Để đáp ứng tốt hơn cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất lúa của nông dân Kiên Giang, dự án cạnh tranh nông nghiệp đã đầu tư máy gặt đập liên hợp, lò sấy lúa, nhà kho. Cuối tháng 4.2014, dự án tiếp tục hỗ trợ 3 bộ thiết bị san phẳng mặt ruộng (MR) bằng tia laser (trị giá 250 triệu đồng/bộ), bàn giao cho TTKNKN Kiên Giang quản lý để chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng rộng rãi cho nông dân.

Kỹ sư Phù Khí Nguyên - Phó Giám đốc TTKNKN - cho biết, bộ thiết bị này có dàn phát sóng ngang song song với MR cần trang; trên máy kéo có bộ phận nhận sóng có hộp điều khiển. Người lái máy không cần phải điều chỉnh lên xuống, chỉ cần gài độ chuẩn MR, khi lái trang từ trên cao sẽ tự cào xuống chỗ thấp và cho MR bằng phẳng…

Theo các nhà chuyên môn và kinh nghiệm của nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL, sử dụng bộ thiết bị laser để san phẳng MR giúp nhà nông thuận lợi trong canh tác (quản lý cỏ dại; giảm chi phí bơm nước; giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), năng suất lúa tăng nhiều so với trước đây.

 

 San phẳng mặt ruộng bằng tia laser trên diện tích canh tác lúa của hộ ông Trần Văn Hùng.

Còn theo kỹ sư Phù Khí Nguyên, hiện trong sản xuất lúa đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới, nhưng hầu như các biện pháp kỹ thuật hay công nghệ đều đòi hỏi về mặt bằng đồng ruộng. Chẳng hạn như, nếu mặt bằng đồng ruộng không bằng phẳng, việc xử lý cỏ cũng không đồng đều. Khi bón phân, nếu đất không bằng thì bón cũng không đồng đều dẫn tới lúa chín không đồng đều nên chất lượng không đạt và thu hoạch bằng máy cũng khó khăn. Do vậy, nhu cầu trang phẳng MR trước khi gieo sạ hết sức cần thiết.

Theo tính toán của TTKNKN Kiên Giang, nếu thực hiện cơ giới hóa đồng bộ (trang MR bằng phẳng, sạ hàng bằng máy…) chi phí mỗi ha giảm 2 - 3 triệu đồng; năng suất tăng 15%, chất lượng sản phẩm cũng tăng và còn giảm giảm 50% việc bơm nước vào ruộng trước khi gieo sạ.

Sau khi san phẳng MR bằng tia laser tại mô hình thực hiện trên diện tích của hộ ông Trần Văn Hùng, TTKNKN Kiên Giang tiếp tục sử dụng giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường, sạ lúa bằng máy, áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, lúa chín thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Còn ông Hùng cho biết, trang bằng MR bằng tia laser kết quả rất tốt so với trang bằng thủ công.