Học tập đạo đức HCM

Kỳ dị giống gà không... phao câu

Thứ ba - 29/01/2013 22:02
Mặc dù hầu hết người dân địa phương không biết, không tin, nhưng được tận mắt thấy, tay sờ thì thấy giống gà không có phao câu là có thực ở xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang).

 

 

Mải mê với giống gà lạ, anh Tưởng ướm hỏi chủ nhà Min Phà Si: "Tôi muốn mua mấy con gà không phao câu về nuôi chơi, được không? Nếu không thì tôi mua một con to, thịt ra để uống rượu luôn".

Những tưởng ông chủ nhà sẽ nhăn nhó tiếc rẻ, ai dè Min Phà Si cười tươi như buổi sáng nay chưa hề uống đủ rượu: "Được thôi, được thôi. Nhưng mỗi cân gà là phải 120.000 đồng đấy nhé".

Một góc thôn Tà Chải dưới chân Tây Côn Lĩnh
Trẻ em Clao

Phó thôn Súng Phà Sinh có vẻ nể khách, đặt chén trà xanh cổ thụ Túng Sán thơm ngon đã có thương hiệu xuống đất, quay sang rụt rè bảo: "Mình mất công đem gà xuống tận xã cũng bán được có 100.000 đồng/kg mà".

Min Phà Si cười hà hà: "Nhưng các anh leo đèo lội suối lên đây mua chắc là cần nó, nên phải bán hơn một chút chứ. Khi mình cần tiền, phải đem gà xuống xã thì sẽ bán rẻ hơn".

Cả Tưởng và Vui đều bật cười trước cái "lý" hồn hậu của người đàn ông trẻ dân tộc Clao. Với họ, giống gà xương đen ngày chạy đồi, đêm ngủ cành cây mà dân bản đem bán ở chợ thị trấn Hoàng Su Phì đã có giá 160.000 đồng/kg.

Trong đàn gà cùng mẹ, chỉ có vài con gà không phao câu

Hơn nữa, có mấy ai mua gà giống lại được tính bằng cân hơi? Nhất là với giống gà lạ mà họ đang đặc biệt thích thú, thì họ đã sẵn sàng chờ nghe một mức giá cao hơn nhiều. Vậy nên giá cả không còn là vấn đề nữa.

Vấn đề ở chỗ, số gà không phao câu của Min Phà Si chỉ còn toàn gà mái, làm sao đủ cặp để làm giống? Min Phà Si gãi đầu gãi tai: "Gà trống vừa làm thịt ăn hết rồi. Vì nó không có phao câu, không đem lên bàn thờ cúng tổ tiên được, nên mỗi lần thịt gà đều chọn chúng trước".

"Tôi cũng vừa được ăn thịt gà trống không phao câu ở bản bên. Thịt có mùi hương lúa, rất dai, giòn, ngọt hơn những loại gà khác đấy. Chắc tại những thứ ngon lành vốn tích ở phao câu đều đã ngấm hết vào xương thịt. Nhưng người Clao chúng tôi không ai cúng tổ tiên bằng thứ gà này đâu. Vì sợ khi các cụ 'ăn', thấy thiếu một miếng, cho rằng con cháu không thành kính lại chẳng quở trách cho ấy chứ", Súng Phà Sinh phân trần.

Anh Min Phà Si đang cân gà giống để bán cho khách

Cả mấy "khách mua gà" cùng ồ lên vì khám phá thú vị. Có lẽ nào vì ngại điều đó mà mỗi khi đem gà xuống xã bán, người Clao lờ tịt đi chuyện gà không có phao câu? Từ đó mà danh tiếng của giống gà độc đáo của vùng đất này không được mấy ai biết đến?

Con gà mái to không phao câu của Min Phà Si đang đẻ trứng, sắp vào ấp nên Si ngần ngại không muốn bán. Mấy con gà nhỏ thì đều đuôi cụp như nhau, nhìn chưa rõ là gà trống hay mái. Chỉ có đám gà nhà Min Phà Díu là to hơn.

Cả Si và Sinh cùng thay nhau lấy điện thoại liên lạc với Díu. Díu vẫn ở đám Ma khô, nhưng có lẽ đã xong giờ lễ, không phải thổi kèn nữa nên "a lô" trao đổi oang oang bằng tiếng Clao.

Hồi lâu, Súng Phà Sinh bảo: "Díu đồng ý bán một con thôi, mà 130.000 đồng/kg đấy". Cả nhóm liền leo dốc sang nhà Min Phà Díu. Ông Min Hồng Phà (bố đẻ của cả Díu và Si) muốn nghe lại lời của Díu, rồi gọi vợ cùng giúp khách ra đồi đuổi gà.

Ông Min Hồng Phà tin rằng, gà sẽ mọc lại phao câu khi rời Túng Sán sinh sống.

Bắt được gà rồi, ông Phà vui vẻ mang ra cho khách thêm chiếc lồng nan để nhốt. Nhưng mặt ông cụ có vẻ ưu tư như ẩn giấu điều gì không vui chưa nói. Hồi lâu, ông gọi chúng tôi lại, nói bằng tiếng Clao, nhờ phó thôn Súng Phà Sinh dịch lại: "Gà này ăn ở đây thì rất ngon, nhưng đem đi nơi khác ăn không được như thế đâu nhé". Tôi gật đầu ra vẻ hiểu chuyện: "Giống như trà Túng Sán đem khỏi đất này, màu nước đâu còn sánh, vị đâu còn ngọt đượm như uống ở đây".

Phấn khởi vì được hưởng ứng, ông Min Hồng Phà nói luôn một hơi: "Với lại gà ở đây không có phao câu, nhưng đem về vùng khác nuôi lại mọc phao câu đó. Không thì nó cũng chết non thôi".

Động vật không hợp thổ nhưỡng thì khó nuôi là chuyện dễ hiểu. Nhưng quả thực tôi chưa từng nghe chuyện một con gà có thể thay đổi cấu tạo nhóm xương cùng, cụt trong vòng đời như vậy bao giờ.

Phó thôn Súng Phà Sinh vặn vẹo ngón tay, nói: "Tôi cũng chưa từng theo dõi con gà không phao câu nào khi nó rời Túng Sán cả, nên chưa biết thực hư. Nhưng chuyện nó không sinh đẻ được, hoặc đẻ ra gà con lại có phao câu thì có thể lắm chứ".

Người Clao không bao giờ dùng gà trống không phao câu để cúng tổ tiên.

Nhưng cả Tưởng và Vui đều chẳng bận tâm gì về lời "khuyến cáo" của ông Min Hồng Phà. Trong vườn nhà họ đang có nhiều giống lợn, gà, chim lạ từ nhiều vùng đất khác nhau sinh sống, nên việc chăm sóc chắc không đến nỗi quá kỳ công.

Hơn nữa, được nuôi và theo dõi những đổi thay "bí ẩn" của giống gà có một không hai này, với họ đã là sự trải nghiệm thú vị.

Trịnh Hữu Tưởng vui vẻ quay sang hỏi Min Phà Si: "Anh để lại cho em ít trứng gà của con gà mẹ không phao câu kia nhé. Nếu nó nở được cả trống và mái, em thử nhân giống xem chúng có mọc lại phao câu không?".

Min Phà Si ngập ngừng, rồi ý chừng nể khách, lật đật ra chái nhà nhặt nửa ổ trứng. "Bốn nghìn một quả à anh?", Tưởng hỏi. "Không!". "Năm nghìn ạ?". "Làm gì mà đắt thế? Ba nghìn thôi", người đàn ông Clao hồn hậu đáp vội, miệng cười tươi rói.

Anh Trịnh Hữu Tưởng cắt trụi lông đuôi để khoe gà không có phao câu.

Nãy giờ không thấy mặt, bỗng người vợ của Min Phà Si xuất hiện với một nồi cơm thơm phức. Trên chiếc mâm tròn đan bằng vầu đặt giữa nhà, năm bát cơm trắng được xới ra. Một chai rượu ngô đặt con cón bên cạnh. Chị niềm nở mời chồng, mời khách dùng bữa.

Người Clao là vậy. Khách đến nhà, ban đầu phải nhóm lửa đun trà mời khách, rồi cùng nhau ăn bát cơm nhạt, uống chén rượu ngô mới trọn tình thân mật. Chuyện mua biếu cho tặng nhau giống gà kỳ lạ, hay gì gì khác nữa không quan trọng. Chỉ có tấm lòng thực thà hiếu khách lúc nào cũng được chủ nhà chăm chút tự nhiên như hơi thở của mình.

Đám khách hân hoan ra về vì có được ổ trứng và lồng gà giống lạ. Còn với những người Clao trọn đời sinh sống dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh trùng điệp bốn mùa mây mờ che phủ, có khách đến chơi nhà vì lũ gà không phao câu, càng thêm ấm áp cho tình người nơi đây.

Theo danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập344
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm341
  • Hôm nay22,997
  • Tháng hiện tại201,564
  • Tổng lượt truy cập90,264,957
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây