Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa vừa ký văn bản thông báo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với nuôi tôm sú theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, thời gian bắt đầu thả giống từ tháng 2 đến tháng 9, mật độ thả từ 15 - 25 con/m2.
Các khu vực không nuôi bán thâm canh và thâm canh áp dụng nuôi kết hợp đa dạng sinh học như: tôm sú với cá dìa, cá măng, cá đối mục hoặc cá rô phi, hải sâm, rong câu...Thời gian thả giống từ tháng từ 2 đến tháng 8, mật độ thả dưới 15 con/m2.
Tuy nhiên, ở các vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo người nuôi có thể thả giống đến cuối tháng 9. Mặt khác, người nuôi lưu ý việc thả giống và thu hoạch phải theo phương thức "đánh tỉa thả bù" hoặc thu toàn bộ tùy thuộc vào từng mô hình thực hiện.
Đối với thời gian thả giống tôm thẻ chân trắng từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 9. Nếu nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh nên áp dụng cho những ao lót bạt (mật độ thả giống cao trên 100 con/m2) hoặc ao đất có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và công nghệ nuôi mới, tiên tiến. Xây dựng hệ thống mương cấp, thoát nước riêng biệt, có ao xử lý nước thải, bùn thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài.
Còn trên những ao đất, ít có sự đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, người nuôi áp dụng nuôi tôm theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến. Cách nuôi hiệu quả có thể kết hợp nuôi đa dạng sinh học giữa tôm chân trắng với cá rô phi trong ao chứa lắng, tôm với cua...
Sở NN-PTNT Khánh Hòa còn lưu ý, nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh chỉ nên nuôi 1 vụ/năm, còn nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh và tôm sú quảng canh cải tiến chuyên tôm có thể nuôi 2 vụ/năm. Trong quá trình thả nuôi cần có khoảng thời gian ngắt vụ giữa các vụ nuôi khoảng 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả và 2 tháng đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.
Riêng những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, cũng như chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.
Số liệu Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cung cấp, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 1.574 ha nuôi tôm thẻ, còn lại là diện tích tôm sú, tập trung chủ yếu tại TX. Ninh Hòa và các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, để nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao, Chi cục khuyến khích người nuôi áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất như: Biofloc, Semi Biofloc, công nghệ sinh học, mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao.
“Các mô hình này có quy trình kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện từ khâu chọn giống đến quản lý quá trình nuôi, cũng như đầu tư hệ thống ao nuôi, chủ động xử lý được nguồn nước cấp. Trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sức khỏe động vật thủy sản nuôi. Từ đó, hạn chế rủi ro do bệnh và môi trường giúp người nuôi thu hoạch đạt sản lượng cao”, bà Thư chia sẻ.
Ghi nhận chúng tôi tại vùng nuôi ở xã Ninh Phú (TX Ninh Hòa) hiện có khoảng 10 ha/170 ha nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng theo công nghệ Semi Biofloc từ vài năm nay. Chủ tịch UBND xã Ninh Phú Phạm Thanh Sinh, đánh giá công nghệ Semi Biofloc rất hiệu quả khi áp dụng trên địa bàn xã trong thời gian qua khi không chỉ tạo ra sản phẩm tôm sạch do quá trình nuôi không dùng chất kháng sinh mà còn góp phần bảo về môi trường.
“Vụ nuôi tôm 2020, hầu hết bà con áp dụng công nghệ đều thắng lợi. Trung bình ao nuôi 2.000m2, thả với mật độ 150-200con/m2, người nuôi thu hoạch khoảng 5 tấn, tức khoảng 20 tấn/ha. Nhờ vậy, hộ nuôi lãi nhất hơn 4 tỷ, thấp nhất cũng lãi từ 500-600 triệu, trong khi các hộ nuôi tôm trên ao đất đều thất thu”, ông Sinh cho biết.
Hộ ông Lê Minh Chính, xã Ninh Phú có diện tích 1,5ha ao thả nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi Biofloc, trong năm 2020 ông nuôi 3 vụ với tổng sản lượng thu hoạch trên 150 tấn, sau khi trừ chi phí ông lãi hàng tỷ đồng.
Theo ông Chính giải thích, công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo, còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP.
https://nongnghiep.vn/hieu-qua-cong-nghe-biofloc-trong-nuoi-tom-nuoc-lo-d281872.html
Theo Kim Sơ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã