Sau khi có mặt ở 43 tỉnh thành, từ miền núi phía Bắc đến khu vực duyên hải miền Trung, Hoa ưu 109 bắt đầu chinh phục vùng đất phèn ĐBSCL.
Sau khi có mặt ở 43 tỉnh thành, từ miền núi phía Bắc đến khu vực duyên hải miền Trung, giống lúa thuần Hoa ưu 109 của Cty CP Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình bắt đầu chinh phục vùng đất phèn ĐBSCL. Cùng đi với Hoa ưu lần này, còn có giống lúa chất lượng tốt A126.
HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG
Có thể nói như thế. Bởi cả 2 giống Hoa ưu 109 và A126 của Cty CP Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình mới có mặt ở ĐBSCL vụ thứ 2, song khiến nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… mê mẩn. Trong buổi hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu - phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười tổ chức ngày 28/2 vừa qua tại xã Tuyên Bình, thị xã Kiến Tường, Long An rất nhiều người đã cất công đến tham quan, tìm hiểu.
Trên đường ra thăm cánh đồng 35 ha trồng 2 giống lúa trên, ông Phạm Văn Quang, Phó TGĐ phụ trách kỹ thuật Cty CP Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình nói: Hoa ưu 109 đã thực sự khẳng định vị thế trên đồng ruộng phía Bắc, miền Trung từ 2 năm nay và chắc chắn sẽ tiếp tục sánh vai cùng các giống phổ biến hiện nay ở ĐBSCL.
“Theo anh thì điều kiện về thời tiết, khí hậu ở phía Nam có thích hợp để phát triển giống Hoa ưu 109?”, tôi hỏi. “Ở phía Nam, nhiệt độ giữa ngày và đêm không chênh lệch nhiều. Đó là những yếu tố để cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng và năng suất sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng đến chất lượng hạt. Cụ thể là sự chênh lệch thời tiết cao ở phía Bắc khiến cây lúa tích lũy dinh dưỡng cao hơn, hạt gạo thơm hơn, ngon hơn một chút so với cùng loại trồng ở phía Nam. Ví dụ, trồng ở phía Bắc, hạt gạo có thể rất thơm, nhưng trồng ở trong này chỉ thơm nhẹ”.
Là người đã gắn bó gần 30 năm với bà con nông dân ĐBSCL, ông Nguyễn Viết Cường, Giám đốc TT Nghiên cứu - phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười hồ hởi: “Lâu nay tôi rất trăn trở với việc làm sao thay thế giống IR50404 đã thoái hóa, chất lượng rất kém mà bà con vẫn SX. Giờ đã có Hoa ưu 109 rồi. Đây là giống lúa thâm canh, năng suất cao, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, đầu tư ít hơn. Chất lượng của Hoa ưu 109 không thể so với các giống chất lượng cao như OM, nhưng vẫn hơn hẳn IR”.
Theo chân anh Phùng Duy Sơn, nông dân ở ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình ra ruộng lúa trồng Hoa ưu 109 của anh, tôi thực sự mê mẩn bởi thảm lúa tuyệt đẹp đang chín sau 93 ngày trồng. Cây không cao, nhưng bông trĩu nặng và ít lá.
“Tôi có 1,7 ha ruộng, trước giờ chỉ trồng OM4900, năng suất đạt khoảng 8 tấn/ha. Giờ mới bắt đầu trồng Hoa ưu 109. Bước đầu thấy lúa rất đẹp, cây thấp, cứng. Bình quân 180 hạt/bông. Chưa thu hoạch nhưng tôi ước năng suất có thể đạt 10 tấn/ha, cao hơn hẳn OM4900. Nếu đầu ra mà ổn định thì chắc chắn tôi và bà con sẽ chọn giống này”.
Còn chị Phạm Thị Nhiêm, nông dân xã Tuyên Bình, trồng 2 ha Hoa ưu 109 cũng cho biết: “Lúa đẹp lắm. Theo dự đoán thì năng suất có thể đạt 10 tấn/ha. Chúng tôi trồng lúa để bán chứ không phải để ăn, nếu để ăn thì trồng 1 vụ ăn 10 năm chưa hết. Cho nên, vấn đề chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Vì đây là sản phẩm mới, thương lái họ chưa biết nhiều”.
A126 “SO GĂNG” CÙNG OM
Lần “Nam tiến” này, Cty CP Giống cây trồng- con nuôi Ninh Bình còn mang theo “tân binh” thứ 2 là giống lúa A126. Đây là giống lúa chất lượng cao, tương đương các giống OM, năng suất đạt khoảng 7,5 - 8 tấn/ha. “Giống A126 đã được trồng khảo nghiệm ở phía Bắc vụ thứ 4. Chúng tôi đang tiến hành đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận giống SX thử. Sau khi có kết quả SX thử ở phía Nam, sẽ tiến hành đề nghị Bộ công nhận giống Quốc gia trên toàn quốc chứ không làm theo lộ trình giống Hoa ưu 109”, ông Quang nói.
Ông Phạm Văn Quang, Phó TGĐ Công ty Giống Ninh Binh bên ruộng lúa Hoa ưu 109 và A126
Theo ông Quang, giống A126 là sản phẩm do Trung tâm SX nông nghiệp công nghệ cao (Cty CP GCT-CN Ninh Bình) chọn tạo với ưu điểm là phù hợp với cơ cấu gieo trồng ở cả 3 miền.
A126 có TGST chỉ từ 80 - 85 ngày ở vụ HT và 85 - 90 ngày vụ ĐX. Khả năng đẻ nhánh khỏe, cây thấp, chỉ từ 90 - 95 cm nên không lo đổ ngã. Bông dài, bình quân từ 170 - 200 hạt /bông. Đặc biệt, A126 có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, chịu thâm canh hơn 1 số giống thuần khác. Chất lượng gạo trắng, trong, cơm mềm và ngọt, càng để lâu càng ngon.
Tại khu vực trồng giống A126, tôi thấy lá gần thẳng, đẻ nhánh vừa phải, ruộng rất thoáng sạch, độ nhiễm bệnh, nhất là về bạc lá ít hơn hẳn một số giống liền kề. Bông khá to, xếp gối, hạt nhiều. Theo Thạc sỹ Trần Thị Hồng Thắm, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu - phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười, A126 chịu phèn tốt, năng suất khá, tương lai sẽ là sản phẩm chất lượng cao, có thể sánh ngang với 1 số loại chất lượng cao đang trồng ở đây.
Nhận xét về giống lúa A126, anh Lê Văn Đức, nông dân xã Ba Sao, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nói: “Vừa rồi người bạn tôi có 20 ký giống A126, anh sạ 1 công ruộng, vì có ít nên không bán mà chia cho mọi người ăn. Thấy cơm có độ mềm, dẻo vừa phải, thơm nhẹ và vị ngọt, hợp với khẩu vị của bà con. Tôi tìm hiểu, thấy A126 giống A126 có chất lượng khá, không thua gì mấy giống lúa chất lượng cao chúng tôi đang trồng.
Đặc biệt là đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 1 số giống phổ biến khác vài ngày, rất thích hợp ở vùng làm 3 vụ như quê tôi. Sắp tới có thể tôi sẽ thay thế giống lúa đang trồng lâu nay bằng giống này”.
Còn ông Nguyễn Văn Bi, 60 tuổi, hàng xóm của anh Đức cũng có cùng quan điểm, đồng thời cho biết thêm: “Chỉ cần so với IR504, thấy lợi nhuận cao hơn 300 ngàn/công là bà con chúng tôi chấp nhận”.
“Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với nông dân đến cùng. Về những băn khoăn của bà con trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm lúa Hoa ưu 109, chúng tôi cũng cam kết không bao giờ để bà con phải chịu thiệt thòi. Nhưng cần có sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp với bà con. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu - phát triển nông nghiệp ĐTM”, ông Vũ Văn Nga, TGĐ Cty CP GCT-CN Ninh Bình. |
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;