Học tập đạo đức HCM

Người nuôi thủy sản cần thay đổi cách dùng kháng sinh

Thứ bảy - 23/07/2016 22:45
Ngày nay, việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh trong nuôi thủy sản là phổ biến và cần thiết. Tuy nhiên, việc người nuôi thủy sản phụ thuộc hoàn toàn vào kháng sinh bằng cách cho tôm, cá ăn trong một khoảng thời gian dài, thậm chí tạt kháng sinh vào môi trường ao nuôi tôm để phòng bệnh là vấn đề đáng báo động. Bởi việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng mất an toàn thực phẩm hay tình trạng vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh trên thủy sản nuôi và cả con người. Đây cũng là nguyên nhân làm mất thị trường xuất khẩu.

 

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra chuyên đề từ việc sản xuất, kinh doanh đến việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (Ảnh chụp cán bộ ngành Nông nghiệp đang kiểm tra đại lý thuốc ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang).

Phụ thuộc hoàn toàn vào kháng sinh

Những năm qua, tình trạng nông dân lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản khá phổ biến. Nguyên nhân một phần là do các công ty kinh doanh thuốc thú y thủy sản tổ chức hệ thống phân phối đến tận ao nuôi của nông dân, còn bà con có tâm lý dùng thuốc thì mới yên tâm.

Ông Nguyễn Văn Đức, người nuôi tôm ở xã Bình Đông (TX. Gò Công - Tiền Giang), cho biết, gần đây, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm bùng phát mạnh nên người nuôi phải sử dụng kháng sinh kết hợp giữa cách trộn vào thức ăn với tạt vào môi trường nước để phòng bệnh cho tôm. Hiện nay, Enrofloxacin là loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng,  hiệu quả diệt khuẩn cao nhất nên được nhiều người nuôi tôm chọn sử dụng bên cạnh các loại kháng sinh thông thường như Oxytetracylin, Flophenicol…

Khi biết Enrofloxacin là loại kháng sinh cấm sử dụng do ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc trên người thì ông Đức cho biết, hiện nay chưa có loại kháng sinh nào thay thế nên đành phải dùng. “Ngày nay, nuôi tôm là phải sử dụng kháng sinh do mầm bệnh nhiều. Nông dân như tụi tôi làm sao để tôm đạt cỡ thu hoạch là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Còn nếu nói, ngày nay nuôi tôm không dùng kháng sinh mà thành công được thì có lẽ là chuyện vô cùng phi lý”, ông Đức nói.

Nhân viên quản lý ao nuôi cá tra cho một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở xã Tam Bình (Cai Lậy - Tiền Giang) cho biết, năng suất nuôi cá tra ở cơ sở này có thể đạt tới 700-800 tấn/ha thay vì chỉ khoảng 300 tấn/ha như ở các hộ nuôi ở địa phương. Một trong những bí quyết để đạt được năng suất cực cao này là nhờ sử dụng kháng sinh Enrofloxacin, bởi vì khi sử dụng loại kháng sinh này để cho cá ăn thì tỷ lệ hao hụt trên cá rất ít, dù mật độ thả cá lên tới 150-200 con/m2.

Sử dụng kháng sinh là biện pháp cuối cùng

Trong điều kiện nghề nuôi thủy sản thâm canh ngày càng phát triển thì việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh là khó tránh. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là, việc lạm dụng kháng sinh, thậm chí việc sử dụng kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng một cách lén lút trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều.

Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do hệ thống nhân viên quảng cáo, tiếp thị của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y thủy sản quá mạnh. Bên cạnh đó, chiết khấu cho các đại lý kinh doanh thuốc thú y lên đến 30%, thậm chí các công ty thuốc thú y không có thương hiệu có thể chiết khấu đại lý đến 50%. Ngoài ra, các đại lý bán thuốc thú y thủy sản có doanh thu tốt còn được đi du lịch nước ngoài, có khi còn được thưởng cả ôtô trị giá hàng tỷ đồng nên cũng tạo động lực để các đại lý đẩy mạnh bán hàng, tư vấn nông dân tăng cường sử dụng kháng sinh để phòng trị bệnh.

Việc lạm dụng kháng sinh, dù là kháng sinh cấm hay cho phép sử dụng thì người nuôi thủy sản cũng đã vô tình tự hại mình do kháng sinh để đặc trị bệnh, không để phòng bệnh. Tuy nhiên, đối với người nuôi thủy sản thì các ao tôm, cá là cả gia tài nên từ khi thả giống xuống ao, chưa cần con tôm bị bệnh, nông dân đã đêm nằm trằn trọc, lo lắng rồi. Việc trộn kháng sinh vào thức ăn để phòng bệnh là biện pháp mà nhiều nông dân không hiểu các nguyên tắc phòng trị bệnh trong nuôi thủy sản dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Pha thuốc kháng sinh vào thức ăn cho tôm.

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, do việc sử dụng không đúng cách và quá nhiều các loại kháng sinh nên đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc và tích tụ dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Theo kết quả làm kháng sinh đồ trên cá bệnh do người dân đem đến phòng kiểm nghiệm bệnh cá (thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang), đa số các mẫu cá bệnh kháng với 7-8 loại kháng sinh, chủ yếu là các loại kháng sinh thường dùng phổ biến hiện nay. Thậm chí, có mẫu cá bệnh kháng với cả 10 loại kháng sinh được dùng làm kháng sinh đồ.

Theo TS.Trần Hữu Lộc (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh), trong hoạt động nuôi thủy sản thâm canh, nếu không có cách quản lý mầm bệnh trong ao nuôi thì vi khuẩn gây bệnh luôn hiện diện và sẽ dẫn đến việc bị lệ thuộc vào kháng sinh. Sử dụng kháng sinh liên tục sẽ dẫn đến việc vi khuẩn kháng kháng sinh, bắt buộc ta phải tăng liều, đổi kháng sinh... và tất yếu dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản khi sử dụng kháng sinh lâu dài.

“Ở góc độ khoa học, tôi không ủng hộ hay bài xích việc sử dụng kháng sinh mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta nên sử dụng sao cho hợp lý và hiệu quả, đúng lúc, đúng liều, đúng thuốc và an toàn. Kháng sinh nên được xem là hàng rào phòng thủ cuối cùng chứ không nên xem là biện pháp phòng bệnh”, TS Trần Hữu Lộc đề xuất.

Khó khăn trong công tác quản lý kháng sinh

Mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện Tổng cục Thủy sản bán giấy chứng nhận lưu hành cho sản phẩm không có tên trong danh mục được phép. Đây là việc làm nguy hại đến sản xuất thủy sản vốn đã khó khăn. Cần nghiêm trị để không xảy ra  sự việc tương tự.

Hiện nay, người nuôi thủy sản sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng như: Enrofloxacin, Malachite Green, Ciprofloxacin, Oxytetracylin, Sulfonamide, Florfenicol, Difloxacin, Amoxicillin..., trong đó Enrofloxacin là loại kháng sinh cấm được nông dân sử dụng phổ biến nhất do có hiệu quả diệt khuẩn cao. Các loại hóa chất, kháng sinh này được người nuôi trồng thủy sản sử dụng dưới dạng nguyên liệu là chính nhưng cũng có trường hợp sử dụng là sản phẩm được bao gói.

Thông thường, người nuôi thủy sản đến đại lý kinh doanh hóa chất, kháng sinh mô tả bệnh và được các đại lý này bán thuốc mà không quan tâm đến các sản phẩm đó có phải là chất cấm hay không. Cũng có trường hợp người nuôi thủy sản chủ ý mua kháng sinh cấm về sử dụng để mong hiệu quả điều trị bệnh cao. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là, người nuôi chưa quan tâm đến thời gian sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh các hóa chất, kháng sinh cấm tại các đại lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản hiện nay rất tinh vi bằng cách chứa hàng ở nơi khác chứ không để tại cửa hàng. Do đó, việc phát hiện sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm chủ yếu thông qua chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, hiện nay một số hóa chất, kháng sinh là chất cấm trong nuôi thủy sản nhưng lại được sử dụng trong chăn nuôi, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các chất này. Cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hóa chất, kháng sinh cấm không có địa chỉ rõ ràng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát. Cũng có trường hợp hóa chất, kháng sinh cấm được các công ty tổ chức bán trực tiếp cho các hộ nuôi thủy sản nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, cho rằng, ngành Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng tuyên truyền về  tác hại của những loại hóa chất, kháng sinh cấm đến người nuôi thủy sản và các đối tượng có liên quan như sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, hóa chất, kháng sinh, thức ăn thủy sản. Đồng thời, thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT cần nâng cao chất lượng, cũng như thường xuyên tổ chức thanh - kiểm tra chuyên đề việc sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh có liên quan đến nuôi thủy sản trên địa bàn.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác thú y thủy sản. Trong đó nêu rõ, nuôi thủy sản, nhất là xuất khẩu thủy sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Dịch bệnh trên thủy sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không tuân theo hướng dẫn, quy định dẫn đến tồn dư trong sản phẩm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, một số thị trường xuất khẩu quan trọng đã từng tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam…

Hơn lúc nào hết, cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ “đầu vào” của các ngành chức năng, cùng với chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng kháng sinh, hóa chất an toàn, hợp lý, giúp thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp giữ vững thị trường xuất khẩu, bảo vệ uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Thành Công/kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập331
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm327
  • Hôm nay21,532
  • Tháng hiện tại200,099
  • Tổng lượt truy cập90,263,492
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây