được chắt lọc từ sự kết hợp giữa “đẳng cấp công nghệ cao của thế giới” và “tinh túy tài nguyên thiên nhiên đất Việt” đã định vị một thương hiệu TH true Milk. Và những thành công bước đầu của Tập đoàn TH, từ mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào nông nghiệp và nông thôn đã góp phần không nhỏ từng ngày “thay da, đổi thịt” ở vùng mà doanh nghiệp này đứng chân.

Áp dụng quy trình sạch, khép kín

Phủ Quỳ vốn là vùng đất màu mỡ như đúc kết của nhiều thế hệ đi trước: “Nam Đác Lắc, Bắc Phủ Quỳ”, nhưng bao năm qua vẫn là một địa bàn nghèo của tỉnh Nghệ An, do chưa có điều kiện áp dụng công nghệ cao vào canh tác, chưa lựa chọn được giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng nên năng suất đạt trên mỗi héc-ta vẫn còn thấp. Với tư duy nhạy bén, lãnh đạo Tập đoàn TH nhận thấy, nếu đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng cơ chế tưới tiêu khoa học, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp sẽ giúp tăng năng suất cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường theo phương thức cũ.

 


Dây chuyền tự động đóng gói sản phẩm sữa chua của TH true milk.
Quyết định mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel, nhập khẩu toàn bộ quy trình chế biến sữa hàng đầu thế giới là một hướng đầu tư khôn ngoan, khi “biết đứng trên vai những người khổng lồ”. Bởi theo lý giải của bà Thái Hương, người đứng đầu Tập đoàn TH: “Xét về thổ nhưỡng, nếu Israel có 50% thì Việt Nam đạt tới 100%. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khoa học kỹ thuật, bạn đạt 100% trong khi ta chỉ khiêm tốn với 30%. Vì thế, khi mua bí quyết công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi của bạn, ta đã có trong tay tới 230% tiềm năng để có thể thành công”.

 

Một ly sữa tươi sạch, thẩm thấu trọn vẹn tinh túy thiên nhiên chỉ có được sau rất nhiều công đoạn phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào. Có thể nói, nếu công nghệ chế biến là “ngọn” thì phần nguyên liệu chính là “gốc rễ”. “Sâu rễ, bền gốc” thì mới có thể vững mạnh. Xác định được các yếu tố để bảo đảm chất lượng của sữa là bao hàm trọn vẹn cả một chu trình khép kín được kiểm soát và quản lý sát sao. Sữa tươi sạch chỉ có thể chắt lọc từ quá trình chăn nuôi sạch - gồm ăn sạch, ở sạch và uống sạch. “Sạch” không chỉ là một khái niệm mù mờ, chung chung mà là một quy trình hiện đại, khép kín đạt quy chuẩn, từ chọn giống, nuôi bò, hệ thống quản lý đàn và thức ăn đến vắt sữa, đóng gói, vận chuyển và cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.

 

 

Trang trại áp dụng các tiêu chuẩn và quy cách chuồng trại chăn nuôi tiên tiến nhất trên thế giới.

Được quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia, Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Total Vets của New Zealand về quản trị thú y, tất cả các khâu: từ nguồn giống, chế độ thức ăn dinh dưỡng, hệ thống chuồng trại, quản lý đàn đến chăm sóc thú y, phòng bệnh và điều trị, từ hệ thống vắt sữa đến nhà máy chế biến sữa tươi sạch đều là một quy trình hiện đại, đồng bộ và khép kín.

 

Nguồn giống được nhập khẩu hoàn toàn từ các nước chăn nuôi bò sữa nổi tiếng như New Zealand, Australia... để bảo đảm giống bò có chất lượng sữa tốt nhất, có phả hệ rõ ràng. Từ những cá thể đầu tiên “nhập tịch” vùng đất Nghĩa Đàn, đến nay đàn bò của TH true Milk đã phát triển rất nhanh với số lượng hơn 40.000 con, trong đó có hàng nghìn con thuộc thế hệ hai và ba. Trong tương lai, đàn sẽ có tới 137.000 con vào năm 2017, chiếm 50% tổng số bò sữa cả nước.

Tại một trong bảy trang trại hiện có, những con bò sữa hiền lành, chậm rãi di chuyển vào từng ô trong dây chuyền vắt sữa tự động, ba lần một ngày, sau khi đã được tắm mát, sấy khô, làm vệ sinh núm vú trong tiếng nhạc dặt dìu. Sáu giàn vắt sữa, mỗi giàn cùng lúc vắt được 120 con bò. Sản lượng sữa đạt từ 38 - 60 lít/con/ngày. Được quản lý đàn bằng phần mềm Afifarm của Afikim (Israel), mỗi con bò đều được gắn chip AfiTag ở chân để giám sát chặt chẽ về sức khỏe, sự thoải mái và sản lượng sữa. Tất cả thông tin của từng cá thể bò được phân tích để đưa ra quyết định quản lý toàn bộ chu trình chăn nuôi tại trang trại, phân loại nhóm bò, luân chuyển đàn, phát hiện động dục sớm với tỷ lệ chính xác hơn 97%, quản lý sinh sản và phát hiện sớm bệnh viêm vú.

Từ đây, những dòng sữa mát lành được kiểm tra chất lượng tự động, được chuyển theo hệ thống ống lạnh tự động, chảy qua bồn trung gian, qua bộ phận lọc đặc biệt rồi làm lạnh dưới 4 độ C, chuyển qua xe bồn lạnh để tới thẳng nhà máy chế biến. Được nhập khẩu toàn bộ dây chuyền máy móc cũng như công nghệ chế biến sữa hàng đầu châu Âu của Tetra Pak, nhà máy có thể xuất xưởng khoảng 600 tấn sữa/ngày.

“Thay da, đổi thịt” vùng quê nghèo

Đến với Nghĩa Đàn hôm nay, dễ choáng ngợp khi nhìn ngắm những “cánh đồng nguyên liệu” xanh mướt, ngút ngàn tầm mắt, như những tấm lụa khổng lồ đủ mầu phủ lên hàng nghìn héc-ta đất đỏ. Cao lương Mỹ, ngô, hoa hướng dương, cỏ Mombasa... xanh non mỡ màng thay thế cho những cam, mía, cao-su, cà-phê... kém hiệu quả kinh tế của các nông - lâm trường ngày trước. Từ thu nhập tối đa 70 triệu đồng/năm cho một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trước đây, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào các loại cây trồng nên một đơn vị diện tích giờ đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp 10 lần. Cá biệt có những loại cây mới như cao lương Mỹ đem lại giá trị vượt bậc 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

 

 
Những “cánh tay tưới” dài từ 350 đến 500 mét chạy dọc theo các cánh đồng, tắm mát cây trồng theo quy trình được tự động hóa nghiêm ngặt. Tất cả các khâu, từ làm đất, gieo trỉa, thu hoạch đều được vận hành theo kiểu đại công nghiệp. Hình ảnh những chiếc máy liên hợp hiện đại, được nhập khẩu từ Israel có thể đảm nhiệm cùng lúc rất nhiều khâu (vừa xới đất, bón phân vừa làm cỏ, gieo hạt trong trồng trọt; vừa cắt, thái, băm nhỏ rồi chuyển trực tiếp sang xe tải trong khâu thu hoạch) đã trở nên vô cùng quen thuộc. Máy móc đã thay thế hoàn toàn sức người. Giờ thì chỉ cần một công nhân vận hành là có thể xử lý liên hoàn hàng loạt công đoạn, trên diện tích 3 - 5 ha/ngày. Để rồi từ đó, lượng thức ăn thô cho đàn bò xấp xỉ 40.000 con hiện nay đã đáp ứng được nguồn cung tới 80%.

 

 

 

Hệ thống tưới tiêu hiện đại và tiêu chuẩn của TH.

Ở Nghĩa Đàn, có thể bắt gặp hình ảnh những người nông dân rất khác. Không còn “chân lấm, tay bùn”, không còn “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, họ rất tự tin điều khiển những thiết bị công nghệ cao, thao tác thuần thục trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Có tới 80% trong khoảng 1.400 lao động của TH true Milk hiện nay là con em của bà con hiện đang sinh sống tại thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, với mức lương khá cao và ổn định. Trên những con đường liên xã, liên huyện, máy liên hợp, xe bồn lạnh, xe tải vận chuyển sữa thành phẩm lưu thông như mắc cửi. Nhịp sống khẩn trương, gấp gáp, tràn đầy sinh lực đang hiện diện, mọi lúc mọi nơi.

 

Khát khao của chính quyền tỉnh Nghệ An cũng như nhà đầu tư khi triển khai dự án này là tạo bước chuyển mình lớn lao trong lịch sử phát triển của vùng đất Phủ Quỳ, giúp tỉnh cất cánh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Giấc mơ ấy, hôm nay, đã phần nào biến thành hiện thực.

Ra đời từ năm 2010, đến nay, TH tự hào mang đến chuỗi sản phẩm được làm hoàn toàn từ sữa tươi sạch nguyên chất của Trang trại TH, gồm: Sữa tươi sạch TH true Milk, Sữa chua TH true Yogurt, Sữa tươi sạch TH true Milk công thức TOPKID, Sữa tươi sạch học đường TH school Milk, Sữa TH true Milk bổ sung vi chất. Các sản phẩm trên đều được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá không những thơm ngon, bổ dưỡng mà còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch giúp nâng cao thể chất, phát triển trí tuệ, cho cuộc sống tươi khỏe mỗi ngày. Đây là nền tảng để giúp TH vững bước phát triển, góp phần xây dựng tương lai xanh, sạch và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt. Tất cả vì một sứ mệnh hết sức cao đẹp mang tên “Vì Tầm Vóc Việt”.
Bảo Ngọc
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập221
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại851,276
  • Tổng lượt truy cập93,228,940
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây