Học tập đạo đức HCM

Ðể người dân được hưởng lợi từ rừng

Thứ ba - 23/07/2013 20:29
Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách quốc gia nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, bảo đảm nguồn nước cho thủy điện và các hoạt động kinh doanh du lịch, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng.

Tuy nhiên, cho đến nay, bên cạnh một số tỉnh thực hiện tốt thì ở nhiều địa phương, chính sách này vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống.

Rừng được bảo vệ thì dân no ấm

Chúng tôi đến Lai Châu đúng vào mùa mưa, con đường từ thị xã đến xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ vốn đã quanh co, dốc đá, nay lại thêm trơn lầy và sạt lở. Ðúng với những gì chúng tôi được nghe, được biết, tuy thực hiện muộn hơn một số địa phương, nhưng Lai Châu hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước trong triển khai công tác chi trả DVMTR. Toàn xã Lản Nhì Thàng có hơn 4.700 ha rừng, năm 2012, tỉnh đã chi 1,3 tỷ đồng cho 513 hộ, trung bình mỗi hộ được nhận từ 2,6 đến 2,7 triệu đồng. Các hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, kinh tế còn rất khó khăn nên số tiền nhận được tác động rất lớn đến đời sống vật chất  và tinh thần của họ. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Ích Ðiện phấn khởi cho biết: Từ khi được nhận tiền DVMTR, bà con các dân tộc rất phấn khởi. Các hộ dân giờ coi rừng như vườn nhà mình nên công tác chăm sóc, bảo vệ được thực hiện thường xuyên, liên tục, rất hiệu quả.

Theo chân đồng chí Ðiện đến bản Tô Y Phìn đúng lúc trời mưa to, con đường độc đạo từ xã lên bản vốn cheo leo, giờ càng hiện rõ sự khó khăn, nguy hiểm. Anh Ðiện chỉ lên núi, nơi có đường dây điện cao thế vừa khánh thành, bộc bạch: Bà con có niềm vui nhân đôi khi cùng một lúc vừa có điện thắp sáng, vừa có tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Từ nay, đời sống người dân các thôn, bản sẽ ấm no hơn. 

Tại hộ gia đình anh Thào A Lử, cả hai vợ chồng đều vào rừng để chăm sóc cây, người con trai cả vừa từ rừng về vội khoe: Năm nay có tiền DVMTR, cuộc sống của gia đình đã khá nhiều rồi đấy. Bữa cơm bây giờ cũng ngon hơn, con mình cũng được đến trường và có quần áo ấm mặc mùa rét nữa. Nhờ rừng mang lại đấy, ai cũng vui cán bộ ạ, rừng càng nhiều thì dân càng no ấm. Ðến thăm các hộ anh Thào A Mư, chị Sùng Thị Dở, chúng tôi đều nhận thấy họ rất vui khi trực tiếp nhận được tiền hỗ trợ bảo vệ rừng, góp phần cải thiện cuộc sống và yên tâm bảo vệ chăm sóc rừng do chính mình làm chủ. Ðúng như nhận định của Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ, Nguyễn Ðình Hòa: Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân về rừng, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Nhất là đã tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh Lai Châu thu được hơn 166 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch thu và đã chi gần 140 tỷ đồng cho hơn 50 nghìn hộ là chủ rừng, với tổng diện tích rừng được nhận chi trả là 433 nghìn ha, đạt 93% kế hoạch, đưa Lai Châu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Hữu Ái khẳng định: Thành công của chính sách này chính là do tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, huy động được cả bộ máy chính trị, hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã vào cuộc, thực hiện đồng bộ phương án chi trả trên cơ sở xác định rõ đối tượng và quan trọng hơn là đã tạo ra tiếng nói đồng thuận trong các dân tộc anh em, sự đoàn kết và đồng đều về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này.

Cùng với Lai Châu, theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, tính đến nay, cả nước đã có thêm nhiều tỉnh làm tốt công tác chi trả DVMTR. Nếu đầu năm 2012, mới có chín địa phương trong cả nước thành lập quỹ, thì đến nay, đã có 31 tỉnh tổ chức thành lập, vận hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, chủ yếu tập trung tại một số khu vực có tiềm năng về thủy điện như Tây Bắc, Tây Nguyên và miền trung. Sau khi thành lập, hầu hết các quỹ đã từng bước kiện toàn, củng cố bộ máy, triển khai các hoạt động, hoàn chỉnh các quy định quản lý, vận hành.

Cần chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt

Có nhiều điểm chung với Lai Châu, nhưng tỉnh Ðiện Biên hiện còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong triển khai công tác chi trả DVMTR, khiến tiền chưa đến được tay người bảo vệ rừng. Ðến nay, tỉnh mới ký được hai hợp đồng ủy thác thu tiền DVMTR, còn lại bốn Nhà máy thủy điện: Nà  Nơi, Thác Trắng, Pa Khoang, Na Son chưa ký được với nhiều lý do khác nhau. Năm 2012, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã được Quỹ của Trung ương điều phối 100 tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế việc chi trả tiền DVMTR tính đến nay mới được hơn 13 tỷ đồng cho 38 chủ rừng với diện tích được nhận chi trả là 38 nghìn ha. Các chủ rừng được chi trả gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé,  cộng đồng dân cư, thôn bản thị xã Mường Lay; bản Chống Dình, bản Huổi Toong 2 thuộc huyện Mường Chà và hai bản Cò Chạy 2 và Mường Pồn 2 của huyện Ðiện Biên. Ðến một số xã của huyện Mường Chà, nơi có tới gần 90% số hộ nghèo, chúng tôi được biết hiện họ vẫn chưa được nhận tiền DVMTR và đang ngày đêm mong ngóng chính sách được triển khai. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðinh Xuân Tiến băn khoăn: "Mường Chà là huyện nghèo, hằng năm phải trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Do vậy, khi triển khai công tác chi trả DVMTR chúng tôi rất vui. Thế nhưng, muốn giải ngân hiệu quả, kịp thời thì phải sớm xác định đúng đối tượng chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Việc này huyện cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh sớm có chính sách chỉ đạo để các địa phương thực hiện, kịp thời hỗ trợ tiền cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống, đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, chăm sóc rừng. Tiền dịch vụ môi trường rừng thu được rồi mà không đưa được đến người dân là có lỗi với dân bởi chúng tôi xác định, với bà con nơi đây, có thêm một đồng cũng quý".

Chia sẻ với chúng tôi,  Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, Nguyễn Tuấn Quang cũng mong muốn, địa phương sớm xác định rõ các đối tượng được thụ hưởng chính sách để hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn quản lý.

Việc chỉ giải ngân được 13 tỷ đồng là một tồn tại, yếu kém của tỉnh Ðiện Biên trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Nguyên nhân của việc chậm trễ trong triển khai chính sách này là  do thiếu sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chính quyền địa phương; chưa khơi dậy được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Hơn lúc nào hết, các đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này hiện đang ngày đêm mong chờ vào các quyết sách, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh!?

Tính đến nay, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã cơ bản hoàn chỉnh, là căn cứ pháp lý rất quan trọng triển khai các hoạt động thực thi chính sách của Nhà nước. Dựa vào các văn bản đó, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động triển khai vận hành Quỹ, tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR để thu nộp, có kế hoạch triển khai chi trả tiền cho các chủ rừng. Ngoài Ðiện Biên, một số tỉnh khác như Quảng Nam, Ðác Lắc, Kon Tum hiện cũng triển khai chính sách này rất chậm. Nguyên nhân nằm ở sự chậm trễ trong thành lập và vận hành bộ máy quỹ. Ở một số địa phương, chính sách chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và chưa có sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu chủ động trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách, đặc biệt phần lớn các tỉnh chưa hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, diện tích rừng đến từng chủ rừng.

Rõ ràng, chi trả tiền dịch vụ cho chủ rừng, một mặt giúp người dân được hưởng lợi thiết thực từ những cánh rừng mà họ bỏ công sức để chăm sóc, giữ gìn, mặt khác còn nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Từ đó góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên đất nước ngày càng hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt chính sách thu tiền dịch vụ từ các doanh nghiệp sử dụng DVMTR, việc đẩy mạnh chi trả DVMTR là yêu cầu cấp thiết đối với các địa phương, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền và người dân. 

Năm 2012, cả nước đã thu được hơn 1.170 tỷ đồng từ DVMTR. Năm 2013, kế hoạch thu từ các nhà máy thủy điện (không kể thủy điện nhỏ) toàn quốc có thể đạt 925 tỷ đồng, trong đó, thu qua Trung ương 716 tỷ đồng, thu trực tiếp tại tỉnh 209 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương, tính đến tháng 7-2013 đã ký được 31 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR.

VŨ THÀNH, ÁNH TUYẾT (http://www.nhandan.org.vn)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập330
  • Hôm nay44,607
  • Tháng hiện tại819,885
  • Tổng lượt truy cập91,993,614
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây