Ông Lê Minh Lịnh, Chủ nhiệm dự án cho biết, mô hình chăn nuôi lợn Viet GAHP được triển khai tại 10 tỉnh (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An) từ tháng 2/2013, với 100 hộ tham gia. Mỗi tỉnh xây dựng 1 mô hình quy mô 140 con lợn với 10 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ con giống, 30% chi phí thức ăn. Hộ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí: nuôi 10-30 con, cam kết đầu tư vốn đối ứng cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Tất cả 100 hộ đều có sổ ghi chép theo dõi đầy đủ các chỉ tiêu, như: ngày tháng nhận lợn giống, mua thức ăn, quá trình sử dụng thức ăn, theo dõi tiêm phòng vắc-xin, tiêu độc khử trùng, dịch bệnh, cân trọng lượng lợn qua các tháng nuôi… Giống lợn được chọn là lợn ngoại hoặc lợn lai, được mua từ những địa chỉ có uy tín tại các tỉnh tham gia dự án. Lợn có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Sau khi nhập lợn, từng hộ nuôi phải lên kế hoạch phòng các bệnh giả dại, lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh… Công tác vệ sinh dịch tễ phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt: người và phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải đi qua các hố khử trùng, chuồng được dọn rửa hàng ngày và định kỳ 10 ngày/lần phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng nuôi. Hệ thống thoát nước, chuồng trại, mật độ nuôi, hệ thống thông gió phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhằm hạn chế vi sinh vật có hại tồn tại và phát triển. Khi xuất bán, phải tuân thủ tuyệt đối thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi xuất chuồng để đảm bảo lợn không tồn dư kháng sinh, đồng thời cung cấp hồ sơ (nguồn gốc, tình hình điều trị, lý lịch …) của lợn khi bán cho người mua.
Đến nay, lứa nuôi trong mô hình đã kết thúc. Đánh giá hiệu quả kinh tế thấy, khối lượng xuất chuồng bình quân của lợn sau 3 tháng nuôi đạt 80 - 90kg/con, tốc độ tăng trọng với lợn lai đạt 600g/con/ngày, lợn ngoại hơn 700g/con/ngày; tiêu tốn thức ăn dưới 2,8kg/kg tăng trọng. Trong khi đó, nếu nuôi theo phương pháp thông thường, lợn chỉ đạt tốc độ tăng trọng 450-500 g/con/ngày, hệ số tiêu tốn thức ăn vượt trên 3 kg/kg tăng trọng. Như vậy, khả năng tăng trọng của đàn lợn dự án cao hơn 5 -10% so với lợn nuôi ngoài mô hình, góp phần rút ngắn thời gian nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ nuôi sống của đàn lợn dự án đạt 99,44% (cao hơn 4,44% so với yêu cầu đề ra), trong khi tỷ lệ nuôi sống của đàn lợn ngoài mô hình đạt khoảng 90-92%.
Giảm giá thành, tăng lợi nhuận
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho hay, dự án được thực hiện tại 10 hộ, mỗi hộ chỉ nuôi bình quân 14 con lợn nhưng đạt lợi nhuận 10 triệu đồng/hộ. Nhiều hộ đạt được lợi nhuận cao nhờ biết áp dụng công nghệ tiên tiến như có hệ thống chuồng lồng, chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, chế độ cho ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển nên lợn sinh trưởng tốt. Đặc biệt, mô hình áp dụng đệm lót sinh học cho hiệu quả kinh tế khá cao. Chuồng trại không cần phun rửa, môi trường sạch sẽ, không còn mùi hôi đặc trưng, không khí, nước, đất không bị ô nhiễm. Lợn nuôi trên đệm lót sinh học tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thông thường, giảm thiểu một số dịch bệnh, quan trọng hơn là có thể tiết kiệm được 10% lượng thức ăn, giảm tới 60% chi phí nhân công vệ sinh, giảm chi phí thuốc, vắc-xin, điện nước. Theo tính toán, riêng việc ứng dụng đệm lót sinh học đã giảm chi phí khoảng 150.000 đồng/con lợn thịt xuất chuồng, tương ứng với 2.000 đồng/kg lợn hơi.
Thực tế mô hình thấy, đệm lót sinh học phù hợp với quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, mỗi ô chuồng nuôi bình quân 10 con heo thịt, đặc biệt phù hợp trong điều kiện chưa có khu chăn nuôi riêng biệt, tạo điều kiện cho hộ dân ít đất sản xuất có thể tham gia chăn nuôi, cải thiện đời sống. Trung tâm Khuyến nông các địa phương đã đề nghị sớm công nhận đệm lót sinh học là tiến bộ kỹ thuật, từ đó có chính sách nhân rộng ra toàn ngành.
Dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng nông dân không trực tiếp tham gia mô hình, nhằm giới thiệu phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Đã có hơn 1.000 nông dân được tập huấn kỹ thuật và tham quan học tập mô hình, từ đó có thể áp dụng vào thực tế sản xuất.
Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã