Khác với các loại nấm thông thường, người dân chỉ cần mua phôi nấm về treo và chăm sóc thì nấm hoàng đế cần trồng cùng với đất.
Vào mùa hè, các trại trồng nấm ở Hà Tĩnh thường phải tạm ngừng sản xuất do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khi nhiệt độ trên 35oC, hầu hết các giống nấm đều phát triển kém. Các giống phổ biến như nấm sò phát triển tốt trong khoảng từ 20 - 28oC, nấm mộc nhĩ là 25 - 32oC...
Nhằm đa dạng các chủng nấm phù hợp với điều kiện địa phương và tăng thêm nguồn thực phẩm sạch, tháng 3/2021, Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật Hà Tĩnh (thuộc Sở KH&CN) đã du nhập giống nấm hoàng đế và sản xuất thử nghiệm.
Quy trình chăm sóc nấm hoàng đế không quá khó, có thể dễ chuyển giao cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Huế, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật Hà Tĩnh cho biết: Sau khi du nhập chủng giống nấm hoàng đế, chúng tôi thực hiện thí nghiệm nhân giống trong môi trường vô trùng của phòng thí nghiệm sau đó mới tiến hành sản xuất bịch phôi nấm trên công thức môi trường khác nhau với số lượng 18.000 bịch. Khi lựa chọn được các công thức phù hợp, chúng tôi đã tiến hành trồng thử nghiệm trên luống và trong thùng xốp. Khác với các loại nấm thông thường khi người dân chỉ cần mua phôi nấm về treo và chăm sóc thì loại nấm này cần trồng cùng với đất sạch.
Nấm hoàng đế thường mọc thành từng cụm, chân nấm dài và phình to ở gốc, kích thước mũ nấm rất to.
Sau khoảng 15 ngày phủ đất, luống nấm đầu tiên đã ra quả thể tươi tốt. Theo quan sát, nấm hoàng đế thường mọc thành từng cụm, chân nấm dài và phình to ở gốc, phần mũ nấm có hình bán cầu dẹt, bề mặt trơn khá nhẵn, chóp mũ hơi ngả vàng, kích thước mũ nấm khá to. Cây nấm chắc và nặng. Với diện tích 1.000 m2 có thể trồng trên 50.000 bịch phôi nấm.
Chị Huế chia sẻ thêm, kết quả ban đầu cho thấy năng suất nấm hoàng đế khá cao, tốc độ phát triển của sợi nấm khỏe nên tránh được rất nhiều loại bệnh và sâu bọ có hại. Trong lứa đầu tiên, nhiệt độ thường xuyên ở ngưỡng 35 - 38 độ C nhưng nấm vẫn phát triển rất tốt. Một phôi nấm (1,4 kg) có thể thu hoạch nhiều lần, dự kiến trung bình đạt năng suất từ 5 - 7 lạng.
Nấm hoàng đế có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao nên có giá dao động 60 – 80 nghìn đồng/kg trên thị trường.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật Hà Tĩnh Trần Đức Hậu cho biết, nấm hoàng đế có tên thường gọi là nấm sữa hay nấm milky, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Loại nấm này có kích thước và trọng lượng lớn hơn hầu hết các loại nấm khác và dễ trồng, ít sâu bệnh có vị giòn, ngọt nấm hoàng đế không chỉ có tác dụng trong việc làm thực phẩm mà nó còn có tính dược liệu thuộc hạng thượng phẩm. Do vậy, nấm hoàng đế có giá trị kinh tế cao, giá thị trường dao động từ 60 - 80 nghìn đồng/kg (giá nấm sò và mộc nhĩ tươi giao động từ 25 - 35 nghìn đồng/1kg).
Về cơ bản, quy trình trồng và chăm sóc loại nấm này không quá khó, môi trường, nhà trại đầu tư tương tự các giống khác như nấm sò, mộc nhĩ... nên người dân hoàn toàn dễ tiếp cận và nhân rộng. Bên cạnh đó, nấm hoàng đế là loại nấm nhiệt đới với dải nhiệt độ thích hợp từ 17 - 38 độ C do vậy rất hợp với khí hậu Hà Tĩnh.
“Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các luống nấm khác; đồng thời, tiếp tục trồng thử nghiệm để có đánh giá chi tiết, hoàn thành quy trình sản xuất và quy trình nhân giống để chuyển giao cho người dân có nhu cầu (Trung tâm sẽ sản xuất và bán phôi giống, người dân chỉ cần trồng phôi nấm cùng với đất sạch, chăm sóc và thu hoạch)” – ông Trần Đức Hậu cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, nấm Hoàng đế chứa nhiều loại vitamin khác nhau như vitamin A, E, B2…, protein, hàm lượng chất xơ cao nên có nhiều công dụng như giúp người dùng ổn định đường huyết, hạ nồng độ cholesterol trong máu, ngăn ngừa lão hóa, các vi rút gây hại tấn công cơ thể, giúp ổn định tiêu hóa. Đặc biệt, trong nấm có hàm lượng chất ergothioneine - một chất chống oxy hóa bảo vệ các bộ phận của cơ thể, các thành phần trong nấm cũng rất tốt cho những người đang điều trị ung thư, sau phẫu thuật hay trị hóa chất hoặc xạ trị. |
Theo Dương Chiến – Anh Tấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã