Dự án đã hỗ trợ được người dân có thể trồng rừng và tự khai thác hiệu quả. Mục tiêu là nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững.
TS Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến nay đơn vị đã đào tạo được 37 tập huấn viên tại các tỉnh Hòa Bình và Hà Tĩnh. Các tập huấn viên đã về mở được 80 lớp đào tạo về SX lâm nghiệp cho 2.400 lượt nông dân. Nhà trường tiếp tục đào tạo bổ sung cho 40 tập huấn viên về phát triển nhóm nông dân SX lâm nghiệp quy mô nhỏ.
“Đây chính là lực lượng nòng cốt tiến tới thành lập 40 nhóm hộ nông dân trồng rừng tại 2 tỉnh nói trên. Mục tiêu chính của chúng tôi là thúc đẩy phát triển mạng lưới nông dân tham gia trồng rừng”, TS Phạm Thanh Hải chia sẻ.
Tại Hà Tĩnh, đã có 581 thành viên tự nguyện tham gia vào 40 nhóm nông dân trồng rừng. Trong đó, có 16 nhóm tham gia trồng mới, 11 nhóm chuyên khai thác, 12 nhóm tỉa thưa, tỉa cảnh, còn lại 1 nhóm có nhiệm vụ làm đường.
Ông Trần Văn Quế, cán bộ lâm nghiệp dự án tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mạng lưới nông dân trồng rừng giao cho Hội Nông dân Hà Tĩnh quản lý. Qua mạng lưới này, đã có 1.200 người dân được tập huấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, phát triển rừng một cách bền vững. Về cơ bản, sau khi tham gia lớp tập huấn, các hộ dân đã áp dụng đúng kỹ thuật trồng rừng, khai thác rừng khá tốt.
Một vườn ươm giống cây keo lai tại Hòa Bình
Anh Trần Văn Tài, thôn Tượng Sơn, xã Sơn Hàm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đánh giá, dự án đã đem lại giá trị thực của rừng. Mạng lưới tự khép kín chu trình SX giúp các hộ trồng rừng yên tâm, gia tăng thu nhập. So với thu nhập trước khi tham gia dự án, người dân lãi thêm 2,5 triệu đ/ha rừng.
Còn anh Đoàn Quang Thưởng, trưởng nhóm vườn ươm xóm 14, xã Sơn Thủy (Hương Sơn) thì cho biết, năm 2012, vườn ươm này đã bán được 9 vạn cây giống, chủ yếu là keo lai, thu về 54 triệu đồng. “Năm nay, chúng tôi đã làm được 18 vạn cây giống gồm keo tai tượng và xoan. Phần lớn là để cung cấp cho các nhóm trồng rừng trong mạng lưới, nếu thừa sẽ bán ra thị trường”, anh Thưởng nói thêm.
Ông Hoàng Hưng, cán bộ lâm nghiệp của tỉnh Hòa Bình cho biết, dự án đã hỗ trợ thiết lập và đưa vào vận hành 3 vườn ươm tại 2 huyện Đà Bắc và Cao Phong. Người nông dân được cán bộ của trường, tập huấn viên giảng dạy tỉ mỉ về kỹ thuật giâm hom cho các loại cây. Bên cạnh đó, kỹ thuật về khai thác, sử dụng, bảo dưỡng máy cưa cũng được cán bộ dự án hướng dẫn tận tình.
Ông Hưng cho biết, trong thời gian tới, việc quan trọng phải làm là quản lý và vận hành sao cho tốt 3 vườn ươm, cung cấp đủ giống cho người dân trồng rừng. Về đầu ra, Hòa Bình cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp thị, cung ứng các sản phẩm lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ ra ngoài thị trường.
Ngoài gỗ, nhiều hộ nông dân đã biết tận dụng tán rừng để nuôi ong lấy mật. Chị Nguyễn Thị Bắc, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) cho biết, mô hình nuôi ong lấy mật đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế.
Là vùng rừng núi, có nhiều cây rừng, cây ăn quả, Trúc Sơn tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong, lượng mật thu được chất lượng cực ngon. Một nhóm các hộ nông dân gồm 20 người đầu tư mua 14 thùng ong về nuôi lấy mật. Hiện đàn ong này phát triển khá tốt. 14 thùng ong đã cho thu khoảng gần 100 lít mật, bán được hơn 20 triệu đồng.
Việc tận dụng tán rừng nuôi ong, ngoài việc tăng thu nhập cho người dân, nó còn nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Chị Bắc cho biết, nguồn vốn thu được từ việc bán mật ong, các hộ dân sẽ quay vòng để mua giống, phân bón chăm sóc đầu tư cho trồng rừng.
PGS.TS Phạm Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) cho rằng kết quả thu được từ dự án sau 3 năm triển khai là khá khả quan. Bộ NN-PTNT ghi nhận và đánh giá cao những gì trường Cao đẳng NN-PTNT làm được.
Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, trong thời gian tới, đơn vị này vẫn hỗ trợ nhà trường đẩy mạnh, mở rộng dự án. Cụ thể, Hội Nông dân sẽ gắn các hoạt động của hội với dự án “Thêm cây”, tăng cường giao lưu, hợp tác, chia sẻ khó khăn trong quá trình hoạt động.
Hiện dự án còn nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Khuyến lâm Đan Mạch (DEF). Giám đốc DEF, ông Karsten chia sẻ, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác, nhu cầu về gỗ ngày càng tăng trong khi nguồn cung tự nhiên ngày càng hạn chế. Phát triển SX lâm nghiệp quy mô nhỏ sẽ là một giải pháp hay tạo nguồn cung về gỗ.
“Phát triển trồng rừng giúp người dân nâng cao thu nhập đồng thời giúp con người ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Mong rằng, với sự hỗ trợ của chúng tôi, dự án “Thêm cây” sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng trên nhiều địa phương khác”, ông Karsten bày tỏ mong muốn.
TS Phạm Thanh Hải cho biết, trong giai đoạn tiếp theo của dự án, nhà trường sẽ nhân rộng đào tạo cán bộ thực địa về hỗ trợ người dân trồng rừng. Đồng thời, tiếp tục phát triển mở rộng, xây dựng thêm các mạng lưới hộ nông dân trồng rừng đủ khả năng cung cấp dịch vụ khuyến lâm, giống cây rừng.
Trường Cao đẳng NN- PTNT Bắc Bộ đã biên soạn bộ giáo trình gồm 6 mô đun, cung cấp đủ kỹ thuật, kỹ năng cần thiết về “SX lâm nghiệp quy mô nhỏ”. Bộ giáo trình này đã được đưa lên website của trường tại địa chỉ: http://vcard.edu.vn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã