Học tập đạo đức HCM

Nông dân Hà Tĩnh thêm lựa chọn

Chủ nhật - 24/08/2014 01:28
Liên tục 5 vụ gần đây, nông dân Cẩm Bình sử dụng lúa giống của TCty VTNN Nghệ An SX và cung cấp, kết quả cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon, giá bán cao.

Vụ HT năm nay, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chỉ đạo các xã triển khai cơ cấu giống lúa, gồm các giống Khang dân 18, Hương thơm số 1, nếp…nhưng người dân nhiều nơi không đồng tình, mà vẫn tiếp tục gieo cấy giống lúa gạo đỏ và VTNA 2 của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An.

imge001094215317
Giống lúa VTNA2 trên đồng ruộng Cẩm Bình

Để dân tự chọn bộ giống có lợi nhất

Một ngày giữa tháng Tám, trong cái nắng cuối mùa, chúng tôi về xã Cẩm Bình, một vựa lúa lớn của huyện Cẩm Xuyên. Cả cánh đồng mẫu lớn lúa đã uốn câu, vàng rực trong nắng, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Gặp ông Phạm Văn Thiệp, xóm Tân An đi thăm đồng, ông cho biết: “Nhà tôi cày một mẫu ruộng, vụ này tôi trồng 4 sào gạo đỏ, 3 sào VTNA2. Hai giống lúa này ngắn ngày, cho năng suất cao, gạo ngon, được thị trường ưa chuộng”.

Ông Thiệp cho biết thêm, người dân xóm Tân An nói riêng và cả xã Cẩm Bình nói chung đều sử dụng hai giống lúa gạo đỏ và VTNA2. Đi sâu vào xóm Tân An, biết chúng tôi là nhà báo về tìm hiểu tình hình SX, nhiều người dân đã tìm đến để trao đổi.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho hay, vụ hè thu năm nay nhà ông làm 16 sào, trong đó 7 sào lúa gạo đỏ, 8 sào VTNA2. “Lúa đỏ cho năng suất cao, gạo ngon cực kì. Chúng tôi còn được thông tin là trong gạo đỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng quý. Nhưng thực chất chúng tôi chỉ ăn cho biết, để lại dùng khoảng 1 yến (10 kg), còn lại bán cho TCty VTNN Nghệ An vì Cty thu mua với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Lúa gạo đỏ được mua với giá 9.000 đ/kg, trong khi lúa Khang dân 18 giá chỉ có 5.800 - 6.000 đ/kg. Vụ vừa qua bội thu, dân phấn khởi lắm”, ông Chiến nói.

Bà Phạm Thị Tuyết cày một mẫu rưỡi, chủ yếu gieo cấy giống lúa gạo đỏ và VTNA2, cho biết: “Nhà tôi chỉ trồng vài sào Khang dân 18 để chăn nuôi, vì giống này gạo không ngon, giá rẻ. Trong khi đó giống gạo đỏ và VTNA2 chi phí đầu tư không cao, lại được TCty VTNN Nghệ An cho nợ tiền giống, phân bón không tính lãi. Đến khi thu hoạch, lúa được thu mua với giá cao”.

Khi được hỏi vì sao tỉnh không cơ cấu giống gạo đỏ và VTNA2 mà người dân vẫn chọn hai giống này, bà Tuyết nói: “Vụ vừa qua, tỉnh cơ cấu một số giống nhưng dân không thống nhất, vì thấy sử dụng giống của TCty VTNN Nghệ An nông dân có lợi trăm bề”.

Ông Nguyễn Văn Chiến nói thêm: “Bây giờ ruộng đã khoán thẳng cho dân rồi, dân chúng tôi có quyền tự do lựa chọn giống; thấy giống nào có lợi hơn thì bà con chúng tôi sử dụng”.

Cơ cấu một đằng, dân chọn một nẻo?

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Cẩm Bình thông tin: “Cẩm Bình có 475 ha đất trồng lúa, vụ HT năm nay, khoảng 70% diện tích gieo cấy giống gạo đỏ và VTNA2. Diện tích còn lại người dân trồng Khang dân 18 để chăn nuôi và trồng lúa nếp để sử dụng trong gia đình.

Liên tục 5 vụ gần đây, nông dân Cẩm Bình sử dụng lúa giống của TCty VTNN Nghệ An SX và cung cấp, kết quả cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon, giá bán cao, chi phí đầu tư hợp lí lại được Cty cho vay phân bón, vật tư không tính lãi đến hết vụ, cộng với chính sách của Cty bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên bà con rất tin tưởng, phấn khởi cứ thế mà làm.

Vừa qua, tỉnh có tổ chức cơ cấu một số giống lúa nhưng người dân không đồng tình vì còn thua kém nhiều mặt so với các giống lúa của TCty VTNN Nghệ An”.

Ông Hùng cho biết thêm, vụ ĐX vừa qua, sử dụng giống lúa gạo đỏ và VTNA2, Cẩm Bình được mùa lịch sử, năng suất trung bình 3,2 - 3,3 tạ/sào. Gạo đỏ Cty thu mua với giá cao nên nhiều nhà không để lại ăn mà bán hết, còn lúa VTNA2 thì bán ra ngoài với giá 7.500 - 8.000 đ/kg. Vụ HT năm nay cũng hứa hẹn được mùa, mặc dù sâu cuốn lá hoành hành khắp đó đây nhưng đối với các giống lúa nói trên đều phòng trừ sâu bệnh tốt.

"Khi có cơ cấu giống của huyện, chúng tôi về triển khai thì dân không đồng tình, vì giá lúa bán ra thị trường thấp quá. Do đó, chúng tôi đã có tờ trình gửi huyện tỉnh, đề xuất dân Cẩm Bình đã dùng giống của TCty VTNN Nghệ An 5 mùa rồi, cho thấy năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, nay đề nghị tiếp tục được dùng giống của Cty.

Nhưng không thấy tỉnh, huyện có phản hồi. Do đó bà con chúng tôi cứ chọn giống nào tốt, năng suất và hiệu quả cao thì làm", ông Hùng nói tiếp.

Đến Cẩm Nam, chúng tôi cũng không khỏi choáng ngợp trước cánh đồng mẫu lúa sắp chín mênh mông nặng trĩu bông. Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm HTX Trần Hữu Hương cho biết: “Vụ HT năm nay, Cẩm Nam thực hiện cánh đồng mẫu 250 ha gieo cấy giống VTNA2, cho thấy được mùa lớn. Thực tế cho thấy đây là giống lúa có sức đề kháng sâu bệnh cao, sâu cuốn lá cơ bản phòng chống được. Đối với các loại sâu bệnh khác, nếu người dân thực hiện đúng qui trình kĩ thuật thì đều hạn chế được”.

Còn tại xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ), vụ ĐX 2014, do nắm được kĩ thuật xử lý giống, nên tỉ lệ nảy mầm giống VTNA2 đạt xấp xỉ 100%, nông dân SX cánh đồng mẫu đạt gần 150 ha bằng giống VTNA2. Kết quả cho năng suất vượt trội, trung bình 66 - 70 tạ/ha, đặc biệt có thửa lên đến 4 tạ/sào, lại cho gạo ngon đặc biệt, dẻo, thơm.

Được biết vừa qua, lãnh đạo TCty có chuyến công tác với đoàn cán bộ cấp cao các Bộ, ngành sang Nhật Bản đặt quan hệ thương mại với mục đích, mở hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, Tổng Giám đốc Trương Văn Hiền có mang theo sản phẩm gạo đỏ, qua giới thiệu được phía bạn chấp nhận đánh giá cao.

Một số địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh, mặc dù không được cơ cấu, nhưng bà con nông dân vẫn lựa chọn các giống lúa do TCty VTNN Nghệ An cung cấp.

Những người dân được hỏi đều cho biết bây giờ cơ chế thị trường, dân chúng tôi tự chủ động trong SX, miễn sao có lợi nhất, còn cơ cấu giống của tỉnh, huyện chỉ có tính chất gợi ý chứ không nên bắt buộc. Do đó, bà con lựa chọn giống đã có thương hiệu của nhà cung cấp có uy tín, có lợi cho dân hơn.

Nguyên nhân của tình trạng “tỉnh cơ cấu giống một đằng, dân chọn một nẻo” là do vào vụ ĐX 2014, giống VTNA2 của TCty VTNN Nghệ An cung cấp có tỷ lệ nảy mầm kém. Mặc dù ngay sau đó, Cty đã tiến hành khắc phục kịp thời bằng cách thu hồi, cung cấp giống mới và đền bù thỏa đáng, một số địa phương biết cách xử lí thì cho tỷ lệ nảy mầm 100% như Đức Dũng, nhưng sau đó tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trương không cơ cấu giống của TCty VTNN Nghệ An.

Việc cơ cấu giống được giao cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng doanh nghiệp này thực sự chưa đủ mạnh, phần nữa chưa có kinh nghiệm SX lúa giống. Nên vụ SX HT này đưa vào cơ cấu những giống kém hiệu quả như Khang dân… người dân nhiều nơi không đồng tình.

Do đó, ở nhiều địa phương, người dân đã tự “cơ cấu giống” cho mình, và một trong những địa chỉ tin cậy mà bà con tìm đến đó là TCty VTNN Nghệ An. Đây là một doanh nghiệp đã có bề dày nhiều năm nghiên cứu, SX giống và vật tư nông nghiệp, có nhiều giống lúa, ngô… được đưa vào cơ cấu giống quốc gia, được người dân đặt trọn niềm tin xuất phát từ hiệu quả thực tiễn nhiều năm qua.

“Nhân vô thập toàn”, một sự cố nhỏ trong vụ xuân vừa qua trên địa bàn Hà Tĩnh không thể đánh mất niềm tin của người dân vào thương hiệu của doanh nghiệp có uy tín, gắn bó với bà con nông dân lâu năm. Không chỉ ở Hà Tĩnh, mà người dân Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định…cũng đã đặt trọn niềm tin vào doanh nghiệp này.

Ông Trương Văn Hiền, nguyên đại biểu Quốc hội, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TCty VTNN Nghệ An, nói: “Niềm tin của người dân là động lực, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn mà TCty chúng tôi phải nỗ lực gìn giữ, đền đáp. Kế thừa những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa, đồng hành cùng bà con nông dân, góp phần thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, không chỉ trên địa bàn các tỉnh miền Trung mà còn trên cả nước”.

Trần Đại
Nguồn nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại201,207
  • Tổng lượt truy cập92,578,871
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây