Học tập đạo đức HCM

Khoa học công nghệ với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam và kinh nghiệm một số nước

Thứ hai - 08/07/2013 03:49
Ở nước ta, đã có nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH-CN) trong xây dựng nông nghiệp và nông thôn. Trong công cuộc đổi mới, nhất là những năm gần đây khi thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vai trò của KH-CN càng được Đảng ta đặc biệt coi trọng.

  Ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ: "Phát triển khoa học - công nghệ phải trở thành khâu đột phá để phát triển nông nghiệp hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tập trung vào phát triển giống cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản. Nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ để nâng cao nhanh hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất".

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, cùng với việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, ban hành Bộ tiêu chí và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ngày 5-1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 27/QĐ-TTg, phê duyệt "Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015".

Nhờ vào các chủ trương của Đảng và Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã gặt hái được những thành quả đầu tiên đáng khích lệ. Tuy vậy, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng chỉ mới là bắt đầu, nó đặt ra nhiều vấn đề cho tất cả mọi người, trong đó có các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu phải suy nghĩ.

Trước hết, là việc bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới, thông qua đó có được cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta và nhận dạng được được hình hài nông thôn Việt Nam trong tương lai. Nông thôn mới Việt Nam không chỉ là những tiêu chí như chúng ta đã biết, còn phải có những gì hơn thế mà ở đó con người, thiên nhiên hòa quyện với nhau cùng với những chuẩn mực về đạo đức, xã hội và kinh tế được coi trọng, bản sắc dân tộc, văn hóa làng xã được bảo tồn và phát huy.

Hai là, làm thế nào để người dân thực sự nhận thức rằng, xây dựng nông thôn mới là công việc của họ, làm cho chính họ hôm nay và tạo ra môi trường sống tốt đẹp cho các thế hệ con cháu họ mai sau. Xây dựng nông thôn là việc làm thường xuyên đời này qua đời khác và người dân nông thôn là chủ thể. Cần tạo dựng cho họ niềm tin, tự tin, tự chủ và môi trường để sáng tạo như các nước đã từng làm. Do đó, cần phải chú trọng cả khoa học kỹ thuật, công nghệ và khoa học xã hội nhân văn.

Ba là, chính sách, khoa học kỹ thuật, các giải pháp quản lý phải làm thế nào để tác động thiết thực, có hiệu quả đến thực trạng nông thôn Việt Nam hiện nay đang ngày càng mất đi những đặc trưng vốn có của nó như mái đình, lũy tre làng, cây đa, giếng nước? Còn có ai mong về để "úp mặt vào sông quê" đầy ô nhiễm như bây giờ, ít còn được nghe, được xem những nét đẹp văn hóa truyền thống mang bản sắc của mỗi vùng quê? Các phương pháp canh tác hữu cơ truyền thống cũng đang mất dần, bèo hoa dâu theo chân anh hùng Phạm Tuân lên vũ trụ bây giờ không còn, hệ sinh thái lúa nước mất đi tính đa dạng sinh học của nó. Thay vào đó là phân hóa học, thuốc trừ sâu diệt cỏ, gây ô nhiễm môi trường và lâu dài làm thoái hóa đất.

Bốn là, đóng góp của KH-CN đồng thời phải là quá trình phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Không ít những đơn vị tư vấn về xã lập quy hoạch xây dựng, đưa tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới, phát triển ngành nghề… nhưng người dân không được bàn, thậm chí không được biết. Ở góc độ nào đó người dân phải hiểu rằng nhà nước hỗ trợ cho họ chứ không phải đầu tư xây dựng thay họ. Phương pháp tiếp cận để thực thi sự hỗ trợ của nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới cần được bổ sung, hoàn thiện để đạt được điều đó. Về góc độ chuyên môn, với công nghệ máy tính, liệu có hiện tượng một số đơn vị tư vấn đang làm công việc "nhân bản vô tính" làng xã Việt Nam một cách "vô lối"?

Năm là, đất đai là nguồn tài nguyên vô giá, hữu hạn đang ngày càng bị thu hẹp cần phải được quản lý và phân bổ chặt chẽ trong quy hoạch và sử dụng. Đã có quá nhiều diễn đàn, tốn quá nhiều giấy mực nói về vấn đề này, nhưng diện tích đất nông nghiệp, nông thôn vẫn đang ngày càng bị xâm lấn dần. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2002-2007, mỗi năm mất 7.500 ha đất (0,67%), gần gấp hai lần tỷ lệ của cả nước. Liệu chúng ta có giữ được 3,81 triệu ha đất lúa đến năm 2020, khi mà ở một số nơi đất đai đang được coi là một nguồn để tạo vốn xây dựng hạ tầng cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Đất chia lô để bán, những ngôi nhà ống mọc lên, cảnh quan nông thôn sẽ thay đổi theo hướng nào?

Sáu là, thúc đẩy các biện pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống trong xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng đời sống ở nông thôn phải là yêu cầu bắt buộc. Làm thế nào để đưa những kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học về với nông thôn, với nông dân một cách nhanh nhất, để họ có cơ hội lựa chọn những tiến bộ khoa học mà họ cần. Nhà nông và nhà khoa học "đoàn kết" để cho ra những sản phẩm tốt nhất, kinh tế nhất trong nông nghiệp, nông thôn, nhất thiết không thể là áp đặt.

Chúng ta cũng có thể học tập rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu của các nước tiên tiến trên thế giới và một số nước trong khu vực.

Xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc

Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Hàn quốc khởi động từ năm 1962 đã tạo cho nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người GNP tăng. Tuy vậy, vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khoảng cách giữa thành thị và khu vực nông nghiệp ngày càng mở rộng, khu vực nông nghiệp bị bỏ quên. Khoảng cách kinh tế giữa các vùng miền khác nhau càng xa. Để ngăn chặn và giảm bớt tình trạng này, nảy sinh nhu cầu phát triển kinh tế của các cộng đồng nông thôn.

Trong bối cảnh đó, phong trào xây dựng nông thôn Hàn quốc ra đời với tên gọi Saemaul Undong, chính thức khởi động vào ngày 22-4-1970 bởi Tổng thống Park Chung Hee và được chia làm 5 giai đoạn: (1) Giai đoạn đầu từ 1970-1973 là giai đoạn nỗ lực nhằm xây dựng nền tảng cho chương trình. (2) từ 1974-1976 là giai đoạn phát triển các tổ chức và các hoạt động khác. (3) từ 1977-1979 là giai đoạn đạt kết quả mạnh mẽ, kết quả của chương trình được thể hiện nhiều nhất. (4) từ 1980-1989 được coi là giai đoạn kiểm tra, đánh giá điều chỉnh để tiếp tục phát triển bền vững. (5) từ 1990-1998 là giai đoạn tăng trưởng tự quản, được đặc trưng bởi tự chủ và tự trị được tăng cường.

Các mục tiêu cơ bản của Saemaul Undong là: Phát triển cộng đồng xã hội thuận tiện, thân thiện và hiện đại; thành lập các công ty nơi mà người công nhân có thể tự hào và cũng là nơi mà tăng trưởng bền vững đạt được trong môi trường làm việc tin tưởng và cộng tác; phát triển và duy trì một xã hội lành mạnh và hiệu quả, nơi mà các thành viên của nó có thể hưởng thụ các mối quan hệ thân mật và thân thiện; xây dựng một quốc gia phát triển liên tục mà bất kì một ai cũng sẽ tự nào vì nó. Một xã hội như vậy được duy trì bởi các công dân trưởng thành, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và văn hóa được củng cố bởi trật tự và chuẩn mực đạo đức.   

Thành quả của Saemaul Undong được thể hiện rõ trên các kết quả đạt được của mục tiêu đề ra. Trong đó, tất cả các khâu đều được gắn chặt bởi KH-CN.KH-CN đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, giữ được môi trường sạch và tài nguyên đất. Cũng nhờ KH-CN, các yếu tố văn hoá, xã hội được bảo đảm, nông thôn Hàn Quốc phát triển hài hoà, bền vững.

Ý nghĩa kinh tế được thể hiện rõ trong sự phát triển kinh tế thôn làng. Saemaul Undong ở nông thôn đóng góp một giải pháp tiếp cận quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, đã làm tăng thêm thu nhập các hộ gia đình nông thôn từ nhiều nguồn khác nhau. Thành quả này đóng góp đáng kể vào sự  phát triển xã hội.

Sự phát triển xã hội liên quan tới sự cải thiện cả về mặt lượng và chất của mức sống. Với cải thiện về chất là đẩy mạnh quyền dân chủ và nâng cao địa vị xã hội của người phụ nữ, Saemaul Undong đã đóng góp vào việc nâng cao dân chủ của Hàn Quốc. Tăng trưởng của kinh tế nông thôn, và nó cũng làm tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình nông  nghiệp.

Niềm tin vào tập thể, người dân Hàn Quốc càng ngày càng nhận ra những tiềm năng của các nỗ lực tập thể. Do đó, một nỗ lực xây dựng niềm tin vào tập thể, gọi là tinh thần "Cando" đã được thúc đẩy trên toàn quốc.

Sự suy nghĩ sáng tạo, chỉ 48,9 % những người được hỏi năm 1970 trả lời rằng họ và những người xung quanh họ tin vào chính bản thân và  sẵn sàng tiếp thu cách suy nghĩ mới, công nghệ mới và phương pháp mới. Năm 1975 con số này tăng lên 80,5 % và lên gần tuyệt đối vào những thập niên gần đây. Điều này thể hiện người dân tin rằng họ có thể có một tương lai tốt hơn dựa vào sự tiến bộ của KH-CN mà khả năng sáng tạo là của chính họ.

Nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công của Seamaul Undong trong quy mô làng xã là các chương trình giáo dục, đào tạo, tập huấn, tham quan, hội thảo, phổ biến, ứng dụng KH-CN được thực hiện bài bản và được tiếp nhận sáng tạo của cộng đồng, làm cho năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả xây dựng nông thôn ngày càng được nâng cao.

Kinh nghiệm của Israel

Israel với diện tích 21.000 km2, phần lớn là sỏi đá, sa mạc khô cằn và độ dốc lớn,  có thể đưa vào canh tác nông nghiệp khoảng 400.000 ha, hiện có khoảng 200.000 ha được sử dụng. Để trồng trọt, người dân  Israel phải san ủi đá, đổ một lớp cát dày 30-40 cm và canh tác trong điều kiện lượng mưa thấp, như ở miền Nam Israel lượng mưa chỉ 50 li/năm. Nhưng Israel được coi là "khu nhà xanh" châu Âu, cung cấp 60% rau gia vị cho EU và một lượng rau xanh và lượng hoa khổng lồ, bất chấp thời tiết khắc nghiệt như thế nào. Nhiều năm vẫn duy trì được vị trí nhà cung cấp nông sản số một cho Liên minh châu Âu. Đóng vai trò chính đem đến sự thành công là do:

Sự hợp tác giữa nhà nông và nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp của Israel, dựa vào một tiêu chí cao nhất là "đoàn kết". Các công nghệ mới được đưa thẳng xuống đồng ruộng, trong đó công nghệ tưới tiết kiệm nước, đáp ứng nền nông nghiệp công nghệ cao đã đảm bảo cho Israel duy trì được nền sản xuất nông nghiệp đều đặn quanh năm, không lệ thuộc vào thời tiết. Nông sản Israel đáp đứng được nhu cầu và thị hiếu cũng như tiêu chuẩn chất lượng hết sức ngặt nghèo của EU.

Yếu tố cộng đồng trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong làng xã của Israel đến nay vẫn được xem là đặc điểm cốt lõi duy trì sự bền vững và tạo điều kiện cho nông nghiệp Israel phát triển, đồng thời thu hút mạnh mẽ sự đoàn kết các nhà khoa học cho phát triển.

Đầu tư KH-CN: Israel cũng là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Nguồn lực này được cung cấp trực tiếp cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng và các nhà đầu tư giữ bản quyền sáng chế. Sự phối hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu đảm bảo cho các nhà khoa học một mức ưu đãi đủ để phát huy tối đa năng lực hoạt động chuyên môn.

Kinh nghiệm  của Thái Lan

Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp truyền thống; dân số nông thôn chiếm khoảng 80% dân số cả nước. Hàng thập kỷ qua, nông nghiệp Thái Lan luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho người dân. 

Để thúc đẩy nền nông nghiệp, phát triển bền vững Thái Lan đã áp dụng một số chiến lược như: Tăng cường vai trò các cá nhân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ của từng cá nhân và tập thể, thông qua các lớp học và các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tăng cường công tác bảo hiểm xã hội cho nông dân, giải quyết tốt vấn đề nợ trong nông nghiệp; giảm nguy cơ rủi ro và thiết lập hệ thống bảo đảm rủi ro cho nông dân.

Chính phủ chú trọng đến KH-CN, đặc biệt là công nghệ hiện đại để tạo nên những sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường lớn. Do vậy, chúng ta thấy hàng nông sản của Thái Lan hiện nay hết sức đa dạng, mẫu mã đẹp, có độ tin tưởng về an toàn vệ sinh thực phẩm và nó đã được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU chấp nhận.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã thể hiện vị trí của nó trong những thời khắc lịch sử của đất nước. "Dĩ nông vi bản" không chỉ là truyền thống của đất nước mà còn đúng và giá trị không chỉ cho hôm nay và cả ngày mai trong xã hội công nghiệp phát triển. Ở Hy Lạp trong cơn đại khủng khoảng  với một phần tư người dân bị mất việc, trong số họ có nhiều người đã tìm về nông thôn. Panos Kantas, 29 tuôi, lập trình viên máy tính người   Hy Lạp nói: "Thậm chí chỉ 2 năm trước, tất cả mọi người đều nghĩ chúng tôi điên. Nhưng bây giờ thì đã khác. Cuộc khủng hoảng đã chứng minh được điều gì là cần thiết với chúng tôi và với mọi người". Đây là thông điệp có giá trị cho tất cả chúng ta.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang mời gọi các nhà khoa học, đây cũng là nơi để các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu, ứng dụng KH-CN và thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Những công trình KH-CN, những giải pháp tổ chức, quản lý có giá trị  góp phần phát triển sản xuất, đời sống và bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa nông thôn Việt Nam không những cần được coi trọng mà cần được tôn vinh một cách thiết thực./.

 PGS.TS Hà Lương Thuần  
Nguồn: tuyengiao.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm140
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại909,193
  • Tổng lượt truy cập92,082,922
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây