Học tập đạo đức HCM

Để Khoa học và Công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt

Thứ ba - 18/05/2021 03:51
Hôm nay, ngày 18/5, Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Đây là dịp nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; để cùng với giáo dục và đào tạo, KH&CN trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ngày tôn vinh người làm khoa học và công nghệ

Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất. Ảnh tư liệu

Cách đây 56 năm, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam). Phát biểu tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó…Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi… Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…”.

Lời căn dặn ngắn gọn, cô đọng, súc tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua 58 năm vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn, tư tưởng lớn của Bác Hồ đối với định hướng phát triển lâu dài của nền Khoa học và Công nghệ nước ta.

Tưởng nhớ Người, đồng thời nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN và thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam (quy định tại Điều 7, Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 - Luật số 29/2013/QH13).

Từ đây, ngày 18 tháng 5 trở thành ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong xây dựng, phát triển Tổ quốc.

Nhìn lại chặng đường đã qua, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến tháng 1/2021, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%); tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Trong nông nghiệp đã chọn tạo, công nhận chính thức 32 giống cây trồng, vật nuôi, 36 tiến bộ kỹ thuật, 2 giống lúa được sản xuất quy mô lớn. Nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo tôm mũ ni, hải sâm vú, trai tai tượng. Trong công nghiệp, đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới.

Đặc biệt về y dược, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách và đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vaccine phòng COVID-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu COVID-19, trong đó vaccine Nanocovax đang thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện.

 Hiện nay, cả nước có nhiều sàn giao dịch công nghệ, vườn ươm công nghệ, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển sôi động, với hơn 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp, 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, 40 khu không gian làm việc chung, 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; thị trường công nghệ, hệ thống sở hữu trí tuệ từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh. Các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố được đầu tư nâng cấp. Có nhiều chuyển biến tích cực trong hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ…

Tuy nhiên, có thể thấy, đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao; thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khao học, công nghệ. Cơ chế, chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học, công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Chưa có chính sách hỗ trợ phát triển, tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ; bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa đạt yêu cầu…

Một trong 3 mũi đột phá chiến lược

Nghiên cứu, sản xuất bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2

Để thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định, cùng với phát triển toàn diện nguồn nhân lực; khoa học, công nghệ là một trong 3 mũi đột phá chiến lược trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu tập trung phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời cần phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển gao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ thống sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện của đất nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đây là chủ trương rất quan trọng để đưa khoa học, công nghệ Việt Nam phát triển. Vì vậy, cần sớm rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn với đổi mới toàn diện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học, công nghệ theo cơ chế thị trường, trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội từ Nhà nước đến doanh nghiệp và cá nhân. Nhà nước sẽ hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, trên nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng.

Đảng, Nhà nước cũng xác định phát triển một số ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực đất nước. Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào lĩnh lực trọng yếu. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tâng số, bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu số.

Mặt khác, cần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách thu hút, trong dụng nhân tài, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ.

Với  quan điểm, chủ trương mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII, tin rằng khoa học và công nghệ nước ta sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới./.

Lê Việt/chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập190
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm172
  • Hôm nay21,192
  • Tháng hiện tại214,285
  • Tổng lượt truy cập92,591,949
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây