Việt Nam đặt mục tiêu về tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7%/năm (tương đương với tăng trưởng GDP 7-8%/năm đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020). Tốc độ tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Trong lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 (ngày 23/2), ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, Báo cáo nêu ra nhiều khuyến nghị, trong đó, giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu là nâng cao năng suất lao động để phát triển nhanh.
Tại Báo cáo, các chuyên gia lý giải rõ nguyên nhân khiến việc tăng năng suất chậm lại. Đó là, đầu tư công chưa hiệu quả như mong đợi do các quyết định đầu tư còn thiếu đồng bộ và thiếu phối hợp. Nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại chậm hoàn thiện gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên các thị trường hàng hóa. Thị trường các yếu tố sản xuất bị chi phối bởi sự kết hợp không rõ ràng giữa phân bổ theo tín hiệu thị trường và phân bổ bằng mệnh lệnh hành chính…
Thực tế, vấn đề về năng suất lao động còn thấp cũng được Đảng và Nhà nước ta nêu rõ trong quá trình tổng kết rút kinh nghiệm.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra một trong những khuyết điểm chưa khắc phục được, đó là nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có chất lượng cao. Năng suất lao động chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn thấp…
Về phía các cơ quan của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng để đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000-18.000 USD/người vào năm 2035, con đường duy nhất là chúng ta phải tăng năng suất lao động.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phân tích nếu như trước đây, để đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5% thì tín dụng thường tăng đến khoảng 35-36% thậm chí hơn, thì năm 2015, để đạt mức tăng trưởng trên thì tín dụng chỉ cần tăng khoảng 16-17%.
Năng suất lao động tổng hợp (TFP) năm 2015 đã được cải thiện lên đến khoảng hơn 29%, nhưng rõ ràng để đạt được các mục tiêu trong 5 năm tới, TFP phải đạt mức ở mức 35%. Nhìn chung ở các nước phát triển, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế là từ năng suất lao động tổng hợp, thường trên 50% (TFP của Nhật Bản có thể lên tới 80%-90%).
Cũng tại buổi công bố Báo cáo Việt Nam 2035, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB đã đề xuất một số biện pháp thực hiện tăng năng suất lao động, như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; tận dụng lợi ích của quá trình đô thị hoá; nuôi dưỡng một nền kinh tế sáng tạo và dựa trên đổi mới sáng tạo, và chú ý giải quyết sức ép về môi trường.
Cùng với đó, Báo cáo Việt Nam 2035 cũng nhấn mạnh việc tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn quan trọng, nhưng sẽ là không đủ. Khu vực tư nhân trong nước còn yếu nên đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn về chính sách. Cần củng cố nền tảng thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi có hiệu lực các chính sách đảm bảo cạnh tranh.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị thị trường đất đai minh bạch, vận hành tốt và một khu vực tài chính cạnh tranh, có sự quản lý tốt của Nhà nước cũng là những điều kiện không thể thiếu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước được nâng cao năng lực và tự tin hơn sẽ đẩy mạnh kết nối theo chiều sâu với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và tri thức. Đây là những yếu tố rất cần thiết để nâng cao năng suất lao động. Tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ đòi hỏi phải phát triển ngành dịch vụ và tăng cường mạng lưới giao thông kết nối trong nước với các nước đối tác thương mại. Thêm nữa, tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp cần gắn với thị trường và sản xuất hàng hóa.
Các chuyên gia thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 đánh giá những cam kết trong các hiệp định thương mại chủ chốt (nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP) thực sự là cơ hội để tiến hành cải cách.
TPP cũng như FTA với EU yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải công khai, minh bạch hoạt động và cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước đồng thời khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Khi Việt Nam gia nhập TPP, có thể sẽ có những doanh nghiệp bị đào thải. Nhưng Việt Nam vẫn có thể tham gia một “sân chơi chung” có trình độ cao với điều kiện các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như năng suất lao động để phát triển.
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;