1. Đặc điểm thực vật học
Dầu Camelina thường được sản xuất từ cây cải Camelina sativa thuộc họ Brassicaceae. Họ thực vật này còn có những loại rau quen thuộc khác với người Việt Nam như: mù tạt, cải bắp, cải dầu (rapeseed), bông cải xanh (broccoli), bông cải trắng (cauliflower). Cải camelina có nguồn gốc từ Đông Âu và Tây Nam châu Á. C. sativa mọc cao khoảng 0.3-1m. Đây là cây ngắn ngày và có thể thu hoạch sau 85-100 ngày gieo trồng. Hạt của nó chứa 40% tinh dầu.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn nhiên liệu sinh học đã dẫn đến sự gia tăng gần đây trong sản xuất camelina ở châu Âu và Bắc Mỹ, do chi phí sản xuất dầu camelina thấp hơn so với các thực vật có dầu khác. Trong thực tế, dầu camelina hiện đang được thử nghiệm bởi Hoa Kỳ như là một nhiên liệu sinh học dùng cho lực lượng hải quân và không quân. Các thí nghiệm tương tự cũng đang được thực hiện ở châu Âu.
2. Dầu camelina cung cấp omega-3 (acid béo α-linolenic)
Dầu camelina có thể là một nguồn cung axit béo omega-3 (α –linolenic) với giá cả thấp hơn cho ngành sản xuất thịt heo cao cấp, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Hàm lượng omega-3 chiếm tỷ lệ lớn đến 38-40% trong thành phần của dầu camelina. Ngoài ra, dầu camelina cũng chứa γ-tocopherol (vitamin E) ở mức 110mg/100g dầu. Vitamin E là chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh nhất, nó làm tăng sự ổn định và tuổi thọ của dầu camelina so với các nguồn dầu omega-3 khác. Camelina được coi là có tiềm năng thay thế dầu lanh (flax oil), loại dầu cung cấp axit béo omega-3 đã được biết đến trước đây.
Kết quả thu được từ một số nghiên cứu trên heo lứa-vỗ béo (thực hiện tại Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia IBNA, Romania) cho thấy cung cấp camelina trong thức ăn giúp tăng hàm lượng omega-3 trong thịt heo, làm tăng giá trị dinh dưỡng của thịt heo. Gần đây, một thí nghiệm được tiến hành trong thời gian 92 ngày trước khi xuất chuồng trên heo thịt lai giữa nái (Large White x Landrace) và nọc Pietrain cho sử dụng khẩu phần chứa 3% dầu camelina thay thế cho 3% bắp. Kết quả cho thấy sự thay thế này làm tăng mức axít béo α-linolenic lên 4.22% so với 2.72% trên heo đối chứng (heo không ăn dầu camelina). Hơn nữa, tổng hàm lượng axit béo không no nhiều nối đôi cũng tăng cao đáng kể trên heo sử dụng dầu camelina. Đặc biệt, hàm lượng omega-3 tăng cao đến 4.93 lần trong cơ thăn lưng (Longissimus dorsi, LM) và 3.38 lần trong cơ bán gân (Semitendinosus) so với hàm lượng trong cơ tương ứng của heo đối chứng. Đúng theo mong đợi, tỷ lệ axit béo linoleic C18:2n-6/linolenic C18:3n-3 đã giảm đáng kể trong cả hai loại cơ này. Điều này có lẽ là do sự gia tăng tích lũy axit béo linolenic (C18:3n-3) và docosahexaenoic (DHA, C22:6n-3) từ dầu camelina.
Những kết quả này chỉ ra rằng dầu camelina rất giàu axit béo không no ba nối đôi và có khả năng điều chỉnh hàm lượng axit béo trong thịt heo. Như vậy, nó là một thành phần thức ăn phù hợp, là nguồn chất béo cho khẩu phần của heo. Sử dụng dầu camelina trong giai đoạn vỗ béo có thể làm tăng giá trị dinh dưỡng, nhất là hàm lượng DHA, omega-3, omega-6 của thịt heo, với các tác dụng có lợi cho sức khỏe con người.
Theo channuoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã