Đổi thay nhờ điện
Tại hội nghị trực tuyến do Bộ Công Thương chủ trì “Tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn VN”, kết quả cho thấy các mục tiêu đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đã đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân. Với vai trò tập đoàn kinh tế nhà nước, EVN đã hoàn thành xuất sắc trong việc đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, nâng tỉ lệ số xã, hộ dân có điện lưới từ năm 1998 là 6.673/8.885 xã và 7,111/11,384 triệu hộ dân nông thôn đến cuối năm 2013.
Có 9.002/9.086 xã có điện lưới (đạt tỉ lệ 99,08%) và có 16,225/16,620 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới (tỉ lệ 97,62%), tăng thêm 2.329 xã có điện, tương đương tăng thêm 24% và thêm hơn 9 triệu hộ dân có điện, tương đương tăng thêm 35,12% số hộ dân nông thôn.
Bên cạnh việc tăng tỉ lệ số hộ dùng điện, hệ thống điện được khôi phục cải tạo, giảm thất thoát điện năng và tăng cao độ an toàn cung ứng điện. Người dân được trực tiếp mua điện từ EVN theo giá bán điện do Chính phủ quy định.
Theo EVN, nếu như năm 2001, EVN mới quản lý bán điện trực tiếp đến khoảng 25% số hộ dân nông thôn, 75% còn lại là các mô hình do các tổ chức, cá nhân địa phương quản lý. Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã (tỉ lệ 84,57% số xã) có điện trên cả nước, với 13,40/16,23 triệu hộ nông thôn (tỉ lệ 82,59%) trong tổng số 20,899 triệu khách hàng sử dụng điện. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành điện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ thế nông thôn để quản lý đến tận hộ dân, đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận bàn giao cho ngành điện quản lý. Hiện chỉ còn khoảng 1.500 xã do các tổ chức ngoài EVN quản lý và sẽ tiếp tục được bàn giao cho EVN trong thời gian tới.
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Trong 15 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình điện khí hóa nông thôn cả nước đạt xấp xỉ 49.500 tỉ đồng. Trong số này có đóng góp bằng nguồn vốn của quốc tế giúp VN. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới tài trợ 12 dự án, tổng số vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD; NH Phát triển Châu Á tài trợ 4 dự án với tổng số vốn khoảng 250 triệu USD, NH Hợp tác quốc tế Nhật Bản 152 triệu USD, NH Tái thiết Đức 125,96 triệu USD... Các dự án đưa điện về nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho hộ nông dân. Từ năm 1998 - 2013 giá trị sản xuất nông nghiệp nông thôn đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại VN - đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ VN và ngành điện VN trong suốt 15 năm qua. “Rất ít quốc gia trên thế giới với điều kiện kinh tế tương tự như VN đảm bảo được tốc độ tăng trưởng điện năng từ 10-15%/năm, giảm tỉ lệ tổn thất từ 30% xuống còn 10%, tỉ lệ số xã, hộ dân nông thôn có điện cũng gây sửng sốt” - bà nói. Trong giai đoạn 2014 - 2020, mục tiêu đề ra, điện khí hoá nông thôn VN phải cấp điện cho khoảng 3% hộ dân nông thôn còn lại chưa có điện, chủ yếu ở vùng núi, hải đảo nâng cấp hệ thống lưới điện đã xuống cấp, giảm tổn thất và nâng cao chất lượng điện.
Bằng nguồn vốn tự có và của các tổ chức quốc tế, EVN đang xúc tiến đưa điện ra các đảo, hải đảo bằng cáp ngầm xuyên biển. Đây là sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Bà Victoria Kwakwa khẳng định: “Việc mở rộng cung cấp điện cho những khu vực chưa có điện từ nay đến năm 2020 là thách thức rất lớn đối với VN. Vì vậy, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ VN về vốn để thực hiện chương trình điện khí hóa những năm tiếp theo”.
Theo laodong.com.vn